05/03/2018 11:13 AM
Ô đất mặt đường Nguyễn Công Trứ giáp Lò Đúc (thuộc đất CTY CP Rượu cồn Hà Nội, TP.Hà Nội) bỏ hoang nhiều năm. Sắp tới đây, tại ô đất này và cả khu đất 94 Lò Đúc sẽ mọc lên cao ốc làm chung cư cao cấp và trung tâm thương mại do tập đoàn Tân Hoàng Minh phát triển.

Ô đất bỏ hoang trên mặt đường Nguyễn Công Trứ vốn là đất thuộc Cty CP Rượu cồn Hà Nội, nay đã thuộc về Cty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Thiên Bình. Ảnh: Vương Trần

Điều đáng nói, ban đầu, khu đất tại địa chỉ 94 Lò Đúc (sau khi nhà máy rượu Hà Nội di dời ra ngoại thành) được định hướng xây dựng trường học, khu vui chơi công cộng. Tuy nhiên, khu “đất vàng” hiếm hoi trong nội đô này đã bị doanh nghiệp bất động sản thâu tóm và dự định sắp được triển khai cao ốc.

Đất dự định xây trường vẫn bỏ hoang

Vào đầu năm 2013, việc thiếu trường tiểu học, mẫu giáo trên địa bàn quận Hai Bà Trưng diễn ra gay gắt. Việc bức xúc thiếu trường đã được Ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội chất vấn gay gắt UBND TP.Hà Nội tại kỳ họp HĐND vào giữa năm 2013. Ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội đặt vấn đề, UBND Thành phố đã có trả lời bố trí một phần diện tích đất và phê duyệt đầu tư để xây dựng trường học, nhưng đến nay chưa được giải quyết, trong khi đó, tại Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân, học sinh vẫn phải học chung ở 1 địa điểm trên diện tích đất chật chội. Ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội truy vấn UBND Thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, tiến độ thực hiện.

Trước sức ép này, tới tháng 8.2013, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ra văn bản quyết liệt thu hồi một phần diện tích tại 94 Lò Đúc để xây trường học. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khi đó là bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu các đơn vị trên tiến hành thủ tục thu hồi một phần diện tích đất của Nhà máy Rượu Hà Nội và Nhà máy Dệt kim Đông Xuân cho mục đích xây trường.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc, ô đất tại Nhà máy Rượu Hà Nội số 94 phố Lò Đúc, diện tích dành để xây dựng trường là hơn 3.500 m2 và để phục vụ tách cấp cho Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Thời điểm năm 2013, ô đất tại Nhà máy Rượu Hà Nội đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa cắm mốc giới và xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh ô đất.

Tuy được UBND TP.Hà Nội quyết liệt thu hồi để xây trường từ năm 2013 nhưng theo ghi nhận của PV Báo Lao Động chiều 1.3.2018, cả khu đất kéo dài mặt đường Nguyễn Công Trứ vẫn quây tôn kín mít. Khi hỏi về ô đất này, nhiều người dân không biết ô đất được sử dụng như thế nào.

“Ô đất đã quây tôn phải đến hơn 5 năm, trước đây đã mấy lần UBND quận Hai Bà Trưng rục rịch xây trường nhưng nay nhiều người lại bảo sắp tới sẽ xây chung cư, trung tâm thương mại” - bà Hạnh, một hộ dân buôn bán trên đường Nguyễn Công Trứ - nói.

Và hô biến thành cao ốc

Vào đầu tháng 8.2017, có thông tin, tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nắm giữ xong khu đất đắc địa tại 94 Lò Đúc (Hà Nội) và chuẩn bị xây dựng 2 toà cao ốc cao 33 - 35 tầng. Theo quảng bá các trang mạng bất động sản, dự án được khởi công năm 2018 và dự kiến bàn giao năm 2019, do chủ đầu tư Tân Hoàng Minh triển khai.

Đáng chú ý, trong các văn bản chính thức từ UBND TP.Hà Nội, cái tên Tân Hoàng Minh hầu như không xuất hiện, bởi đơn vị được UBND Thành phố giao đất 94 Lò Đúc là Cty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Thiên Bình. Cty này được thành lập từ tháng 6.2013 với vốn điều lệ 466,6 tỉ đồng. Theo giấy đăng ký kinh doanh của Thiên Bình thì ông chủ của tập đoàn Tân Hoàng Minh là ông Đỗ Anh Dũng đã góp 99% cổ phần và là đại diện pháp luật của Cty.

Dự án chung cư, trung tâm thương mại mọc lên tại 94 Lò Đúc được sự săn đón đặc biệt từ các nhà đầu tư bất động sản. Đây là dự án được dư luận đặc biệt chú ý bởi nhiều lý do. Về vị trí, ai đi qua khu đất này cũng phải trầm trồ vì vị trí đắc địa. Khu đất không chỉ nằm ở ngay trung tâm thành phố mà còn sở hữu 3 mặt tiền Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ - Hoà Mã. Hiện nay trên mạng, dự án 94 Lò Đúc được giới thiệu gồm 2 toà cao ốc với quy mô dự án lên tới 1.500 căn chung cư và căn Officetel.

Theo nhân viên bán hàng dự án này thì hiện nay, phía Tân Hoàng Minh đang lo các thủ tục pháp lý và dự kiến mở bán vào tháng 9 năm nay. Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Lao Động, 1 lãnh đạo Tân Hoàng Minh cũng xác nhận, triển khai dự án vào quãng thời gian trong năm nay, nhưng chưa chốt thời gian cụ thể.

Lâu nay, việc các chủ đầu tư bất động sản thâu tóm đất vàng công nghiệp sau khi di dời để xây chung cư gây bức xúc trong dư luận. Bởi theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 nêu rõ, các khu đất nhà máy, xí nghiệp di dời ở nội thành Hà Nội phải được ưu tiên để xây dựng trường học, các công trình công cộng. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục Trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) - cho rằng, lâu nay Hà Nội cứ loay hoay giải quyết bài toán tắc đường trong nội đô trong khi các ô đất công nghiệp sau khi di dời thì lại xây cao ốc.

“Việc xây cao ốc trong nội đô, ai cũng thấy rõ hệ luỵ sẽ gia tăng sức ép lên hạ tầng đô thị. Tắc đường, thiếu trường, thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng từ đó mà ra. Định hướng quy hoạch đã có nhưng Hà Nội không thực hiện, cứ được ô đất nhà máy, xí nghiệp nào di dời ra ngoại thành là cao ốc mọc lên” - ông Chiến nói.

Thông Chí - Vương Trần (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.