21/02/2017 3:32 PM
CafeLand - TP.HCM vẫn có thể làm được nhà ở xã hội 30m2, có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương, theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA).

Theo HoREA, TP.HCM có thể đầu tư nhà ở xã hội ở những nơi có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông, gần các khu công nghiệp, nơi làm việc đã có các tiện ích, dịch vụ cơ bản như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo,…có nền địa chất vững chắc, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết để dành quỹ đất làm nhà ở xã hội như tại Khu chế xuất Linh Trung I, II, III (326 ha), Khu công nghệ cao (913 ha), công viên phần mềm Quang Trung (43 ha), Đại học quốc gia TP.HCM (647 ha), Khu chế xuất Tân Thuận (320 ha),…

Khu nhà ở xã hội Định Hòa. Ảnh: Nguyên Mạnh

Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế chính sách nhằm thu hút các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Thứ nhất, đề xuất Chính phủ nguồn tái cấp vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, trên thực tế cho đến nay chưa có cá nhân nào được vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014.

Thứ 2, thực hiện đúng khoản (1.c) điều 58 Luật Nhà ở, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.

Thứ 3, quỹ đất nhà ở xã hội có được do trích lập từ 20% quỹ đất kinh doanh của các dự án nhà ở thương mại có giá trị rất lớn, cần được quản lý và sử dụng hiệu quả. Nhưng cho đến nay, đối với các dự án được quy đổi nghĩa vụ tạo quỹ đất nhà ở xã hội nhưng được tính bằng tiền, do đó Bộ Tài chính có hướng dẫn về cơ chế thu ngân sách, quản lý, sử dụng nguồn lực này để phát triển nhà ở xã hội của địa phương.

Thứ 4, Bộ Tài chính cần có cơ chế bảo lãnh các nguồn vay ODA để phát triển nhà ở xã hội của các tỉnh, thành phố khi có nhu cầu này.

Thứ 5, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ phân cấp cho các tỉnh, thành phố phê duyệt tất cả các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Thứ 6, kiến nghị Chính phủ cho phép Sở Xây dựng cũng có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình cấp 1 nằm trong quy trình cấp giấy phép xây dựng (kể cả dự án nhà ở xã hội trên 20 tầng) để giảm thời gian làm thủ tục hành chính.

Thứ 7, cho thí điểm doanh nghiệp được đầu tư phát triển dự án căn hộ cho thuê, nhà trọ, phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2, để dần thay thế các phòng trọ, nhà trọ chưa đảm bảo chất lượng, tiện ích, an toàn, an ninh hiện nay.

Thứ 8, cho phép chủ đầu tư dự án có quy mô từ 10 ha trở lên cũng được đề xuất lựa chọn 01 trong 03 phương thức để thực hiện nghĩa vụ: Xây dựng nhà ở xã hội tại dự án; Hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định. Nguồn tiền thu được này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch của địa phương.

Thứ 9, có chính sách thí điểm cho chủ đầu tư được tạm hoãn, chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án, và được giảm thuế GTGT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi.

Bên cạnh đó, nếu muốn hạ giá thành nhà ở xã hội thì cần đầu tư những dự án lớn, có quy mô từ khoảng 50 ha trở lên, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, để hình thành khu đô thị mới có đầy đủ tiện ích.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.