Mặc dù Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt yêu cầu UBND huyện Hoài Đức có biện pháp ngăn chặn kịp thời không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công, đất nông nghiệp trái pháp luật; xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn xã Song phương, huyện Hoài Đức.

Đơn thư tố cáo gửi đến Báo Xây dựng.

Ngày 14/01/2014, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký.

Nội dung Chỉ thị nêu rõ: Giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là các trường hợp cho thuê đất công, đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông để sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, các trường hợp tự chuyển mục đích sang xây dựng công trình nhà ở, sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (bao gồm cả các trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng các cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hiện đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp), đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải được lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được công khai.

Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn và các phòng, ban chức năng tăng cường quản lý diện tích đất nông nghiệp, đất công ích hiện có, nhất là ở các vùng quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị; Giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của công dân về giao đất nông nghiệp; Có biện pháp ngăn chặn kịp thời không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công, đất nông nghiệp trái pháp luật, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp; không hợp thức hóa và làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp vi phạm; không áp dụng hoặc đề nghị hỗ trợ thiệt hại ngoài chính sách quy định cho các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công khi Nhà nước thu hồi.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. UBND Thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.

Nội dung Chỉ thị cũng yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Thực hiện Chỉ thị này, các quận, huyện của Thành phố những năm qua đã có những chỉ đạo sát sao. Năm 2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2354-TB/TU, truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của Thành phố Hà Nội. Và gần đây nhất, vào tháng 3/2020, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm Thông báo số 2354-TB/TU kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Như vậy, có thể thấy, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã trong đó có UBND huyện Hoài Đức cần xử lý nghiêm các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn diễn ra phức tạp, vi phạm quy mô lớn nhưng không bị xử lý.

hoai duc ha noi tran lan nha xuong moc trai phep tren dat nong nghiep tai xa song phuong

Nhà xưởng của ông Nguyễn Hữu Vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu Đầm Vực xã Song Phương.

Cụ thể, theo nội dung đơn tố cáo gửi tới Báo điện tử Xây dựng về trường hợp xưởng sản xuất bánh kẹo của ông Nguyễn Hữu Vi ở khu Đầm Vực xây dựng trên đất nông nghiệp với tổng diện tích là 6.000m2. Vi phạm này đã bị cưỡng chế vào hồi tháng 4/2020 nhưng đến cuối tháng 7 dừng lại, không bị chính quyền sở tại và cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.

Một trường hợp đặc biệt, dãy nhà xưởng đang được xây dựng trên diện tích rộng hơn 10.000m2 của ông Nguyễn Văn Hiền tại khu vực Trại Gần thuộc thôn 1 xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội). Theo phản ánh, khu vực này là đất nông nghiệp và việc xây dựng nhà xưởng để cho thuê là trái phép nhưng cơ quan chức năng không hề có động thái lập hồ sơ vi phạm.

Ngoài ra, phản ánh đến Báo điện tử Xây dựng còn nhiều trường hợp khác như nhà hàng bún, miến lươn của ông Nguyễn Tiến Hướng ngang nhiên xây dựng tường rồi lợp tôn lạnh để kinh doanh ngay mặt đường 422 gần trường Hoài Đức C với nguồn gốc đất là đất ruộng phân cho thương binh, nhà ông Nguyễn Hoành Được nằm trên trục đường 422 tổng diện tích vi phạm là 800m2 xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp...

Với những phản ánh nêu trên, có thể thấy, xã Song Phương được coi là “điểm nóng” về tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chính quyền sở tại lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Chính bởi vậy, dư luận càng nghi ngờ có sự “tiếp tay”, “làm luật” của một số cán bộ để những vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được tồn tại.

hoai duc ha noi tran lan nha xuong moc trai phep tren dat nong nghiep tai xa song phuong

Nhà xưởng của ông Nguyễn Văn Hiền xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu vực Trại Gần, thôn 1, xã Song Phương.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đỗ Văn Toàn – Chủ tịch UBND xã Song Phương xác nhận những trường hợp trên đều xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

“Đối với trường hợp của ông Nguyễn Hữu Vi tổng diện tích vi phạm là 1.200m2 và đã tổ chức cưỡng chế vào ngày 8/1/2020 diện tích vi phạm là 560m2 đến tháng 5/2020 thì ông Vi lại tiếp tục tái phạm, hiện hồ sơ đã gửi lên Công an huyện Hoài Đức. Bên cạnh đó, UBND xã Song Phương trong thời gian tới cũng xây dựng kế hoạch để chuẩn bị xử lý. Đối với trường hợp của ông Nguyễn Hoành Được nằm trên trục đường 422 tổng diện tích vi phạm là 800m2, hiện nay UBND huyện Hoài Đức đã ban hành quyết định cưỡng chế và UBND xã Song Phương đã xây dựng kế hoạch để chiều 12/6 tổ chức vận động tự tháo dỡ, nếu không tự tháo dỡ thì UBND xã sẽ tổ chức cưỡng chế”.

Đối với trường hợp vi phạm với diện tích 10.000m2 của ông Nguyễn Văn Hiền, ông Toàn cho biết sẽ kiểm tra lại hồ sơ và trả lời cho phóng viên. Ông Toàn cũng xác nhận: “khu vực này là đất nông nghiệp”.

Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu cung cấp hồ sơ vi phạm, xử lý của những trường hợp nêu trên thì ông Toàn từ chối không cung cấp vì lý do hồ sơ của trên huyện nên không có thẩm quyền.

hoai duc ha noi tran lan nha xuong moc trai phep tren dat nong nghiep tai xa song phuong

Dãy nhà xưởng của ông Nguyễn Hoành Được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nằm trên trục đường 422, xã Song Phương.

Trước thực tế nêu trên, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức và các cơ quan chức năng nhanh chóng đôn đốc, kiểm tra xử lý, đồng thời làm rõ những sai phạm, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.

Gia Huy (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.