23/06/2012 7:46 AM
Viện dẫn hàng loạt văn bản nhưng không biết áp dụng văn bản nào để xử lý công trình không phép trước 1-5-2009.

UBND huyện Hóc Môn vừa có văn bản báo cáo, xin ý kiến về hướng xử lý ba công trình nhà xưởng xây dựng không phép, không phù hợp quy hoạch tại khu dân cư Hoàng Hải, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.

Huyện cho biết: Năm 2008-2009, chủ đầu tư dự án là Công ty Hoàng Hải đã ký biên bản thỏa thuận sang nhượng và giao đất (bằng giấy tay) cho ba cá nhân và ba cá nhân này đã tổ chức xây nhà xưởng không phép. Trong đó, công trình lớn nhất có diện tích hơn 700 m2. Ba công trình này đã bị UBND xã Bà Điểm lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế tháo dỡ vào năm 2011.

Trong báo cáo, huyện cho rằng quyết định của xã Bà Điểm là trái pháp luật khi viện dẫn Nghị định 23/2009 để xử phạt. Lẽ ra phải áp dụng Nghị định 126/2004 thì mới phù hợp vì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đang có hiệu lực pháp luật. Trong khi ba công trình trên đều được lập biên bản vi phạm trong năm 2011 mà thời điểm xảy ra hành vi vi phạm trễ nhất là vào tháng 5-2009 (theo chủ công trình, đây là thời điểm hoàn thành, còn xây dựng là vào 6-2008). Thời điểm này, Nghị định 126 đang còn hiệu lực còn Nghị định 23 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-5-2009.

Khúc mắc ở chỗ Nghị định 126 đã bị hủy bỏ, thay thế bởi Nghị định 23 và nó không hồi tố với các hành vi xảy ra trước khi văn bản này có hiệu lực. Do đó, huyện Hóc Môn băn khoăn: “Việc lập hồ sơ cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm theo Nghị định 23 liệu có đủ cơ sở pháp lý? Nếu không áp dụng cưỡng chế theo Nghị định 23 mà tạm cho tồn tại đến khi thực hiện quy hoạch thì tháo dỡ theo Thông tư 24/2010 cũng không khả thi vì Thông tư 24 chỉ nói đến công trình sai phép, không đề cập công trình không phép”.

Về đề xuất xử lý các chủ công trình về hành vi “sử dụng đất trái mục đích” theo Nghị định 105/2010, huyện cũng lo ngại không có cơ sở. “Trường hợp không áp dụng được Nghị định 23, Thông tư 24 mà áp dụng Nghị định 105, buộc người vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm mà chủ đầu tư không thực hiện thì có cưỡng chế được hay không?” - huyện này thắc mắc.

Quá lúng túng nên huyện đề nghị các sở hướng dẫn là nên áp dụng văn bản pháp luật nào để xử phạt các công trình vi phạm nói trên.

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn Luật sư TP.HCM), xã Bà Điểm đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng không phép nên phải xử lý theo quy định này. “Một vi phạm hành chính không thể bị lập biên bản hai lần, áp dụng hai văn bản pháp luật khác nhau. Trường hợp này có thể áp dụng Nghị định 126/2004 để xử phạt. Tuy nhiên, do quá thời hiệu xử phạt (hai năm) nên không áp dụng biện pháp phạt chính là phạt tiền nhưng biện pháp khắc phục hậu quả thì không bị giới hạn thời gian” - ông giải thích.

Theo Nghị định 126, hành vi xây dựng không phép trên đất không phù hợp quy hoạch phải bị buộc tháo dỡ.

Theo PLTPHCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.