Tập đoàn Hoa Sen của Chủ tịch Lê Phước Vũ gặp khó trăm bề
Đầu chưa xuôi, đuôi khó lọt
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi lỗ ròng trong hai quý liên tiếp. Cụ thể, trong quý 1 niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-31/12/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 7.917 tỉ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 680 tỉ đồng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, con số này vẫn khả quan hơn nhiều so với kết quả kinh doanh quý liền trước đó. Ở quý 4 niên độ 2021-2022, nhà sản xuất tôn thép này đã lỗ tới 887 tỉ đồng do kinh doanh dưới giá vốn.
Kết quả kinh doanh của Hoa Sen đã phản ánh khó khăn chung của ngành thép trong nửa cuối năm 2022 khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra sụt giảm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sắt thép cũng là nhóm chịu ảnh hưởng chính trước biến động của thị trường bất động sản năm qua.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, chưa bao giờ ngành thép rơi vào tình huống gắt gao như hiện tại, khi thị trường thép liên tiếp mang lại thử thách cho cả hoạt động sản xuất và tiêu thụ.
Theo VDSC, gần như tất cả các nhà sản xuất tại Việt Nam đều gặp khó trong hoạt động mua nguyên liệu và chính sách tồn kho trong khoảng hai quý vừa rồi do giá nguyên liệu quốc tế biến động mạnh và khó lường.
Đối với các nhà sản xuất tôn mạ, hai năm gần nhất là giai đoạn giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng giảm với biên độ rất lớn. Nếu như trước đó, mặc dù giá HRC có xu hướng đi xuống, về lý thuyết khiến hoạt động mua nguyên liệu luôn gây lỗ (hàng về kho giảm giá so với lúc chốt mua), các doanh nghiệp vẫn xoay sở để có lợi nhuận.
Tuy nhiên, mọi sự thay đổi hoàn toàn kể từ năm 2021 khi giá thép vừa lên đỉnh đã tụt xuống đáy. Cụ thể, nửa đầu năm chứng kiến giá thép HRC lập đỉnh vào tháng 5, tăng 51% so với đầu năm và giảm gần 30% từ mức đỉnh này trong phần còn lại của năm. Tương tự, trong năm 2022, giá HRC cũng chỉ mất 4 tháng để tăng 22% so với đầu năm, nhưng lại giảm 33% từ mức đỉnh này trong 8 tháng cuối năm.
Theo nhận định của VDSC, việc giá thép cuộn cán nóng HRC tạo đỉnh trong khoảng thời gian trên khá phù hợp với cung cầu thị trường khi rơi vào mùa cao điểm xây dựng. Điều này khiến các nhà máy có xu hướng lạc quan khi chốt mua nguyên liệu cho mùa mưa và những tháng cuối năm.
Nhưng trên thực tế, điều này đã khiến các nhà máy đối mặt với khoản lỗ giá nguyên liệu lớn khi cuối năm 2022 giá thép HRC đã quay đầu giảm mạnh. Trong khi hoạt động phòng hộ giá nguyên liệu chưa phổ biến, việc đặt mua nguyên liệu giao hàng trong vòng hai tháng đổ lại khiến nhiều nhà máy chứng kiến hàng đi đường lỗ từng ngày trong quý 3 và quý 4.2022.
VDSC cho rằng, Hoa Sen của Chủ tịch Lê Phước Vũ đang hoạt động ở cả hai phân khúc sản xuất và bán lẻ, do đó doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng gấp đôi từ biến động giá nguyên liệu so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Việc hoạt động ở cả thượng nguồn (sản xuất) và hạ nguồn (bán lẻ tới tay người tiêu dùng cuối) khiến Hoa Sen chịu ảnh hưởng gấp đôi từ giá nguyên liệu
Bên cạnh hoạt động sản xuất, Hoa Sen cũng gặp khó ở mảng bán lẻ khi tốc độ tiêu thụ chậm ở cả trong và nước ngoài làm cho ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào bị khuếch đại. Đây chính là nguyên nhân góp phần khiến Hoa Sen có hai quý kinh doanh tiêu cực gần đây.
Hiện nay, các doanh nghiệp tôn thép tại Việt Nam có mức tồn kho thấp hơn và dễ cắt giảm hơn do hoạt động ở một phân đoạn nhất định của chuỗi giá trị. Trong khi đó, do Hoa Sen là doanh nghiệp vừa sản xuất vừa bán lẻ tới người dùng cuối nên công ty vừa phải tích trữ nguyên liệu như một nhà sản xuất, lại vừa phải tồn kho thành phẩm như một nhà bán lẻ.
Như vậy, với việc giá nguyên liệu đầu vào đột ngột giảm mạnh đã ăn mòn biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen ở cả đầu ra lẫn đầu vào trong năm vừa qua.
Mặc khác, việc phải chịu chu kỳ chuyển đổi tiền mặt dài hơn các nhà sản xuất tôn thép khác khiến Hoa Sen khó cạnh tranh hơn về giá bán, điều này thể hiện ngay ở mức lỗ ròng trong 2 quý gần nhất.
Gánh nặng nuôi thương hiệu
Trong năm 2022, Hoa Sen tiêu thụ 1,2 triệu tấn tôn mạ, giảm khoảng 38% so với năm trước. Sản lượng tôn mạ của Hoa Sen trong năm vừa qua cao hơn 63% so với doanh nghiệp đứng số 2 là Tôn Đông Á.
Khác với hầu hết doanh nghiệp tôn thép niêm yết, Hoa Sen hiện đang vận hành các cửa hàng bán lẻ để bán sản phẩm tới tay khách hàng. Bên cạnh lợi nhuận tăng cao, doanh nghiệp cũng cần mất chi phí để duy trì sức mạnh thương hiệu.
Cụ thể, chi phí bán hàng của Hoa Sen luôn duy trì ở mức cao, chiếm trung bình 7,3% doanh thu trong ba năm gần nhất, khoảng 600-1.200 tỉ đồng mỗi quý.
Theo VDSC, đây là khoản chi phí lớn. Ước tính nếu trừ chi phí bán hàng vào doanh thu, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen sẽ tương đương với các nhà sản xuất tôn mạ khác do sản phẩm có sự tương đồng nhất định. Trong điều kiện thị trường suy yếu như hiện tại, việc phải “nuôi” thương hiệu lại là một điểm yếu của Hoa Sen.
Như vậy, việc doanh nghiệp phải chi tiền để duy trì hoạt động bán lẻ trong khi tác động kích cầu của các khoản chi này không rõ ràng trong điều kiện thị trường ngặt nghèo khiến nhà bán lẻ gặp lỗ trong ngắn hạn.
VDSC cho rằng, triển vọng lợi nhuận trong thời gian tới của Hoa Sen sẽ phụ thuộc vào khả năng linh động tối đa về chính sách mua nguyên liệu và tồn kho tại các cửa hàng; tinh gọn lại chi phí bán hàng trong tình trạng thị trường được nhận định là khó khăn ít nhất đến hết 2023.
-
Gánh khoản nợ vay 57.000 tỉ đồng, Hòa Phát đã làm gì để ứng phó với tỷ giá và lãi suất tăng?
Nếu không tính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh chính, thì lãi suất và tỷ giá USD tăng là hai nguyên nhân khiến Hòa Phát lỗ nhiều nhất trong quý 4.2022.
-
Nhà sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc bất ngờ đóng cửa 1 nhà máy sau hơn 45 năm hoạt động
Trong một động thái bất ngờ, nhà sản xuất thép Hàn Quốc POSCO đã đóng cửa một nhà máy sản xuất thép cuộn ở thành phố Pohang, sau hơn 45 năm hoạt động.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam sắp được rót thêm vốn để xây nhà máy tại Đồng Nai, quy mô dự án gấp 2,6 lần vốn chủ
Dự án nhà máy sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép với công suất 150.000 tấn/năm của Thép Nhà Bè được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Những chiếc vỏ container “made in Vietnam” tiêu tốn tới 2.200 tỷ đồng của ông chủ Hòa Phát
Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng vốn đầu tư tại dự án nhà máy sản xuất container Hòa Phát xấp xỉ 2.200 tỷ đồng, sau khi doanh nghiệp này rót thêm khoảng 300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay....