Khái niệm crowdfunding có thể áp dụng cho các tổ chức kinh doanh lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận, mà các tổ chức này có thể đưa ra các hình thức bằng tiền mặt hoặc hình thức khác (như đĩa CD, đồng hồ, trò chơi máy tính, một chuyến du lịch v.v…) để trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Khi mở rộng khái niệm này, crowdfunding cho bất động sản đơn giản có nghĩa là kêu gọi vốn từ các cá nhân có ý tưởng giống nhau để hỗ trợ các dự án đầu tư bất động sản.
Hiện tại, crowdfunding cho bất động sản rất phát triển tại Mỹ. Kết quả này phần lớn là do chính phủ đã thông qua các quy định mới cho phép huy động vốn qua mạng, đây là một phần trong đạo luật được giới thiệu cách đây không lâu gọi là Jumpstart Our Business Startups Act (viết tắt là đạo luật JOBS).
Hiện tại trong khu vực Đông Nam Á chưa có quy định nào tương tự như đạo luật JOBS của Mỹ, một cách làm mà công ty CoAssets của Singapore đã thực hiện đó là tạo một trang web tập hợp các cơ hội tiềm năng cho crowdfunding. CoAssets chỉ cung cấp một sàn trung gian kết nối các chủ đầu tư hoặc công ty bán bất động sản lớn, và nhà đầu tư. Bất kỳ giao dịch nào sẽ là giữa các bên liên quan, và CoAssets không tham gia vào quy trình giao dịch.
Cho đến thời điểm hiện tại, cách làm này đã phát huy hiệu quả. Trong vòng 6 tháng đầu tiên hoạt động, đã có hơn 12 triệu đô-la Singapore giá trị bất động sản được đăng trên trang web và hơn 4 triệu đô-la Singapore đã được huy động thành công thông qua trang web này. Số lượng nhà đầu tư mở tài khoản cũng đã tăng từ 200 lên đến hơn 1.400 trong vòng 6 tháng. Mặc dù chỉ trong vòng 6 tháng, nhưng những kết quả tích cực đó đã cho thấy nhu cầu đầu tư rất tiềm năng và có thể có những bước tiến xa hơn nếu có các hệ thống hợp lý.
Tại sao crowdfunding cho bất động sản sẽ phát triển?
Ngay cả trước khi khái niệm crowdfunding trở nên phổ biến, thực tế đã có những hình thức các cá nhân cùng góp vốn đầu tư vào các dự án địa ốc. Thực ra hai hình thức này không nhiều khác biệt.
Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản là kênh phân phối. Cùng góp vốn đầu tư chủ yếu là giữa những cá nhân trong cùng một mạng lưới. Còn crowdfunding thì dựa vào mạng internet để tập hợp những cá nhân có cùng ý tưởng từ những vị trí địa lý khác nhau để hỗ trợ tài chính cho các dự án và các dự án này cũng có thể tại các địa điểm khác nhau. Sự dễ dàng trong việc kết nối các nguồn lực từ các khu vực khác nhau chính là tiềm năng của crowdfunding cho bất động sản.
Ngoài việc phân phối hiệu quả các nguồn lực cho các dự án bất động sản, crowdfunding cho bất động sản còn có một số lợi ích khác. Thứ nhất, crowdfunding cho bất động sản giúp các chủ đầu tư tiếp cận các khoản vốn từ 1 đến 10 triệu đô-la Singapore. Thông thường, các ngân hàng có thể không muốn cho vay những khoản nhỏ này, vì phí thu được không nhiều và họ đánh giá không tương xứng với công sức bỏ ra. Vì vậy, các chủ đầu tư có thể tìm đến một nguồn vốn khác đó là các trang web crowdfunding cho bất động sản. Hiện tại ở Singapore cũng như các nước trong khu vực đã có ngày càng nhiều hơn nhu cầu từ các chủ đầu tư tìm đến kênh này.
Mặt khác, các trang web crowdfunding cũng giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn và các nhà đầu tư có thể tìm những người có cùng ý tưởng để cùng hợp tác.
Việc này cho phép họ phân phối đều nguồn lực tài chính vào các khoản đầu tư khác nhau và không để trứng vào cùng một rổ. Thông qua môi trường mạng, những nhà đầu tư crowdfunding cũng có thể tự nghiên cứu thị trường và tham gia bàn bạc với những nhà đầu tư khác để trao đổi về một món đầu tư trước khi quyết định đầu tư. Do đó, tất cả các tính năng này của crowdfunding cho bất động sản giúp tăng cường tính minh bạch cho một thị trường vẫn được xem là chưa minh bạch.
Sự tin tưởng của nhà đầu tư
Cần phải nhấn mạnh rằng, không phải các trang web này hoàn toàn không có rủi ro. Một trong những quan ngại phổ biến đối với crowdfunding đó là bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp dự án không thành công. Tuy nhiên đối với bất động sản, đây lại không phải là vấn đề quá lớn, vì thường có một số loại tài sản đảm bảo (chẳng hạn quyền sử dụng đất) mà những nhà đầu tư có thể lấy lại.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư có thể cảm thấy không hoàn toàn tin tưởng khi chỉ biết chủ đầu tư thông qua mạng và muốn gặp gỡ chủ đầu tư trước khi cân nhắc đầu tư, đặc biệt khi họ đầu tư lần đầu. Điều này rất quan trọng đối với crowdfunding cho bất động sản, vì số tiền đầu tư thường lớn. Do đó, tổ chức các buổi gặp mặt trực tiếp là bước quan trọng để có được sự tin tưởng của nhà đầu tư.
Tìm hiểu thêm
Bài viết này chỉ mới là sự tìm hiểu ban đầu về crowdfunding cho bất động sản và đương nhiên có các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, nếu độc giả muốn tìm hiểu thêm thông tin về crowdfunding cho bất động sản, quý vị có thể tham gia cuộc triển lãm đầu tiên tại Đông Nam Á có tên gọi Expo for Property Investment and Crowdfunding (EPIC) tổ chức vào ngày 18 và 19 tháng 7 năm 2014 tại Singapore.
Triển lãm quy mô lớn này là sự kiện được tổ chức trong 2 ngày được tổ chức bởi CoAssets và được hỗ trợ bởi Tổng cục Du lịch Singapore (STB). Triển lãm này có 2 mục tiêu. Một là kết nối các tổ chức cá nhân liên quan trong ngành bất động sản (chủ đầu tư, chủ sở hữu bất động sản lớn…) và các nhà đầu tư chuyên nghiệp và nghiệp dư tại Singapore và các nước trong khu vực. Hai là, giới thiệu chi tiết về xu hướng đang phát triển crowdfunding với các đại biểu tham gia. Triển lãm này thích hợp cho các chủ đầu tư tại Việt Nam có nhu cầu huy động khoản vốn từ 1 đến 10 triệu đô-la Singapore và muốn tiếp cận các nhà đầu tư ngoại, cũng như muốn triển lãm các dự án của mình để những người mua nhà và nhà đầu tư nước ngoài biết đến. Những cá nhân tổ chức muốn tìm hiểu thêm về crowdfunding cho bất động sản sẽ có dịp gặp gỡ và trao đổi với những tên tuổi như Tiến sĩ Jeffrey Chi, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Singapore và tổ chức đầu tư tư nhân (SVCA), ông Francis Goh, Partner của Harry Elias Partnership LLP.
Tác giả bài viết:
Tác giả của bài viết này là Getty Goh, là giám đốc công ty Ascendants Assets của Singapore và là CEO và đồng sáng lập CoAssets.com, website về crowdfunding cho bất động sản đầu tiên tại Đông Nam Á. CoAssets được đầu tư và hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Truyền thông Singapore (MDA) và Tổ chức Nghiên cứu Quốc gia (NRF).