Trong giai đoạn 2020 – 2023, TP. Tân An đã huy động được nguồn lực hơn 19.000 tỉ đồng để đầu tư phát triển đô thị. Để đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I vào năm 2025, địa phương này sẽ mời gọi thêm nhiều lĩnh vực, trong đó có các dự án phát triển dân cư đô thị - thương mại – dịch vụ.

TP. Tân An phấn đấu lên thành phố loại I vào năm 2025

Theo thông tin từ báo Long An, trong giai đoạn 2020 – 2023, TP. Tân An (tỉnh Long An) đã huy động được hơn 19.000 tỉ đồng đề đầu tư phát triển đô thị. Kết quả này đã vượt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 – 2025.

Đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 4/19 dự án, công trình gồm Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Mở rộng nút giao Quốc lộ 62 - Hùng Vương; công viên phường 2; đường Vành đai thành phố; các công trình dự án còn lại dự kiến đến năm 2024, 2025 hoàn thành.

Trong đó, dự án đường Vành đai thành phố hơn 3.000 tỉ đồng vừa được thông xe vào ngày 25/12.

Dự án có chiều dài gần 23km, mặt đường rộng 33m, có điểm đầu giao ngã tư Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa và điểm cuối giao Quốc lộ 1 - Đường tỉnh 833 tại phường 5, TP. Tân An.

Trên địa bàn TP.Tân An, dự án đi qua các xã Lợi Bình Nhơn, An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung.

Quy mô xây dựng 4-6 làn xe, hệ thống cầu trên tuyến, hệ thống cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng…

Tuyến đường được thông xe sẽ giảm áp lực cho Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP.Tân An và đường Hùng Vương, Hùng Vương (nối dài), chuyển hướng lưu thông ra các vùng ven ngoại thành. Đồng thời, góp phần mở rộng cửa ngõ TP.HCM, kết nối các tỉnh miền Tây và miền Đông với TP.HCM.

Đường Vành đai TP. Tân An hơn 3.000 tỉ đồng vừa thông xe

Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo TP. Tân An thừa nhận, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế khiến chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Trong đó, có việc thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn khiêm tốn như các dự án phát triển cư dân đô thị - thương mại – dịch vụ. Một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng chậm tiến độ triển khai.

Theo Quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2030, tầm nình đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, TP. Tân An sẽ đạt các tiêu chí để là đô thị loại I.

Đây sẽ là là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP.HCM.

Đồng thời sẽ là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

TP. Tân An hiện có diện tích tự nhiên 8.173 ha với 14 đơn vị hành chính, bao gồm 9 phường và 5 xã.

Địa phương này có vị trí ở phía Đông Nam của tỉnh Long An. Phía Bắc giáp huyện Thủ Thừa; Đông giáp huyện Tân Trụ; Đông Nam giáp huyện Châu Thành; Tây Bắc giáp huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang; Nam và Tây Nam giáp huyện Châu Thành của tỉnh Tiền Giang

TP. Tân An nằm cách TP.HCM khoảng 47km, đây là đô thị cữa ngõ kết nối TP.HCM với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Với vị trí thuận lợi và có mạng lưới hạ tầng giao thông bao gồm nhiều tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1, Quốc lộ 62, đường N2, đường Vành đai…. TP. Tân An có nhiều lợi thế để mời gọi đầu tư, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, bất động sản.

Ghi nhận thực tế, trong những năm gần đây, thị trường bất động sản ở TP. Tân An là một trong những khu vực phát triển nhộn nhịp nhất ở Long An.

Trong năm 2022, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh với 121 dự án dự kiến được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong số này, tại TP. Tân An có 19 dự án nhà ở, đô thị. Những dự án này đều được các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản tài trợ kinh phí lập quy hoạch như Công ty CP Toàn Cầu TMS, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang, Công ty CP Euro Window Holding, Công ty IDICO- CONAC,…

Những dự án khu dân cư dự kiến được mời gọi đầu tư trên địa bàn TP. Tân An

Phong Vân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.