Một khu đất tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam từng được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất Ảnh: Lê Phước Bình
Đấu giá rồi bỏ cọc
Ngày 27/4/2022, UBND thị xã Điện Bàn ban hành loạt quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với thửa đất 1564, 1565, 1566, tờ bản đồ số 12, tại khối phố Ngọc Tam, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất cả 3 thửa đất nêu trên là một cá nhân tên T, có hộ khẩu thường trú tại phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
UBND thị xã Điện Bàn nêu lý do của việc hủy kết quả trúng đấu giá nêu trên là vì người trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Theo Thông báo số 228/TB-PTQĐ ngày 20/9/2021 của Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn, 4 lô đất đấu giá tại khu vực nêu trên có tổng diện tích 687m2, với giá khởi điểm khoảng 10,3 tỉ đồng, tương đương 15 triệu đồng/m2.
Sau đó, các lô đất này được tổ chức đấu giá và một cá nhân tên T đã trúng đấu giá với số tiền từ 26-29 triệu đồng/m2, cao gần gấp đôi so với giá khởi điểm.
Đây không phải là lần đầu tiên tại thị xã Điện Bàn xảy ra tình trạng hét giá đất đấu giá lên cao rồi bỏ cọc tháo chạy. Trước đó, vào tháng 10/2021, trên địa bàn thị xã cũng đã xảy ra một trường hợp tương tự.
Cụ thể, ngày 21/10/2021, UBND thị xã Điện Bàn đã ban hành cùng lúc 13 Quyết định hủy bỏ, thu hồi 13 quyết định có liên quan về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 13 thửa đất tại thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng.
Các thửa đất này đều do cá nhân tên T trúng đấu giá và bị thu hồi quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá vì một lý do chậm nộp tiền sử dụng đất.
Theo đó, căn cứ theo biên bản đấu giá tài sản được lập vào ngày 14.6.2021, một cá nhân tên T (trú tại quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) đã trúng đấu giá cùng lúc 13 lô đất ở nêu trên, với tổng số tiền trúng đấu giá gần 13 tỉ đồng (giá khởi điểm là 5,3 tỉ đồng). Diện tích của 13 lô đất ở này dao động từ 118,1m2 – 134,6 m2/lô.
Đáng chú ý, mỗi lô đất trúng đấu giá của cá nhân tên T này đều được trả giá cao hơn nhiều so với giá đã trả của các cá nhân khác. Thậm chí có lô đất được trả giá cao gấp đôi so với giá đã trả của các cá nhân khác.
Chẳng hạn như thửa đất số 934 có diện tích 134,6 m2, cá nhân này trả giá 1,142 tỉ đồng, trong khi đó nhiều người khác trả mức giá thấp hơn, có người chỉ trả 531 triệu đồng. Hay thửa đất số 935 có diện tích 132,6 m2 được trả 1,042 tỉ đồng, trong khi có người khác trả giá thấp nhất cũng chỉ 492 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, giá trúng đấu giá nêu trên là quá cao so với nhiều lô đất khác tại các khu vực lân cận. Chưa hết, khu vực xã Điện Hồng nằm cách xa trung tâm thị xã Điện Bàn, TP. Đà Nẵng, TP.Hội An và cả khu vực ven biển Đà Nẵng – Hội An, nên mức giá trúng đấu giá nêu trên là không hợp lý.
Việc cá nhân này tham gia và trúng đấu giá với giá đất cao ngất ngưởng tại 13 lô đất nêu trên rồi bỏ cọc tháo chạy khiến cuộc đấu giá này thất bại, buộc UBND thị xã Điện Bàn phải tổ chức đấu giá lại.
Nhiều người dân có nhu cầu ở thực không thể mua nổi nhà đất, cũng không trúng đấu đất đành phải tiếp tục ở trọ. Trong ảnh là một khu nhà trọ nằm bên cạnh Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) Ảnh: Lê Phước Bình
Tội cho người có nhu cầu nhà ở thực!
Trong khi giá đất thị trường quá cao so với mức thu nhập của người dân, nhiều hộ gia đình, cá nhân tại thị xã Điện Bàn đã và đang trông chờ vào những cuộc đấu giá quyền sử dụng đất để tìm kiếm cho gia đình một tổ ấm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Tuấn, một người dân thuộc phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, cho biết cách đây nhiều năm anh từng tham gia vài cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương bởi anh nhận thấy nhiều lô đất đấu giá có mức giá khởi điểm hợp lý.
Tuy nhiên, khi tham gia nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, thấy mức giá nhiều người khác đưa ra quá cao so với giá khởi điểm nên anh thất vọng bỏ cuộc. Từ đó đến nay, anh không tham gia cuộc đấu giá quyền sử dụng đất nào khác tại địa phương.
Một người khác tên Lâm ở thị xã Điện Bàn cho biết anh cũng từng tham gia nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương với hy vọng trúng đấu giá để xây dựng nhà cửa, an cư lạc nghiệp.
Tuy nhiên, trong nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất mà anh tham gia, mức giá các cá nhân khác đưa ra quá cao so với mức giá khởi điểm khiến anh bất ngờ. Từ đó đến nay, nhiều người bạn rủ anh tham gia các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương, nhưng anh đều từ chối vì cho rằng “mình không có cửa trúng đấu giá đất đâu”.
Theo anh Lâm, thị xã Điện Bàn có vị trí đắc địa, nằm giữa thành phố Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An nên rất nhiều người dân tại địa phương hay bên ngoài địa phương rất muốn về đây an cư, lập nghiệp.
Nếu sinh sống tại thị xã Điện Bàn, người dân có thể đi làm việc tại Đà Nẵng và Hội An và trở về nhà trong ngày mà không cần phải thuê trọ.
Anh Lâm cho biết thêm, Điện Bàn có khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và nhiều cụm công nghiệp với hàng vạn lao động. Hiện nay nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động tại nơi đây là rất lớn.
Không chỉ anh Tuấn và anh Lâm, nhiều công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cũng bức xúc về nhu cầu nhà ở, đất ở.
Nhiều người trong số họ cho rằng thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam cần có một cơ chế, chính sách nào đó hỗ trợ cho người lao động ngoại tỉnh tại địa phương và cả những người có nhu cầu nhà ở thực tại địa phương được tiếp cận nhu cầu về nhà ở, đất ở.
Trong đó, có thể xem xét ban hành một cơ chế, chính sách khai thác quỹ đất để tổ chức bán đấu giá hạn chế đối tượng tham gia, hoặc bán với mức giá phù hợp cho những người có nhu cầu nhà ở, đất ở thực tại địa phương và cả những công nhân ngoại tỉnh đã lập gia đình và đang thuê trọ sinh sống, làm việc tại địa phương.
-
Vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm: Bỏ cọc hay không đều có thể phát sinh những hệ lụy có liên quan
Tại Công văn số 59/BTNMT-TCQLĐĐ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu giá đất nói chung và vụ việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định một số vấn đề có thể phát sinh, dù cho doanh nghiệp có bỏ cọc hay không.
-
Làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) - Làng Du lịch tốt nhất năm 2024
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng ngày 15/11, làng rau Trà Quế (Hội An) được vinh danh trong mạng lưới Làng du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc - UN Tourism....
-
Quảng Nam sẽ đầu tư dự án chống ngập thành phố Tam Kỳ quy mô 4.000 tỷ đồng?
Ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 8759/UBND-KTTH giao nhiệm vụ thực hiện thủ tục chuẩn bị dự án Chống ngập thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
-
Quảng Nam đề nghị bàn giao 868 ha đất khu vực phía Đông đường trục chính vào sân bay Chu Lai
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 8707/UBND-KTN gửi đến Bộ Quốc phòng về việc rà soát, phân định, bàn giao phần đất dân dụng để thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam....