ECB không tiết lộ tên của các ngân hàng trên. Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters cho biết hơn 12 ngân hàng Ý, bao gồm các ngân hàng hàng đầu như UniCredit và Intesa Sanpaolo, đã đăng ký vay ít nhất 49 tỉ euro.
Nhu cầu vay số tiền lớn như trên chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng vốn của ngân hàng nhưng đồng thời cũng khơi dậy hy vọng cuộc giải cứu này sẽ giúp xoa dịu cuộc khủng tài chính kéo dài gần hai năm qua ở châu Âu.
Hiện, nhiều nhà đầu tư đã ngưng cho ngân hàng vay vì lo ngại nguy cơ vỡ nợ của các ngân hàng, vốn đang giữ nhiều trái phiếu của các nước và các tài sản rủi ro khác. ECB lo ngại kinh tế châu Âu sẽ càng thêm khó khăn nếu các ngân hàng cắt các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng cá nhân vì thiếu tiền.
Các ngân hàng châu Âu đang đối mặt với khoản nợ đến hạn thanh toán 700 tỉ euro trong năm sau, trong đó gồm hơn 200 tỉ euro trong ba tháng đầu năm 2012.
Chương trình cho vay trên được xem là vũ khí chủ chốt của ECB, ít nhất là trong thời điểm này, để chống lại cuộc khủng hoảng ở châu Âu. Trước đó, ECB kiên quyết không đầu tư nhiều vào trái phiếu eurozone. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói các ngân hàng có thể dùng khoản vay này để đầu tư vào trái phiếu có lợi tức cao của các nước thuộc khu vực eurozone như Ý và Hy Lạp. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng việc này sẽ không xảy ra trên diện rộng vì trái phiếu eurozone đang được đánh giá là mang tính rủi ro cao. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại các ngân hàng ngày càng muốn dựa dẫm vào sự hỗ trợ của ECB và rốt cục, không thể tự đứng vững được.