09/11/2020 9:40 AM
Giai đoạn 2011-2015, ICOR là 6,3; 2016 - 2019 là 6,1, tức là đã giảm đi rất tốt. Tuy nhiên, năm 2020 thì tăng lên do ảnh hưởng của Covid-19 và bão lũ.

Trả lời chất vấn về hiệu quả đầu tư (ICOR) của đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là chỉ tiêu kinh tế hỗn hợp phản ánh nước ta cần bao nhiêu vốn đầu tư để tạo ra được một đồng tăng trưởng GDP và giai đoạn vừa qua đã làm khá tốt.

Giai đoạn 2011 – 2015, ICOR của Việt Nam là 6,3; 2016 - 2019 là 6,1, tức là đã giảm đi rất tốt. Tuy nhiên, năm 2020 thì tăng lên do tình hình ảnh hưởng của Covid-19 và bão lũ nên GDP năm nay giảm xuống.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, cần có thời gian dài thì mới đánh giá được hiệu quả của các công trình đầu tư, có độ trễ. ICOR hàng năm chỉ làm để tham khảo trong điều hành còn phải sau 5 năm mới đánh giá toàn diện được hiệu quả của việc đầu tư đó.

Về mặt lý thuyết hiệu quả đầu tư thể hiện bằng hệ số ICOR được cơ quan thống kê Việt Nam tính toán cho toàn bộ nền kinh tế bao gồm đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ số ICOR không tính theo thành phần kinh tế, do vốn đầu tư công chủ yếu được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, không mang lại lợi nhuận trực tiếp mà gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng.

Song cũng cần thẳng thắn, ICOR của Việt Nam còn cao, hiệu quả đầu tư còn thấp so với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Nguyên nhân một phần là do nền kinh tế đang trong giai đoạn tập trung đầu tư cho hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa và đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Các dự án đầu tư công dù thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, song tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí cũng còn nhiều.

Hiệu quả đầu tư nhìn từ hệ số ICOR - Ảnh 1.

Các dự án đầu tư công dù thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, song tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí cũng còn nhiều.

Đối với việc bố trí nguồn lực đầu tư công cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ít người, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quyết định số 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 và Quyết định số 2085/QĐ-TTg phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 là 2 chương trình quan trọng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và thiểu số rất ít người.

Hai quyết định này được ban hành vào năm 2016, sau thời điểm Quốc hội ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015 - 2020, do đó không kịp bố trí nguồn lực đầu tư công bố trí cho 2 chương trình này.

Năm 2019, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới để bố trí vốn. Đặc điểm của 2 chương trình này rất đặc thù vì quy mô nguồn vốn dự án/công trình nhỏ, lại ở vùng sâu, vùng xa, được thực hiện theo hình thức các dự án công trình và phi công trình.

Tính tới thời điểm hiện tại, nguồn vốn đầu tư công thực hiện theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg đang có tỷ lệ giải ngân trên 60% nhờ thực hiện theo các dự án/công trình. Còn đối với Quyết định số 2085/QĐ-TTg thực hiện theo các hình thức hỗn hợp (công trình và phi công trình), cần hướng dẫn của Ủy ban dân tộc. Vừa rồi, Ủy ban dân tộc đã có hướng dẫn để triển khai đầu tư theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg và hiện đang triển khai.

Về giải pháp ngắn hạn, ông Dũng cho biết sẽ kiến nghị với Chính phủ cho phép kéo dài chương trình đến hết năm 2021; còn về lâu dài thì đã thống nhất giữa Hội đồng Dân tộc và Chính phủ là sẽ gộp chung hai Quyết định này vào chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc ở miền núi trong giai đoạn tới. Như vậy sẽ giải quyết được vấn đề sinh kế và đất sản xuất.

Trước đó, các ý kiến thảo luận tại hội trường cũng bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6% là tương đối cao và khó có khả năng thực hiện. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2021 dự báo nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ môi trường quốc tế, còn nhiều rủi ro và bất định, cạnh tranh giữa các quốc gia lớn, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài của dịch COVID-19, tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy có không ít những cơ hội và tiềm năng mà nước ta có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ như tác động tích cực từ các Hiệp định FTA, trong đó có EVFTA với EU, cơ hội thu hút FDI từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới sáng tạo, từ nguồn nhân lực dồi dào, năng động của chúng ta.

"Nếu tận dụng triệt để các cơ hội này và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế thì khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 là có cơ sở", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

  • Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Đừng để trái bóng trách nhiệm đá qua đá lại

    Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Đừng để trái bóng trách nhiệm đá qua đá lại

    Giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn rất chậm so với yêu cầu và tình trạng lãng phí, thất thoát cũng chưa được xử lý triệt để… Thậm chí, một số đại biểu còn thẳng thắn cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành vấn đề “trầm kha” và trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Linh Nga (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.