Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 4/11 cảnh báo mặc dù tiếp tục tăng trưởng lạc quan trong năm 2011 và 2012, song các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang đứng trước những thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không ổn định.
Phát biểu tại Học viện Quản lý châu Á ở Manila (Philippines), Phó Giám đốc điều hành IMF Naoyuki Shinohara nhấn mạnh các nền kinh tế tăng trưởng lạc quan nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn dễ bị tổn thương trước những diễn biến tiêu cực của các nền kinh tế khác trên thế giới.

Mặc dù trao đổi thương mại trong nội bộ châu Á-Thái Bình Dương tăng mạnh trong thập kỷ qua, nhưng châu Á vẫn phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn nguy hiểm với triển vọng tăng trưởng ảm đạm và đối mặt với những nguy cơ lớn.


Cùng với sự bất ổn tài chính ở các nền kinh tế phát triển đã lan sang khu vực châu Á và những căng thẳng tài chính tiếp tục leo thang, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái. Dự đoán, các nền kinh tế ASEAN nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2011 và 2012.


IMF cảnh báo tình trạng hoảng loạn trên thị trường chứng khoán châu Á trong những tháng qua cho thấy bất cứ biến động nào tại Khu vực đồng euro cũng tác động mạnh đến châu Á. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách châu Á cần cảnh giác và phản ứng mau lẹ trước những nguy cơ tương tự như thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009.


Theo IMF, sự suy thoái kéo dài của các nền kinh tế phát triển là bài học để châu Á-Thái Bình Dương nhanh chóng chuyển đổi mô hình phát triển. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần thực hiện chính sách tái cân bằng và duy trì tỷ giá hối đoái linh hoạt, chuyển động lực tăng trưởng từ xuất khẩu sang kích thích nhu cầu trong nước và đảm bảo tăng trưởng mang tính phổ quát hơn để thúc đẩy sự tăng trưởng công bằng hơn./.

Theo TTXVN/Vietnam+
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh