TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng NHTW nên thành lập Trung tâm xử lý nợ. Trung tâm này có nhiệm vụ giúp Thống đốc ban hành các quy chế, tổ chức đàm phán, định giá, đấu thầu… các khoản nợ. Toàn bộ tài sản mua lại của các NHTM sẽ giao cho một cơ quan khác, ví dụ như giao cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam quản lý...

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trong bức tranh nợ xấu hiện nay có một điểm rất đáng lưu ý: Đó là mặc dù tín dụng những tháng đầu năm hầu như không tăng, nhưng nợ xấu vẫn tăng rất nhanh. Có nghĩa, nợ xấu phát sinh chủ yếu từ những khoản vay thời gian trước đây do sức khỏe của DN đang giảm sút nhanh chóng. Số lượng DN giải thể, phá sản không trả được nợ ngày càng nhiều lên, một phần cũng do các DN bị suy kiệt vốn, suy kiệt thanh khoản trong đó nợ xấu ngân hàng và chiếm dụng vốn lẫn nhau là một trong những nguyên nhân chính.

Sao chúng ta không để các ngân hàng tự xử lý nợ xấu, thưa ông?

Hiện nợ xấu vào khoảng 10% GDP. Với năng lực hiện nay của hệ thống NHTM, nếu để họ tự xử lý thì nhiều nhất, mỗi năm cũng chỉ xử lý được 1-2% nợ xấu. Có nghĩa, để xử lý hết số nợ xấu hiện nay nhanh nhất cũng phải mất 5-7 năm. Trong quãng thời gian này, dứt khoát các TCTD sẽ kiểm soát rất chặt, hạn chế tín dụng mới và chỉ tập trung xử lý nợ xấu; Còn nếu có thì các khoản tín dụng này cũng phải chịu một mức lãi suất cao do phải gánh thêm chi phí từ nợ xấu và chi phí xử lý nó. Điều đó rất nguy hiểm cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh sức khỏe của DN sụt giảm mạnh như hiện nay. Tín dụng đóng băng sẽ khiến DN càng suy yếu, kéo theo đó nợ xấu cũng sẽ tăng nhanh. Đến một lúc nào đó, phần lớn DN kiệt quệ và hệ quả là nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Điều đó có nghĩa Chính phủ phải nhanh chóng vào cuộc để xử lý nợ xấu?

Đúng vậy. Nhật Bản những năm trước đây cũng đã phải trả một cái giá rất đắt là 16 năm liền kinh tế hầu như không tăng trưởng cũng bởi chần chừ, không nhanh chóng xử lý nợ xấu khiến tín dụng bị đóng băng kéo dài.

Vậy Chính phủ có thể “vào cuộc” bằng những biện pháp nào?

Theo kinh nghiệm trên thế giới, có 3 biện pháp cơ bản: Thứ nhất là Chính phủ “bơm” tiền trực tiếp cho các ngân hàng để giải quyết nợ xấu và cho vay mới; thứ hai là thành lập công ty mua bán nợ (AMC) quốc gia và thứ ba là quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém.

Cách thứ nhất theo tôi không ổn lắm, bởi cho dù Chính phủ có “bơm” tiền nhưng chưa chắc các ngân hàng đã đẩy tín dụng ra; hoặc giả nếu có đẩy ra cũng chỉ chọn những DN thực sự khỏe mạnh hoặc DN thân thiết với mình. Điều đó cũng không có lợi cho nền kinh tế. Quan trọng hơn là khối nợ xấu vẫn nằm nguyên đó, không được xử lý.

Còn cách thứ 3 cũng không được, do nợ xấu hiện nay không phải là của riêng ngân hàng nào mà là vấn đề chung của toàn hệ thống, kể cả ngân hàng quốc doanh. Vì thế, Nhà nước không thể quốc hữu hóa hết các ngân hàng có nợ xấu lớn được. Làm như thế còn tốn kém nhiều hơn so với việc bỏ tiền ra mua lại nợ xấu.

Vì vậy, xét trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, cách thứ 2 - thành lập AMC quốc gia là khả dĩ nhất. Công ty này sẽ có nhiệm vụ mua nợ xấu từ NHTM chuyển về mình (giá mua sẽ tùy vào phân loại nợ) để trong một thời gian ngắn sẽ chuyển toàn bộ nợ xấu về AMC quốc gia. DN khi đó sẽ không còn nợ ngân hàng nữa mà họ sẽ nợ AMC.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nghiên cứu phối hợp và vận dụng tất cả các giải pháp trên, kể cả trong việc mua cũng như bán nợ.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là việc định giá các khoản nợ. Vậy chúng ta xử lý như thế nào trong bối cảnh thị trường mua bán nợ ở Việt Nam chưa phát triển?

Theo tôi, đầu tiên cần phải xác định xử lý nợ là nhiệm vụ cấp bách. Khi đã xác định như vậy, sẽ có 2 cách để định giá các khoản nợ xấu. Cách thứ nhất, như Trung Quốc đã từng làm, là Chính phủ định giá trên cơ sở mức độ rủi ro của khoản nợ và bắt buộc các NHTM phải bán lại cho Chính phủ các khoản nợ đó. Ví dụ, nợ thuộc nhóm 4 thì sẽ định giá mua ở mức này; nhóm 5 sẽ ở mức kia. Mặc dù các khoản nợ có thể có những tài sản đảm bảo khác nhau, nên việc bị quy về cùng một mức giá sẽ gây thiệt thòi cho các NHTM. Tuy nhiên, để phát sinh nợ xấu một phần cũng do lỗi của các NHTM nên họ phải chịu thiệt thòi. Hơn thế, chỉ có như vậy mới có thể xử lý nhanh “cục máu đông” nợ xấu. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, sở dĩ Trung Quốc làm được như vậy vì phần lớn ngân hàng tại Trung Quốc lúc đó là ngân hàng quốc doanh và DN thì cũng là DNNN.

Cách thứ 2 là thỏa thuận có điều kiện, thời hạn. Tức là Chính phủ sẽ cho phép các ngân hàng thỏa thuận với AMC về giá của một món nợ trong một khoảng thời gian nào đấy, ví dụ từ 7-10 ngày. Nếu vượt quá thời hạn ấy mà không thống nhất được với nhau thì NHTW hoặc Chính phủ sẽ quyết định và các bên phải có trách nhiệm thực hiện. Đây là cách khá phổ biến mà nhiều nước đã áp dụng.


Nợ xấu tăng cao do “sức khỏe” của DN suy giảm. (Ảnh: ĐK)

Xét bối cảnh hiện nay của Việt Nam, chúng ta chỉ có thể đi theo cách thứ 2?

Đúng vậy, vì hiện ở Việt Nam, số lượng các ngân hàng tư nhân đã nhiều. Tuy nhiên, có thể nghiên cứu để áp dụng linh hoạt cả cách 1 cho khu vực NHTM Nhà nước và DNNN.

Ngoài ra, trong một số trường hợp có thể cho phép các ngân hàng xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro (DPRR) với các khoản nợ xét thấy không thể thu hồi được vì các lý do khách quan bất khả kháng (như DN đó đã phá sản rồi) hay với bà con nông dân, đối tượng chính sách vay vốn cho sản xuất nhưng bị các thiên tai, dịch bệnh khách quan. Tuy nhiên, để tránh rủi ro về mặt đạo đức, cần phải có những quy định rõ ràng và sự chỉ đạo, giám sát thực hiện chặt chẽ. Kinh nghiệm trước đây cũng cho thấy, nên thành lập một hội đồng thẩm định giá, giám sát với sự tham gia của nhiều bộ, ngành có liên quan.

Sau khi mua về rồi thì AMC sẽ giải quyết thế nào với “đống nợ” này, thưa ông?

Hiện có 4 biện pháp chính. Thứ nhất là biến nợ đó trở thành vốn góp (Debt – Equity Swap). Theo cách này, AMC sẽ lựa chọn những DN có khả năng tồn tại và phát triển tốt để biến nợ xấu hiện tại trở thành vốn góp của AMC tại DN này. Tất nhiên, AMC sẽ đưa ra khung thời gian “thoái vốn” khỏi DN đó, bắt DN phải mua lại phần vốn này khi tình hình hoạt động đã ổn định trở lại. Với cách này thì AMC thực sự sẽ tham gia vào quá trình quản lý, tái cấu trúc các DN, giúp DN phục hồi và phát triển mạnh lên.

Cách thứ 2 là đấu giá công khai. AMC có thể là bán ra từng gói nợ xấu hoặc bán lẻ từng món nợ. Đối tượng tham gia mua có thể là các NĐT trong nước và nước ngoài. Ở các nước thì NĐT nước ngoài chiếm vai trò rất quan trọng, nhưng ở Việt Nam hiện nay còn vướng những vấn đề về pháp lý trong việc sở hữu tài sản, đặc biệt là BĐS.

Cách thứ 3 là chứng khoán hóa các khoản nợ ấy, tức là gom nợ thành từng gói và phát hành trái phiếu, bán ra thị trường. Cách làm này có ưu điểm là nhanh, gọn nhưng đòi hỏi phải có thị trường chứng khoán phát triển như của Mỹ, châu Âu. Vì vậy, cách làm này chưa thực tế lắm ở Việt Nam hoặc có thể chỉ áp dụng được trong một vài trường hợp như đối với những công ty đã niêm yết.

Cách thứ 4 là xóa nợ với những đối tượng như trên đã đề cập. Trong trường hợp này thì AMC phải “chịu thiệt”.

Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để thu hút được nguồn lực nước ngoài vào quá trình xử lý nợ?

Theo tôi được biết, hiện nhiều NĐT nước ngoài cũng rất hiểu quy định của Việt Nam nên họ muốn, thay vì sở hữu có thể cho họ thuê với thời hạn 50 năm. Điều này thì Luật cho phép, song hiện thủ tục cũng rất rườm rà. Vì vậy, có thể trao cho AMC một “quyền lực đặc biệt” là sau khi ký chuyển nhượng tài sản cho các NĐT nước ngoài dưới hình thức thuê có thời hạn, thì các cơ quan ban, ngành, địa phương khác cứ thế “chuẩn y”. Chỉ có như vậy mới có thể thu hút được các NĐT nước ngoài.

Nhưng khi mà một nền tảng pháp lý, đội ngũ tổ chức… cho một AMC như vậy cần nhiều thời gian để triển khai thì ông có đề xuất nào khác?

Thực ra các nước cũng không phải “đùng một cái” là thành lập AMC được. Họ thường lấy một tổ chức nào đó có sẵn rồi thêm chức năng nhiệm vụ cho nó. Ví dụ Hàn Quốc lấy quỹ con của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc để làm. KAMCO của Hàn Quốc bây giờ có nguồn gốc từ đó.

Nên tôi cho rằng NHTW nên thành lập Trung tâm xử lý nợ. Trung tâm này có nhiệm vụ giúp Thống đốc ban hành các quy chế, tổ chức đàm phán, định giá, đấu thầu… các khoản nợ. Toàn bộ tài sản mua lại của các NHTM sẽ giao cho một cơ quan khác, ví dụ như giao cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam quản lý. Cơ quan này có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, thống kê, hạch toán và thực hiện mua, bán theo lệnh của NHNN. Cơ quan này cũng có thể sẽ tham gia trực tiếp vào việc tái cơ cấu lại các DN. Làm như vậy thì sẽ nhanh hơn.

Việc thành lập Trung tâm như vậy có gì ưu việt so với AMC?

Cái ưu việt ở đây là nó sẽ linh hoạt và bớt nặng nề hơn so với một AMC. Do AMC là một DN, dù là đặc biệt, song động lực thực hiện là không lớn. Vì vậy, thời gian xử lý nợ có thể kéo dài. Còn với Trung tâm xử lý nợ, nó gắn với trách nhiệm của một cơ quan quản lý nhà nước nên hiệu lực, hiệu quả sẽ cao hơn.

Nhưng nguồn vốn để AMC hoặc Trung tâm này hoạt động vào khoảng bao nhiêu và từ nguồn nào, thưa ông?

NHNN có thể phát hành trái phiếu. Về con số cụ thể. Hiện theo công bố của NHNN, nợ xấu vào khoảng 202 nghìn tỷ đồng, trong đó cứ cho là một nửa (100 nghìn tỷ) là nợ nhóm 4, nhóm 5. Hiện các NHTM đã có khoảng 67 nghìn tỷ DPRR nhưng tất nhiên là họ không thể sử dụng toàn bộ số DPRR đó được mà giả định họ có thể sử dụng một nửa số đó (tức khoảng 30 - 40 nghìn tỷ đồng). Như vậy thì sẽ cần thêm khoảng 60 - 70 nghìn tỷ đồng nữa là có thể xử lý được.

Gút lại thì đó cũng chỉ là giải pháp để xử lý nợ xấu hiện tại. Còn về lâu dài, câu chuyện này cần được hóa giải thế nào?

Hiện lộ trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD đã bắt đầu khởi động. Đây là một quá trình lâu dài và gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là củng cố thanh khoản thì đã hòm hòm. Giai đoạn 2 là lành mạnh tài chính (tức là xử lý nợ xấu) và giai đoạn 3 là tái cấu trúc tổ chức và hoạt động. Trong đó, giai đoạn 2 là quan trọng và cốt lõi nhất vì liên quan mật thiết đến sự sống còn của nền kinh tế hiện nay.

Với giai đoạn 3, sau khi quy định, quy chuẩn về hoạt động được chỉnh sửa, các ngân hàng được tái cấu trúc tổ chức và hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, công tác quản trị DN và quản trị rủi ro sẽ được chấn chỉnh. Bên cạnh đó năng lực kiểm tra, giám sát của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, đặc biệt trong vấn đề giám sát từ xa và cảnh báo sớm cũng sẽ được nâng cao thì sẽ hạn chế được nhiều rủi ro nợ xấu phát sinh.

Xin cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Trí HiếuChuyên gia tài chính ngân hàng

Nợ xấu phải được khoanh ngay lại và giải quyết ở tầm quốc gia

Con số nợ xấu theo công bố của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN (8,6%) là vào cuối tháng 3 vừa qua. Với tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh như vậy thì đối với các ngân hàng, trước hết họ phải trích lập dự phòng cho đúng chuẩn. Nhưng đồng thời, họ sẽ không thể hạ chuẩn trong việc cấp tín dụng cho các ngành kinh tế được mà bắt buộc phải giữ những chuẩn này, không để nợ xấu cao hơn nữa. Điều này các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là các DN cần thấu hiểu và thông cảm.

Cách giải quyết ngay bây giờ là nợ xấu phải được khoanh ngay lại và được giải quyết trên tầm mức quốc gia. Vì vậy, tôi rất ủng hộ đề xuất phải thành lập một AMC quốc gia để giúp xử lý vấn đề này. Công ty này sẽ đàm phán với các ngân hàng, mua lại nợ xấu để đưa “cục máu đông” đó ra khỏi hệ thống ngân hàng, giúp ngân hàng tập trung vào hoạt động kinh doanh. Đó là giải pháp cho nợ đang tồn đọng trên sổ sách của các ngân hàng.

Còn để giảm thiểu nợ xấu ngân hàng trong tương lai, dần đưa nợ xấu xuống được mức 1-2% (theo thông lệ quốc tế) thì dĩ nhiên hệ thống ngân hàng cần cải tổ lại. Đây là điều chúng ta đang làm. Trong đó, một trong những vấn đề rất quan trọng là công tác quản lý rủi ro phải được thực hiện nghiêm, đặc biệt là quản trị công ty để hội đồng quản trị làm việc đúng chức năng. Đấy là cách duy nhất để kiểm soát được nợ xấu, ngăn không cho nợ xấu tăng cao như đã từng diễn ra.

TS. Cao Sỹ KiêmThành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia

Khi kinh tế phát triển bền vững thì rủi ro nợ xấu cũng sẽ giảm

Về dài hạn, chúng ta đang có cơ hội để thực hiện giảm nợ xấu trên cơ sở của Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế với 3 trụ cột: tái cơ cấu thị trường tài chính (trong đó có tái cơ cấu hệ thống các TCTD), tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN.

Bên cạnh việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thì việc sắp xếp lại các DN cũng là vấn đề cần xúc tiến nhanh. Nếu DN yếu kém cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn cho hoạt động ngân hàng. Bởi vậy, cần loại những DN này ra khỏi thị trường. Trong quá trình sắp xếp lại hệ thống ngân hàng và DN, sẽ biết DN nào có nguy cơ làm cho ngân hàng mất vốn, DN nào còn tài sản, từ đó, mà đưa ra các biện pháp xử lý thích hợp. Hơn nữa, kinh doanh thị trường là lời ăn, lỗ chịu. Do đó, bản thân DN cũng phải chia sẻ trong việc xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, ngoài các giải pháp nghiệp vụ cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, công khai minh bạch, để dân hiểu và đồng thuận với việc xử lý nợ xấu, khi đó mới giải quyết nhanh được nợ xấu, mới ổn định được hoạt động ngân hàng.

Nếu giải quyết nghiêm túc, có kết quả những giải pháp trên thì đến năm 2015, bức tranh nợ xấu của ngân hàng sẽ được cải thiện cơ bản. Nhưng cũng phải xác định xử lý nợ xấu là hoạt động thường xuyên của ngân hàng. Chỉ cần qua một trận thiên tai là nợ xấu xuất hiện ngay. Vấn đề là khống chế, kiểm soát nó ở mức độ nào và tìm ra được các biện pháp xử lý phù hợp với thực tiễn ra sao, chứ khó mà có thể triệt tiêu được hoàn toàn trong hoạt động ngân hàng. Và một khi nền kinh tế phát triển bền vững thì đương nhiên vấn đề nợ xấu cũng sẽ nhẹ đi, bởi sức khỏe ngân hàng phụ thuộc nhiều vào sức khỏe nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB)

Xử lý nợ xấu cũng cần phải có nghệ thuật

Đặt trong bối cảnh kinh tế, thị trường toàn cầu khủng hoảng, DN làm ăn khó khăn, thì nợ xấu tăng cao là chuyện hoàn toàn bình thường, không có gì quá đáng ngạc nhiên. Nhưng nếu không kiểm soát được mà cứ tiếp tục để nó tăng cao thì sẽ trở thành mối nguy hại lớn. Tuy nhiên, để có thể giải quyết được nợ xấu cần có thời gian và quan trọng hơn là có sự phối hợp hài hòa đồng bộ những giải pháp cả về phía DN, ngân hàng và chính sách. Theo tôi nên có biện pháp xử lý dần dần theo một lộ trình hợp lý chứ không thể giải quyết ngay lập tức vừa không khả thi mà có thể gây sốc cho hệ thống.

Về phía các NHTM, cần chủ động có phương án xử lý nợ theo "khung" Quyết định 780 như: tạm thời khoanh nợ, tạo điều kiện cấp tín dụng mới nhằm tạo dòng tiền cho DN trả dần cho ngân hàng; tăng cường hoạt động công ty mua bán nợ qua việc mua lại tài sản gán nợ cho DN. Riêng với OCB, bên cạnh việc sử dụng tất cả các biện pháp có thể trên thị trường hiện nay để xử lý nợ xấu, thì OCB luôn coi trọng và đặt công tác kiểm soát, quản lý nợ xấu lên vị trí hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh doanh. Cùng với đó, tổ chức lại đội ngũ xử lý nợ xấu theo phương thức cấu trúc tập trung nhằm kiểm soát tốt tình hình, đồng thời, bổ sung những cán bộ chuyên nghiệp về xử lý nợ xấu. Bởi xử lý nợ xấu không chỉ cần có nghiệp vụ chuyên môn tốt mà cần có cả nghệ thuật và am hiểu luật pháp.

Theo TBNH
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.