TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử giám đốc thẩm (GĐT), tuyên hủy cả hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND quận Tân Bình (TP.HCM) xử lại từ đầu vụ mua nhà 58 tỉ đồng, bán lại 28 tỉ đồng siêu tốc.
Ông Nguyễn Văn Quyện. Ảnh: PL
Đây là vụ án gây sự chú ý lớn của dư luận quan tâm vì những tình tiết pháp lý thú vị và số tiền trong giao dịch dân sự khá lớn.
Trước đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị GĐT, đề nghị tòa cùng cấp xử theo hướng hủy cả hai bản án. VKS cho rằng đây là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất có tài sản gắn liền trên đất nên cần áp dụng Luật Đất đai 2013 để giải quyết.
Theo quyết định GĐT, tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất có tài sản gắn liền trên đất nên cần áp dụng Luật Đất đai 2013 để giải quyết.
Đồng thời, cần chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng giữa ông Nguyễn Văn Quyện và Trần Vũ Trường vì hai bên đã có thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp Trường không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán.
Căn cứ Điều 122, Điều 168 BLDS 2005, Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng đất sau đó giữa Trường và bà Hoàng Ngọc Điệp chưa có hiệu lực do bà Điệp vẫn chưa đăng bộ, sang tên. Vì vậy, bà Điệp chưa được chuyển giao quyền sở hữu nhà, đất của ông Quyện.
Theo tòa GĐT, cần cho đối chất giữa Trường và bà Điệp để làm rõ có hay không việc xác lập giao dịch giả tạo nhằm che giấu cho giao dịch cầm cố tài sản. Bởi lẽ Trường khẳng định chỉ cầm cố nhà, đất với lãi suất 3%/tháng cho bà Điệp.
Ngoài ra, giá chuyển nhượng nhà, đất cũng không hợp lý. Bởi lẽ chỉ sau 14 ngày nhận chuyển nhượng với giá 58 tỉ đồng từ ông Quyện, Trường đã “đại hạ giá” còn 28 tỉ đồng để chuyển nhượng cho bà Điệp.
Tại các phiên xử ở hai cấp tòa, người đại diện của bà Điệp thừa nhận sau khi ký hợp đồng thì bà vẫn đồng ý cho Trường chuộc lại nhà trong vòng ba tháng.
Theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, từ những nhận định này, có cơ sở xác định Trường không có ý chí chuyển nhượng nhà, đất này cho bà Điệp. Khi giải quyết vụ án, tòa án hai cấp không cho các bên đối chất (Trường ra tù vào tháng 5-2017) để làm rõ có hay không việc Trường và bà Điệp xác lập giao dịch giả tạo nhằm che giấu cho giao dịch cầm cố tài sản. Do đó, bà Điệp có quyền khởi kiện Trường trong một vụ án khác.
Sáu năm ngược xuôi với vụ kiệnNhư Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, nhà đất của ông Quyện tại 335 bis Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình đang thế chấp. Ngày 2-10-2014, ông Quyện nộp tiền trả nợ trước hạn cho ngân hàng. Cùng ngày, vợ chồng ông Quyện ký công chứng chuyển nhượng và giao bản chính giấy tờ nhà, đất cho Trường. Theo hợp đồng thì Trường phải trả 10 tỉ đồng ngay sau khi công chứng, 48 tỉ đồng còn lại phải thanh toán không quá 45 ngày kể từ ngày hoàn tất đăng bộ, sang tên. Trường cam kết nếu không thực hiện đúng thì phải chuyển lại giấy tờ hoặc mất tiền đã trả. Ngay hôm sau, 3-10-2014, Trường đã cập nhật, sang tên xong. Khi ông Quyện đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Tân Bình nộp hồ sơ xóa thế chấp thì mới phát hiện việc xóa thế chấp đã được thực hiện trước đó ba ngày. Từ đây, ông Quyện khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng nhưng hai cấp tòa xử bác đơn và buộc gia đình ông phải ra khỏi căn nhà. Tòa cũng kiến nghị xem xét hành vi của Trần Vũ Trường để xử hình sự. Trường vắng mặt tại các phiên tòa. |
-
Vụ mua nhà 58 tỉ, bán lại 28 tỉ đồng: Trước bạ, đăng bộ... siêu tốc!
Người mua được giải quyết xóa đăng ký thế chấp và đăng bộ nhà, đất nhanh đến mức... siêu tốc!