5 tuần liên tiếp tỷ giá USD/VND đứng yên. Cam kết của Ngân hàng Nhà nước đang gần đến đích khi có những hậu thuẫn lớn.
Trao đổi bên lề cuộc gặp phóng viên cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đến cuối năm 2011, cơ bản có 3 điểm ưu tiên can thiệp của chính sách tiền tệ đang cho kết quả như dự tính.

Đó là chủ trương giảm lãi suất cho vay đã được triển khai. Thứ hai là thị trường vàng cũng đã được từng bước can thiệp, dù Thống đốc Bình cho rằng Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn chưa có đầy đủ công cụ (đặc biệt là về mặt pháp lý) để đạt hiệu quả cao hơn. Thứ ba là cam kết giữ ổn định tỷ giá USD/VND, nếu có điều chỉnh thì đến cuối năm không quá 1% (tính từ thời điểm 7/9/2011).

Đến nay, sau loạt tăng 14 lần liên tiếp đầu tháng 10, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD với VND đã nối dài 5 tuần cố định. Và sau khi bán ra khoảng 1,5 - 1,8 tỷ USD hỗ trợ thị trường từ giữa tháng 8, chủ yếu cho nhập khẩu vàng, từ tháng 10 trở lại đây Ngân hàng Nhà nước không còn phải dùng đến giải pháp này.

Trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, trạng thái căng thẳng của tỷ giá USD/VND vẫn thể hiện ở giá mua san bằng giá bán và cùng kịch trần biên độ tại nhiều thành viên. Nhưng sự ổn định tương đối cũng đang thể hiện.

Theo ghi nhận của một số tổ chức đầu tư, những ngày cuối tuần qua tỷ giá USD/VND tiếp tục có sự điều chỉnh thể hiện cả trên thị trường tự do lẫn thị trường liên ngân hàng. Khoảng cách tỷ giá giữa hai thị trường này cũng đã được thu hẹp, cùng quanh mức 21.165 VND. Tác động cụ thể là một số ngân hàng tăng cường bán ra USD để tăng thanh khoản VND.

Ở điểm ưu tiên thứ hai như Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu, sự can thiệp thị trường vàng hai tháng trở lại đây cũng đã loại trừ giải pháp quen thuộc là cho nhập vàng để bình ổn. Theo đó, nguồn ngoại tệ cho nhu cầu này cũng đã hạn chế thay cho áp lực phải bán ra rõ rệt từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9/2011.

Với diễn biến trên và hiện tại, nhiều khả năng cam kết điều chỉnh tỷ giá USD/VND không quá 1% của Ngân hàng Nhà nước sẽ được trọn vẹn. Và hậu thuẫn lớn nhất đang thể hiện là những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô.

Trong báo cáo tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (CG) năm 2011, diễn ra hôm nay (6/12) tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đưa ra một số dự tính đáng chú ý.

Thứ trưởng Sinh cho biết, năm 2011 hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt kết quả khả quan, thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu đề ra và tạo sự hỗ trợ lớn cho yêu cầu ổn định tỷ giá. Cụ thể là ở kết quả kiềm chế nhập siêu và trạng thái thặng dư của cán cân tổng thể.

Theo báo cáo trên, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2011 dự tính sẽ đạt con số kỷ lục là 202 tỷ USD, bằng 170% GDP. Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 106 tỷ USD, tăng 25%. Theo đó, nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (không quá 18%).

Cũng trong báo cáo trên, dự tính cán cân tổng thể năm 2011 sẽ thặng dư tới 3,1 tỷ USD, cao hơn cả dự báo của một lãnh đạo chuyên trách đưa ra trước đó.

Hồi tháng 3/2011, tại diễn đàn Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng dự báo năm nay cán cân tổng thể sẽ có sự cải thiện rõ rệt với dự báo thặng dư hơn 2 tỷ USD, là một yếu tố hỗ trợ cho giữ ổn định tỷ giá. Đây là sự cải thiện rất lớn khi năm 2009 cán cân tổng thể thâm hụt tới 8,8 tỷ USD và năm 2010 thâm hụt 3,07 tỷ USD.

Trong những chuyển biến tích cực này, một dòng chảy ngoại tệ từ kiều hối cũng đang góp phần đáng kể. Ước tính vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, trong năm 2011, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD. Với con số này, Việt Nam thuộc top 10 các nước nhận được nhiều kiều hối nhất theo con đường chính thức (gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines, Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Ai Cập và Liban).

Với những hậu thuẫn đó, tỷ giá USD/VND đang có những điều kiện về vĩ mô để ổn định. Ngân hàng Nhà nước đang nắm khả năng giữ được cam kết điều chỉnh không quá 1%, dù sau loạt điều chỉnh từ đầu tháng 10 vừa qua đã dùng tới 0,85% “quỹ cam kết” này. Tuy nhiên, nhiều tổ chức thời gian qua cùng dự báo rằng, cầu ngoại tệ thời gian còn lại của năm 2011 và đầu năm 2012 sẽ ở mức cao.
Theo Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh