Ngày 14-11, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã có văn bản cho phép
loại một số nhóm tín dụng ra khỏi dư nợ phi sản xuất, trong
đó có 4 nhóm liên quan đến bất động sản (BĐS) là: Vay để sửa
chữa nhà, mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công; cho
vay xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các
KCX, KCN thuê và mua; xây dựng nhà ở công nhân và xây dựng các công
trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa
vào sử dụng trước ngày 1-1-2012.
Tín hiệu tốt
Giám đốc một công ty BĐS có dự án chung cư sắp hoàn thành tại quận 6 - TPHCM cho biết văn bản này của NH Nhà nước giúp công ty có lại hy vọng sẽ sớm tiếp cận được vốn NH để hoàn thành dự án bởi gần đây dự án đã phải tạm ngừng vì NH không còn cấp vốn.
Lãnh đạo một NH thương mại cổ phần tại TPHCM cũng nhận định: Đây là
tín hiệu tốt cho cả NH và người đi vay vốn, nhất là những người có
nhu cầu mua nhà để ở thực sự. Thời gian qua, các đối tượng có nhu cầu
vay vốn để sửa nhà, mua nhà, vay tiêu dùng là rất lớn và dù có khả năng
trả nợ nhưng NH hết chỉ tiêu cho vay nên đành “đóng cửa”. Giờ nếu được
nới lỏng “room” (giới hạn cho vay) cho các đối tượng này sẽ là tín hiệu
tốt. “Một khi “rổ phi sản xuất” được nới lỏng, dòng vốn ra thị trường
kỳ vọng sẽ thuận lợi hơn là đương nhiên” - vị này nhận xét.
Lực cản vẫn là lãi suất
Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng thông tin từ văn bản này hết sức tích cực. Bởi trước hết, nợ xấu ngành NH có đến 80% là dư nợ thuộc lĩnh vực phi sản xuất. Do vậy, “mở van” tín dụng cho một số nhóm BĐS có thể sẽ góp phần hạ tỉ lệ nợ xấu của ngành NH. Ngoài ra, các dự án sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012 và các dự án mua nhà trả nợ bằng tiền lương cũng được loại bỏ khỏi danh mục “phi sản xuất” sẽ góp phần khai thông nguồn vốn cho nhiều dự án. Với văn bản này, các NH sẽ “dễ thở hơn” để đạt được chỉ tiêu cơ cấu cho vay phi sản xuất 16% vào cuối năm nay.
Một chuyên gia tài chính nhận định khi NH không phải lo “chạy” tỉ lệ
phi sản xuất, NH có thể cũng thư thả hơn cho việc “siết” các khoản tín
dụng từ việc cho vay đối với các dự án BĐS đang trong giai đoạn hoàn
thiện. Vì vậy, khả năng bán tháo căn hộ như gần đây sẽ giảm.
Ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng đối với những doanh nghiệp phát triển nhà ở, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng nhà xưởng đang thiếu hụt nguồn vốn, dự án phải đình trệ… thì có vốn vay để thực hiện tiếp dự án là phao cứu sinh, dù lãi suất NH có hơi cao một chút. Ông Hiếu cũng cho rằng khi sản phẩm dồi dào hơn, người mua nhà được tiếp cận vốn, thị trường có thể sẽ “ấm” hơn, đặc biệt vào giai đoạn cuối năm…
Tuy vậy, ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB), cho rằng điều khó nhất đối với thị trường BĐS hiện không chỉ là thiếu nguồn tiền mà là lãi suất. Dù giá nhà đất đã giảm khá nhiều trong thời gian qua, có hiện tượng bán tháo, cắt lỗ của chủ đầu tư nhưng lãi vay vẫn khá cao. “Giá của BĐS là một chuyện, còn lãi suất có giảm để họ dễ dàng chấp nhận hay không mới quan trọng” - ông Long nhận xét.
Vốn có thể sang chứng khoán Một số chuyên gia kinh tế lưu ý cần kiểm soát việc cho vay của các NH có đúng đối tượng hay không bởi thời gian qua tình trạng đảo nợ các khoản vay của khách hàng xảy ra không ít. Một số chi nhánh NH bị áp lực kéo giảm tỉ trọng cho vay phi sản xuất đã đảo nợ từ vay vốn BĐS sang sản xuất kinh doanh... Một chuyên gia tài chính còn cho rằng nếu các NH còn “room” cho vay thì nhiều khả năng dòng vốn này bằng cách này hay cách khác có thể dịch chuyển sang lĩnh vực phi sản xuất khác như chứng khoán chẳng hạn. Tuy vậy, theo ông, dòng vốn này thực tế sẽ không nhiều và cũng chỉ là ngắn hạn. |