03/09/2019 3:57 PM
Chỉ là một bãi đất trống, chưa được làm hạ tầng nhưng Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land đã vẽ ra dự án với hàng trăm nền đất và rao bán.

Địa chỉ mới của Công ty Hoàng Kim Land hiện đã được cho đơn vị khác thuê

Bán dự án “ma” thu tiền thật

Mới đây, Báo Đầu tư Bất động sản nhận được đơn thư phản ánh của độc giả về việc mua phải sản phẩm tại dự án đất nền ở xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM do Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land làm chủ đầu tư.

Bên trong dự án tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh vẫn chỉ là bãi đất trống

Cụ thể, ngày 8/1/2019, chị Hàng Ngọc Hân và em trai Hàng Lê Anh Minh đã ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất với bà Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Hoàng Kim Land và thanh toán 50% giá trị lô đất có ký hiệu HL11 - C1 thuộc khu đất nền ở Hương lộ 11, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh với số tiền là 605 triệu đồng.

Ngày 14/1/2019, chị Hân tiếp tục ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng với Hoàng Kim Land và thanh toán 50% giá trị lô đất HL11-C2 với số tiền là 613 triệu đồng.

Sau khi ký hợp đồng được khoảng 4 tháng, nghi ngờ dự án có vấn đề không minh bạch khi mua bán, nên ngày 15/5/2019, chị Hân đến Công ty Hoàng Kim Land để thỏa thuận thanh lý hợp đồng mua 2 nền đất.

“Khi ký hợp đồng, phía chủ đầu tư có nói trong khoảng thời gian 3 - 6 tháng Công ty hứa hoàn tất cơ sở hạ tầng, nhưng sau 4 tháng ký hợp đồng, mọi việc vẫn án binh bất động, không hề thấy dự án triển khai”, chị Hân nói và cho biết thêm, theo nội dung thanh lý hợp đồng, Hoàng Kim Land sẽ phải thanh toán lại cho chị số tiền hơn 1,2 tỷ đồng vào ngày 17/7/2019.

Chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo ngay phía ngoài dự án

Tuy nhiên, đến ngày 15/6/2019, Công ty Hoàng Kim Land thông báo chuyển địa điểm hoạt động sang địa chỉ 482-484 Phạm Thái Bường, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM. Điều đáng nói là chưa đầy 1 tháng sau khi chuyển địa điểm, Công ty Hoàng Kim Land đã thông báo tạm dừng hoạt động.

Những ngày cuối tháng 8/2019, tìm hiểu thực địa của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại dự án này cho thấy một khung cảnh hoang tàn, xung quanh vẫn chỉ là bãi đất trống được quây kín, không có đường dẫn vào dự án. Chính quyền địa phương cũng cho biết, trên địa bàn xã Tân Quý Tây không có bất cứ một dự án phân lô bán nền nào được phê duyệt.

Khách hàng chịu thiệt

Trao đổi với phóng viên, chị Hân cho biết, đã nhiều lần đến Công ty Hoàng Kim Land tại địa chỉ mới 482-484 Phạm Thái Bường, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM, nhưng Công ty đã đóng cửa. Thậm chí, chị đã nhiều lần liên lạc với bà Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Hoàng Kim Land thông qua điện thoại nhưng đều bị khất lần.

“Tôi đã nhiều lần gọi điện cho bà Hạnh nhưng đại diện Hoàng Kim Land luôn lấy lý do đi công tác xa để từ chối gặp mặt và hẹn vào một ngày khác. Thời gian gần đây, tôi gọi lại thì bà Hạnh không bắt máy nữa”, chị Hân nói và cho biết thêm, để chứng minh hồ sơ pháp lý của khu đất, lúc làm thủ tục ký hợp đồng, chị được bà Hạnh cho xem một bản thỏa thuận mua đất của Công ty với chủ đất cũ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, với hình thức tương tự, nhóm công ty có liên quan đến Hoàng Kim Land đã bị nhiều khách hàng tại dự án đường số 7, Khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, tố cáo lừa đảo.

Cụ thể, theo tài liệu người dân cung cấp, năm 2017, những khách hàng này đã đến Công ty TNHH Hoàng Gia do bà Trần Thị Mỹ Hiền làm Giám đốc để ký hợp đồng đặt cọc mua nền đất tại dự án Khu dân cư Vĩnh Lộc.

Trong hợp đồng có ghi rõ, phía Công ty cam kết sau 9 tháng sẽ giao sổ hồng cho khách hàng. Tuy nhiên, đến thời hạn, bà Hiền không những không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, mà còn thành lập thêm Công ty Hoàng Kim Land và giao cho bà Trần Thị Hồng Hạnh đứng tên để tiếp tục tiến hành phân lô lại dự án và đem bán cho nhiều khách hàng.

Theo khách hàng cho biết, dự án đất nền mà bà Hiền và bà Hạnh bán chưa thuộc sở hữu của Công ty Hoàng Kim Land.

Cụ thể, mảnh đất thứ nhất thuộc quyền sử dụng của của ông S., bà Hiền đã liên hệ để mua lại với giá hơn 9,8 tỷ đồng và đưa trước 1,17 tỷ đồng, kèm theo hợp đồng nhượng lại một nền đất tại đường Phạm Hùng có giá trị tương đương 4 tỷ đồng.

Điều đáng nói là lô đất của ông S. đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM. Ông S. đã ủy quyền cho bà Hiền để thay ông tất toán khoản nợ còn lại tại ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay bà Hiền vẫn không trả phần nợ vay còn lại như đã cam kết, nên phía Ngân hàng đang tiến hành thủ tục thanh lý mảnh đất này để xử lý món nợ xấu của ông S.

Tương tự, đối với mảnh đất thứ 2 của bà N.T.D, bà Hiền mua lại với giá 11 tỷ đồng và đã thanh toán 7 tỷ đồng, kèm theo hợp đồng nhượng lại một nền đất tại đường Phạm Hùng có giá trị khoảng 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cả 2 lô đất tại đường Phạm Hùng mà bà Hiền nhượng lại cho ông S. và bà D. hiện đang vướng tranh chấp do đã bị bà Hiền đem bán cho người khác.

Đối với mảnh đất cuối cùng của gia đình ông E., bà Hiền mua lại với giá 46 tỷ đồng và đã trả trước 1 tỷ đồng, phần còn lại chuyển thành nợ vay. Sau đó, bà Hiền đã trả được 12 tỷ đồng tiền lãi nhưng hiện tại, gia đình ông E., đã thu hồi lại mảnh đất trên do bà Hiền đã quá thời hạn thanh toán.

Từ những thông tin trên, người dân cho rằng, bà Trần Thị Mỹ Hiền cùng Công ty Hoàng Kim Land đã không trung thực với khách hàng. Chiêu trò được áp dụng đi áp dụng lại là lấy đất của người khác đem bán cho người dân, một nền đất lại bán cho nhiều người… để thu lợi bất chính.

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án “ma” nở rộ là do sự phát triển công nghệ, sự phổ cập của mạng xã hội khi hầu hết người dân đều có thể sử dụng smartphone có thể vào internet, tham gia các mạng xã hội facebook, zalo,viber… Các môi giới, sàn giao dịch, chủ đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận tệp khách hàng bằng nhiều cách, trong đó có cả những phương thức không chính danh như mua thông tin khách hàng. Khi đó, các đơn vị làm ăn khuất tất sẽ giới thiệu, môi giới các sản phẩm, dự án ma theo kiểu “đi câu”.

Trong khi đó, nhiều người dân, nhất là những người buôn bán nhỏ hoặc ở vùng ven ít có điều kiện tìm hiểu về pháp lý dự án bất động sản là gì, chỉ nghe nhân viên và công ty đó tuyên bố dự án là tin tưởng, đóng tiền.

Luật sư Phượng cũng chỉ ra một yếu tố nữa khiến dự án “ma” có đất phát triển là do việc xử lý của các cơ quan nhà nước không kịp thời và không nghiêm, một số địa phương có tình trạng bỏ mặc cho vi phạm hoành hành. Việc thi công xây dựng đường giao thông, vỉa hè… không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất… không được xử lý kịp thời. Các vi phạm về việc tổ chức sự kiện mở bán, quảng cáo sai… cũng chậm được xử lý khiến số lượng người dân bị lừa mua đất dự án "ma" tăng lên rất nhanh.

Câu chuyện tại các dự án của Hoàng Kim Land một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nhà đầu tư cần có những giải pháp tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin lô đất kỹ càng từ chính quyền địa phương trước khi “tiền trao cháo múc”.

Việt Dũng (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.