30/09/2019 8:36 AM
Đường ngập quá đầu gối, bốc mùi hôi thối quanh năm, xuất hiện ổ gà lớn khiến nhiều người đi đường té.

Các hộ dân sống tại ấp 5, xã Đông Thành, huyện Hóc Môn, TP.HCM phản ánh: Hai con đường nơi họ đang sinh sống (đường BT4-2 và đường Đông Thạnh 4) bị ngập úng và bốc mùi hôi thối quanh năm. Chưa kể đường còn xuất hiện ổ gà lớn, làm cho nhiều người bị té khi lưu thông qua đây.

Dân bán nhà vì không ở nổi

Liên tục trong ba năm qua, hai con đường này luôn ngập lụt (hai đường vuông góc và nối thông nhau), nước thải dâng cao quá đầu gối, đen ngòm, bốc mùi hôi thối không kể mùa mưa hay mùa khô.

Nằm trên đường BT4-2, cách điểm cuối cùng hạ cống nhưng gia đình bà Huỳnh Thị Trà (tổ 36, ấp 5) cũng bị tình trạng nước thải dâng lên tận cửa nhà. “Nước thải ứ đọng lâu ngày khiến móng nhà tôi bị ngấm, hư hỏng hết” - bà Trà bức xúc.

Theo bà Trà, đường ngập lụt, có nhiều ổ gà, ổ voi nhưng là đường liên xã nên người dân vẫn phải qua lại ngày đêm, ngày nào cũng có 3-4 người bị té.

Những hộ dân khu vực cho biết chính quyền xã Đông Thạnh đã bốn, năm lần cử người lấy đá và bê tông để nâng cao mặt đường. Nhưng mỗi lần nền đường đổ cao lên thì nước thải lại tràn vào nhà dân.

Không chịu được cảnh ô nhiễm với mùi hôi nồng nặc, đã có bốn hộ dân sống quanh khu vực phải bán nhà, chuyển đi nơi khác. Anh Hồ Xuân Châu (tổ 36, ấp 5) cho biết: “Quá mệt mỏi khi dân than mà chính quyền ngó lơ, năm 2018 tôi buộc phải bán nhà, chuyển đi nơi khác. Thậm chí một số gia đình treo biển bán nhà không có người mua nên phải đi thuê ngoài để ở”.

Ông Nguyễn Văn Hòa (tổ trưởng tổ 36, ấp 5) cho hay: “Khi xã tiến hành xây dựng hệ thống cống hai đường này, tất cả hộ dân ở hai bên đường đều tự nguyện hiến 1 m đất để hạ cống, không yêu cầu bồi thường. Nhưng khi tình trạng ngập úng xảy ra, người dân đã nhiều lần gửi đơn lên xã, tuy nhiên đến giờ cũng chưa giải quyết được gì”.

Theo ông Hòa, năm 2016, UBND xã Đông Thạnh xây dựng hệ thống cống thoát nước từ đường Đặng Thúc Vịnh kéo dài theo đường BT4-2, nối ra đường Trịnh Thị Dối dẫn nước thải sinh hoạt ra rạch Cầu Dừa. Tuy nhiên, hệ thống cống thoát nước chỉ được xây dựng từ đường Đặng Thúc Vịnh đến hết đường BT4-2 thì dừng lại. Việc này khiến toàn bộ nước thải sinh hoạt bị ứ đọng và tràn trên mặt đường.

Dân treo bảng bán nhà ở đường BT2-4 vì không chịu được mùi hôi thối và ngập lụt. Ảnh nhỏ: Đường BT4-2 nước ngập khiến xe cộ qua lại khó khăn. Ảnh: Cù Hiền.

“Không còn cách khả thi hơn”

Ông Tăng Tấn Đức, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị (huyện Hóc Môn) phụ trách hạ tầng xã Đông Thạnh, cho biết: “Khi trình dự án, chúng tôi tưởng hệ thống cống tại đường Đông Thạnh 4 và đường BT4-2 sẽ được thực hiện đấu nối đồng bộ cùng một thời điểm. Không ngờ dự án đường BT4-2 được duyệt năm 2016 trong khi dự án đường Đông Thạnh 4 mới chỉ duyệt đề án, chưa duyệt những công trình của đề án, năm 2018 mới được duyệt”.

Được biết năm 2010, đường Đông Thạnh 4 được đầu tư làm đường nhưng thời điểm này hai bên là đồng ruộng nên xây dựng hệ thống cống là không cần thiết.

“Năm 2016-2017, đô thị phát triển nhanh, lúc đó mới bắt đầu tiến hành xây dựng đồng bộ hệ thống đường. Đến năm 2018 mới được cơ quan các cấp duyệt dự án xây dựng nông thôn mới thực hiện đồng bộ hệ thống cống hơn 10 con đường, trong đó có đường BT4-2 và Đông Thạnh 4” - ông Đức lý giải.

Ông Đức thừa nhận từ khi thực hiện hệ thống cống năm 2017, đoạn cuối của cống là đoạn Đông Thạnh 4 dẫn ra Trịnh Thị Dối xuất hiện tình trạng ngập lụt, Phòng Đô thị cũng nhiều lần thực hiện phương án sửa chữa nhỏ bằng cách đổ bê tông nâng cao đường.

Trước việc người dân phản ánh cách sửa chữa của chính quyền không khả thi bởi nâng đường càng cao, nước thải tràn vào nhà dân càng nhiều, ông Đức cho rằng đó là phương án duy nhất. Mỗi lần xảy ra ngập lụt sẽ tiến hành bơm nước trên bề mặt, sau đó đổ bê tông nâng cao mặt đường. Ngoài ra, không còn cách khác khả thi hơn.

Đồng thời, ông Đức cũng bác bỏ đề xuất của người dân xin được tự bỏ tiền hạ đường cống dẫn nước thải ra rạch Cầu Dừa. Theo ông, đây là dự án có vốn ngân sách nhà nước, việc người dân thực hiện manh mún sẽ không giải quyết được vấn đề.

Theo ông Đức, một phần nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng nước ứ đọng trên hai đoạn đường trên là do đường Trịnh Thị Dối (hương lộ 80 B) sau khi sửa chữa được nâng cao hơn trước.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch xã Đông Thạnh, cho biết đã nắm được thực trạng người dân đang phải chịu đựng. Theo ông, đường Đông Thạnh 4 và đường BT4-2 đều nằm trong dự án đường nông thôn mới do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình của huyện làm chủ đầu tư giai đoạn 2017-2020.

Được biết đầu năm 2020 đường Đông Thạnh 4 sẽ bắt đầu khởi công. Hiện nay xã đã có kiến nghị lên ban quản lý để tiến hành sửa chữa, khắc phục trước mắt.

Cù Hiền (PL TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.