08/02/2018 8:44 AM
Nếu tổng thầu Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc không quyết liệt, nhiều khả năng Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chỉ có thể đưa vào khai thác thương mại vào quý I/2019.

Liên tục vỡ tiến độ

Cho đến thời điểm này, cả Tổng thầu và Ban Quản lý Dự án đường sắt (PMU đường sắt) - Bộ Giao thông - Vận tải mới có thể chốt được mốc thời gian nghiệm thu, chuyển giao công trình cho UBND TP. Hà Nội là trước ngày 20/11/2018.

Trong bản cam kết tiến độ thi công hoàn thành Dự án vừa được ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc PMU đường sắt - đại diện chủ đầu tư và ông Đường Hồng, Giám đốc Dự án của Tổng thầu ký, hai bên thống nhất sẽ hoàn thành công tác xây dựng cơ bản nhà ga, lắp đặt đường ray trong tháng 3/2018; lắp đặt hệ thống thiết bị và nghiệm thu hệ thống trong tháng 5/2018; đào tạo thao tác thiết bị vào đầu tháng 5/2018.

Từ tháng 6/2017 đến cuối tháng 12/2017, không ghi nhận tiến triển đáng kể nào trong xây dựng tuyến Cát Linh - Hà Đông

Đây là những đường găng tiến độ mà Tổng thầu cần phải giải quyết để có thể vận hành chạy thử về kỹ thuật toàn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn từ 14/8/2018 - 11/11/2018.

Theo ông Phương, bản cam kết tiến độ trên là một phần không thể tách rời của hợp đồng EPC sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng tiến độ điều chỉnh. Tuy nhiên, Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc chỉ cam kết hoàn thành bảng tiến độ này khi Hiệp định vốn bổ sung có hiệu lực ngay trong tháng 12/2017. Nếu hiệp định vay vốn bổ sung bị chậm, thì tiến độ thực hiện được bù theo số ngày hiệp định bị chậm.

Bên cạnh các điều kiện bất khả kháng được nêu trong hợp đồng EPC, Tổng thầu sẽ chịu mọi chi phí phát sinh, nếu tiến độ của Dự án không đạt theo tiến độ đã cam kết nói trên. “Với tiến độ mới được lập, Dự án sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch được Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh hồi tháng 2/2017”, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách PMU đường sắt cho biết.

Trước đó, kể từ đầu tháng 12/2016, công tác giải ngân của khoản vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD liên tục gặp vướng mắc do kế hoạch vốn nước ngoài trong năm 2016 cho Dự án bị hết, phải chờ kế hoạch vốn của năm 2017. Bước sang năm 2017, dòng vốn chựng lại do việc gia hạn thời gian rút vốn (hết hạn ngày 31/12/2016) của khoản vay kéo dài do vướng mắc về các điều khoản gia hạn.

Khó khăn về vốn, năng lực quản lý điều hành của tổng thầu còn hạn chế, lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm dẫn đến công tác thiết kế, thi công, lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán, hoàn công... rất chậm trễ, thiếu khoa học, cũng đẩy Dự án chìm sâu vào bế tắc.

Điều đáng lo ngại là, đã xuất hiện tình trạng các nhà thầu phụ mất niềm tin vào Tổng thầu do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc không giải quyết một cách thấu đáo, hợp lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng thầu phụ, dẫn đến không chỉ đạo được các nhà thầu phụ phối hợp thực hiện công tác thi công, lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn công.

Mong manh tiến độ chót

Cần phải nói thêm rằng, trong suốt hơn 10 năm triển khai Dự án, đây không phải là bản cam kết duy nhất. Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải, tại Văn bản số 1818/VPCP - QHQT, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đồng ý điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa Dự án vào khai thác thương mại trong quý I/2018.

Việc Dự án một lần nữa phải nới đai tiến độ là điều bất khả kháng, sau khi đơn vị tổng thầu đã thất bại trong việc đưa vào vận hành thử nghiệm đoàn tàu vào tháng 10/2017. Điều đáng nói là, suốt từ tháng 6/2017 đến cuối tháng 12/2017, Dự án đã không ghi nhận bất cứ tiến triển đáng kể nào trong công tác xây dựng.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, PMU đường sắt vừa kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa Dự án vào vận hành chạy thử vào ngày 2/9/2018 với thời gian từ 3 đến 6 tháng.

Như vậy, ngay cả khi suôn sẻ, Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng chỉ có thể đưa vào khai thác thương mại vào quý I/2019. Mốc tiến độ này khá mong manh do còn thụ thuộc vào đơn vị tiếp nhận và quản lý vận hành khai thác.

Hiện điểm tựa lớn nhất đối với Tổng thầu là việc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Emximbank) đã chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD cho Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Lãnh đạo PMU đường sắt cho biết, nguồn vốn trên bị chậm từ giữa năm 2017, vì vậy, việc nguồn vốn đã được thông qua thủ tục giải ngân là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tiến độ, hoàn thành dự án trong năm 2018.

Với cú hích quan trọng này, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu PMU đường sắt phối hợp với Tổng thầu EPC Trung Quốc tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt thiết bị của Dự án. Khi phát sinh vướng mắc, cần báo cáo ngay Bộ Giao thông - Vận tải để giải quyết.

“Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về, nên không thể nói là vướng cái này, vướng cái kia, không có lý do gì để chậm trễ thêm nữa”, Thứ trưởng Đông yêu cầu và cho biết, Bộ GTVT sẽ sớm báo cáo Chính phủ tình hình triển khai Dự án và đề xuất mốc thời gian cuối để hoàn thành Dự án.

Anh Minh (Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.