Tỉnh Hòa Bình có đầy đủ điều kiện để đầu tư, phát triển các dự án du lịch. Ảnh: Thái Anh
Tiềm năng phát triển
Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, Hòa Bình có nhiều danh lam, thắng cảnh, nhiều trung tâm du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, di tích lịch sử như: Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, Thượng Tiến, Pù Luông, Ngọc Sơn; Khu bảo tồn đất ngập nước lòng hồ Hòa Bình; một số hang động của người Việt cổ; Bảo tàng không gian văn hóa Mường; công trình thủy điện Hòa Bình; suối nước khoáng nóng Kim Bôi… nên mảnh đất này là điểm đến hấp dẫn cho không ít DN và giới đầu tư BĐS.
Nắm bắt được cơ hội cũng như xu hướng phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình, nhiều đơn vị đã chủ động tìm hiểu, đầu tư vào các dự án phát triển, khai thác du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh như Cty Thiên Minh với hoạt động đầu tư và lữ hành; Tập đoàn Archi với dự án nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn resort có diện tích hơn 66ha; Cty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội; Cty CP Tài chính và Đầu tư Hưng Phát… Hay mới đây nhất, trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2011 vừa diễn ra đầu tháng 10, Cty CP Du lịch hồ Sông Đà đã được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson với diện tích quy hoạch khoảng 50ha… Hầu hết các dự án du lịch nghỉ dưỡng đều được đầu tư các hạng mục gồm khu trung tâm, khu lưu trú phục vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, khu ẩm thực, khu chăm sóc sức khỏe và hạ tầng kỹ thuật… Theo khảo sát, giá đất tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dao động từ 2 - 7 triệu đ/m2, tùy theo khu vực và dự án. Mức giá này được đánh giá là hấp dẫn so với sản phẩm dự án BĐS nghỉ dưỡng ở những bãi biển đẹp có giá cao gấp nhiều lần, lên đến hàng nghìn USD/m2.
So với các kênh đầu tư ngoại tệ, chứng khoán, vàng thì thị trường địa ốc, đặc biệt là các dự án BĐS biệt thự nghỉ dưỡng tại Hòa Bình nói riêng và tại Việt Nam nói chung vẫn đầy tiềm năng. Việc bỏ vốn vào BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vào thời điểm này được cho là cách đầu tư “một mũi tên trúng hai đích”, đôi bên cùng có lợi.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Với tiềm năng và lợi thế trên, trong những năm qua, du lịch Hòa Bình đã có những bước phát triển đáng kể. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội, trình độ dân cư của Hòa Bình rất phù hợp cho đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch hội nghị - hội thảo; du lịch văn hóa… Tuy nhiên, để những dự án này phát huy được hiệu quả, tránh được những hậu quả biết trước trong việc thu hút đầu tư như nhiều dự án làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; nhiều dự án được cấp phép hàng năm trời vẫn chưa được khởi công, trở thành dự án treo hay một số dự án có vốn đầu tư lớn, tốn kém, nhưng khi hoàn thành xong lại không thu hút được khách…
Theo ông Bùi Hải Quang - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình, địa phương cần khai thác thế mạnh du lịch sẵn có, đầu tư theo cách ít tác động tới thiên nhiên, không làm biến dạng môi trường, phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, DN đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư chung theo quy định, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các chính sách thu hút đầu tư, hợp tác về quảng bá xúc tiến du lịch cho từng đối tượng chủ đầu tư trên địa bàn; gắn kết chặt chẽ giữa yếu tố chất lượng với giá trị đầu tư được bảo toàn và tăng trưởng; phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu cho du lịch Hòa Bình, hứa hẹn là điểm nhấn BĐS vùng ven Thủ đô Hà Nội.