Nhiều năm qua, với những bước đi đúng đắn và có tính chiến lược, Hà Nội đã và đang phát huy lợi thế để bứt phá đi lên. Trong đó, Hà Nội xác định tầm quan trọng của mạng lưới giao thông tạo huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, từ đó việc đầu tư xây dựng lĩnh vực này luôn được ưu tiên hàng đầu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Toàn cảnh nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường Vành đai (1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5) kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Hà Nội đã xác định kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách…, tất yếu kinh tế có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.

Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” luôn là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn. Bởi thế, một trong những khâu đột phá được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ TP Hà Nội là: "Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu..., kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số".

Thực tế chứng minh, giao thông đô thị từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, sẽ góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Cho nên, Hà Nội cũng đã có những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách để tập trung đầu tư các trục giao thông hướng tâm, đường vành đai, nút giao lập thể tại giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên những đường vành đai nhằm tạo lợi thế phát triển. Ngoài những dự án phát triển nhà ở quy mô lớn, hệ thống giao thông đã, đang và sẽ được triển khai trên địa bàn sẽ tạo đà để Thủ đô bứt phát.

Ngay đầu năm mới 2021, Hà Nội đã tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng công trình nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đồng thời khởi công dự án cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2. Đây là hai trong số những dự án quan trọng của Thủ đô, không những góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ ra vào TP, mà còn tăng cường khả năng thông thương, liên kết trong nội bộ Thủ đô cũng như với các tỉnh, thành lân cận.

Bước sang năm mới 2021, phát huy những kết quả đạt được trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt, cùng với quyết tâm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, chúng ta thêm niềm tin vững chắc vào sự thành công để hoàn thành thắng lợi những mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra.

Thuần Hưng (Kinh tế & Đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.