Thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, nhiều dự án giãn tiến độ, giá nhà, đất giảm từ 20 - 30%... một phần nguyên nhân xuất phát từ chiến lược kinh doanh thiếu tầm nhìn của phần lớn doanh nghiệp.
Huy động vốn cho bất động sản: Bài toán khó giải
Doanh nghiệp kinh doanh BĐS khó huy động vốn do chính sách tín dụng thắt chặt. Trong ảnh: Giao dịch tại Vietcombank. Ảnh: Quỳnh Anh

Đó là đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo "Tài chính và Kiểm toán trong lĩnh vực BĐS" vừa diễn ra tại Hà Nội.
KTĐT - Thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, nhiều dự án giãn tiến độ, giá nhà, đất giảm từ 20 - 30%... một phần nguyên nhân xuất phát từ chiến lược kinh doanh thiếu tầm nhìn của phần lớn doanh nghiệp.
Sử dụng vốn thiếu hợp lý
Khi Chính phủ áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, những nhà đầu tư dự án phát triển nhà dần bộc lộ tình trạng thiếu vốn. Dù trước đó, các chuyên gia cảnh báo tới cách thức huy động vốn (từ ngân hàng và khách hàng) của các doanh nghiệp đến một thời điểm nhất định sẽ phải trả giá. Bởi có không ít doanh nghiệp, vốn pháp nhân khoảng 6 - 10 tỉ đồng, cũng đứng ra làm chủ đầu tư dự án cả trăm tỉ đồng. Thế nên, theo như báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010, có 52 doanh nghiệp BĐS niêm yết với 56% tổng tài sản bằng vốn vay ngân hàng, trong đó vay ngắn hạn 34%, vay dài hạn 22%. Còn dư nợ cho vay BĐS tại TP. HCM là 47%, tại Hà Nội: 16% trong tổng số 245.000 tỉ đồng dự nợ tín dụng, chiếm gần 10% trong tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, trong đó nợ xấu từ 8 - 12% (tương đương gần 30.000 tỉ đồng).
Ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam cho biết, tình trạng khó khăn của thị trường BĐS còn xuất phát từ việc các doanh nghiệp sử dụng vốn dàn trải, lấy khoản vay của dự án này, đầu tư sang các dự án khác. Tính thanh khoản của thị trường BĐS giảm đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém về năng lực tài chính, năng lực quản trị của doanh nghiệp. "Khi thị trường sôi động, nhà đầu tư có nhiều cơ hội đầu tư nhiều dự án cùng một lúc. Nhưng khi thị trường có chiều hướng xấu, họ không thu hồi được tiền và chậm trễ các dự án cùng một lúc. Nếu không có hệ thống dự báo và cân đối được luồng tiền, doanh nghiệp thực sự gặp khó về tài chính" - ông Hùng phân tích.
Đa dạng nguồn vốn đầu tư
Việc Ngân hàng Nhà nước quyết tâm đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17 - 19%/năm vào giữa tháng 9 được kỳ vọng làm dịu cơn "khát vốn" của doanh nghiệp. Tuy vậy, chính sách thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất vẫn được áp dụng. Ngân hàng chỉ cho vay vốn đối với những dự án nằm trong danh mục qui định.
Như vậy, nguồn vốn huy động từ ngân hàng với đại đa số doanh nghiệp kinh doanh BĐS vẫn đang gặp khó. Trong khi đó, để huy động nguồn vốn trong dân lúc này cũng đang khó thực hiện, bởi thị trường BĐS chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trước hoàn cảnh này, đã có nhiều nhà đầu tư liên danh, liên kết với doanh nghiệp trong nước, hoặc quĩ đầu tư nước ngoài cùng triển khai dự án. Việc này vẫn tập trung nhiều ở các doanh nghiệp phía Nam.
Chẳng hạn, trong tháng 5 vừa qua, Tập đoàn BĐS CapitaLand của Singapore đã mua lại 70% cổ phần dự án chung cư tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP. HCM, của Công ty Khang Điền Sài Gòn và 65% cổ phần của Công ty TNHH Quốc Cường Sài Gòn. Hiện CapitaLand đã có 7 dự án phát triển nhà ở tại Việt Nam. Đó là chưa kể hoạt động của công ty thành viên của tập đoàn này.
Các chuyên gia nhận định, đây là việc sẽ xảy ra khi các doanh nghiệp trong nước khó tìm được nguồn vốn để triển khai dự án, trong đó có cả sức ép từ phía khách hàng đã đóng tiền (hợp đồng góp vốn). Tìm kiếm tới nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài được các chuyên gia đồng tình, nhưng cùng với đó, phải có sự giám sát và có qui định, chế tài chặt chẽ.


Về lâu dài, cần hình thành các hình thức tín dụng phát triển nhà ở như Quĩ Tiết kiệm nhà ở hoặc Quĩ Đầu tư tín thác BĐS. Cần thiết xây dụng cơ chế và chính sách để thu hút và đa dạng hóa các nguồn lực của xã hội, để khai thông các nguồn vốn trong dân, tạo kênh dầu tư các nguồn tiền nhàn rỗi, như vốn kinh doanh vàng miếng, ngoại tê sang thị trường BĐS, từ đó sẽ có một nguồn tài chính dài hạn thay thế đáng kể nguồn vốn tín dụng ngắn hạn của ngân hàng.

TS Lê Xuân Nghĩa Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia


Theo Nguyễn Cao (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.