Người dân Hà Nội gần đây luôn thấp thỏm với các thông tin nhà nghiêng, nhà đổ, sập trần... Theo các chuyên gia, bên cạnh nguyên nhân địa chất, tự nhiên chính việc xây dựng không tuân thủ nguyên tắc, pháp luật đã khiến cho nhiều căn nhà bị vạ lây.
alt

Căn hộ 1102, nhà CT6 khu đô thị mới Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) ngổn ngang mảnh vữa, trần nhà bị "bóc mảng" khoảng 1m2

Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Lê Quang Hùng thẳng thắn, phải thừa nhận rằng chất lượng xây dựng trong những năm gần đây có xuống cấp. Nhất là các nhà tái định cư chất lượng không tốt, xảy ra nhiều vấn đề như báo chí và nhân dân đã phản ánh.

Tai họa “quá tam...”

Tại nhà của ông Nguyễn Mạnh Hùng - căn hộ 1102, nhà CT6 khu đô thị mới Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), phòng ngủ ngổn ngang những mảng vữa, phủ kín diện tích đặt giường và bắn tung tóe khắp phòng. Trần nhà bị "bóc mảng" khoảng 1 m2, trơ ra phần bêtông xám xịt. Điều đáng nói là, sự cố này đã xảy ra từ năm 2009 và gia đình ông Hùng đã phải di tản đi nơi khác trong dịp giáp Tết 2011 do lo sợ một lần nữa vữa trần lại "dội thẳng vào ngực" khi đang ngủ.

Được biết, lần sập vữa trần đầu tiên tại căn hộ 1102 vào ngày 10/8/2009; Lần 2 cũng cùng vị trí vào ngày 9/12/2009; Lần 3 vào cuối tháng 1/2011.

Điều rất khó hiểu là, từ lần sập đầu tiên năm 2009, đến tận cuối tháng 1/2011 vữa trần mới được trát lại nhưng lại đổ ập xuống sau vài ngày, khiến ông Hùng vô cùng hoang mang. Rất may, khi đó gia chủ chưa kê lại giường. Những mảng vữa trần vừa rớt xuống rất cứng và có thể gây thương tích nặng nếu rơi trúng người.

Hiện ông Hùng đã gửi đơn lên nhiều cơ quan, trong đó có cả ông Phan Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Contrexim Holdings với các yêu cầu: Ông Tuấn phải chính thức xin lỗi; Contrexim phải tự tính toán thiệt hại về tinh thần và vật chất cho ông Hùng từ 10/9/2009 đến 31/3/2011 để đền bù; Contrexim phải lên phương án sửa chữa đảm bảo chất lượng cho căn hộ 1102. Nếu những yêu cầu này không được chấp thuận, ông Hùng sẽ kiện Contrexim Holdings ra tòa.

Thiếu hành lang pháp lý

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do VN còn thiếu hành lang pháp lý quy định và quản lý loại hàng hóa đặc biệt giá trị này. Hiện tại, chỉ có Thông tư số 14/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về tiêu chí đánh giá, phân hạng nhà chung cư. Tuy nhiên, thông tư này cũng có nhiều quy định khá định tính và bất cập, nên chưa thực hiện được mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Việc thiếu hành lang pháp lý cũng tạo sự tùy tiện trong tự đánh giá, phân loại nhà chung cư của các chủ đầu tư. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn làm liên lụỵ tới những nhà đầu tư nghiêm túc, vì sản phẩm thực sự cao cấp của họ không được phân biệt rạch ròi với các sản phẩm khác.

Theo ông Khánh, một dự án chung cư cao cấp cần có quy hoạch, kiến trúc đồng bộ với không gian, đảm bảo hệ số sử dụng đất, diện tích cây xanh, bãi đỗ xe phù hợp; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ, cung ứng các tiện nghi và dịch vụ không những đáp ứng các yêu cầu thiết yếu, mà cả những yêu cầu cao cấp của người dân sinh sống tại chung cư. Đặc biệt, việc quản lý, vận hành chung cư cần được thực hiện chuyên nghiệp, rõ ràng và minh bạch, để đảm bảo và duy trì chất lượng sống của cư dân.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Người mua nhà phải căn cứ vào hợp đồng mua nhà. Nếu chủ đầu tư không thực hiện theo đúng hợp đồng, đã có chế tài xử phạt. Chủ đầu tư mà vi phạm thì sẽ bị xử phạt, nhưng "xử phạt" lớn nhất vẫn là của người mua. Anh làm chất lượng kém thì lần sau không ai mua của anh nữa. DN đầu tư, kinh doanh bất động sản thường phải dựa vào uy tín.
Cafeland.vn - Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.