Cục Hàng Hải (CHH) Việt Nam vừa đệ trình hội đồng thẩm định và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bản Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, theo tính toán của CHH, tổng kinh phí phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước khoảng 300 - 320 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 57.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Có 18 dự án được đề xuất ưu tiên đầu tư trong vòng 5 năm tới, nổi bật là các dự án nghìn tỷ như dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (2.200 tỷ đồng), dự án đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải (1.400 tỷ đồng), cải tạo nâng cấp luồng Cửa Lò cho tàu 30.000 tấn đầy tải, 50.000 tấn giảm tải và nâng cấp xây dựng đê chắn sóng phía Bắc cảng Cửa Lò (hơn 1.000 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, khu bến cảng Liên Chiểu - phần hạ tầng dùng chung (hơn 3.400 tỷ đồng), cũng được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra còn có các dự án cải tạo nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa (636 tỷ đồng), cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân (200 tỷ đồng), Đầu tư nạo vét duy tu luồng Soài Rạp (500 tỷ đồng) dự án ĐTXD công trình nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết cho tàu biển trên 1.000 tấn (28 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, CHH cũng đề nghị đầu tư phương tiện, ĐTXD trạm đèm, trạm quản lý hàng hải ở một số dự án quan trọng khu vực Trường Sa cũng như một số cảng vùng duyên hải.
Tất cả các dự án trên đều được đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Các dự án đầu tư đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân gồm dự án đầu tư xây dựng bến 3, 4, 5, 6 cảng Lạch Huyện (tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng) và đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng (32.000 tỷ đồng).
-
Kiến nghị TP.HCM hoãn thu phí hạ tầng cảng biển
VASEP cho rằng quy định thu phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển của TP.HCM sẽ khiến "phí chồng phí" đè nặng lên vai doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.