Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông NNP, ngụ quận 2, TP.HCM, cho biết ông có mảnh đất rộng gần 400 m2 tại phường Bình An, quận 2 với mục đích sử dụng là đất vườn.
Khu đất của ông P. đã được đóng tiền sử dụng đất nhưng không thể chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Kẹt tiền nên chậm đóng
Tháng 10-2010, do có nhu cầu về nhà ở, ông nộp hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất (SDĐ) với diện tích 200 m2 thuộc phần đất trên thành đất ở và được UBND quận 2 cho phép.
Do không có điều kiện về tài chính nên đến ngày 26-6-2015 ông P. mới đến Chi cục Thuế quận 2 đóng tiền SDĐ theo thông báo thuế được cơ quan này phát hành từ năm 2011 với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.
Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính xong, ông P. liên hệ UBND quận 2 để được cập nhật thông tin chuyển mục đích SDĐ và nhận lại giấy chứng nhận đã nộp từ năm 2010. Tuy nhiên, UBND quận 2 không thực hiện việc cập nhật chuyển mục đích SDĐ cho ông.
“Vụ việc trên, tôi đã liên hệ rất nhiều lần đến UBND quận để được nhận lại giấy chứng nhận nhưng quận trả lời khu đất nhà tôi bị vướng quy hoạch từ năm 2012. Tuy nhiên, xung quanh đất nhà tôi, người dân đã xây nhà và sống ổn định từ đó đến nay” - ông P. bức xúc.
Đã có quy hoạch nên không thể chuyển mục đích
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng TN&MT quận 2, cho biết theo hồ sơ đề nghị chuyển mục đích SDĐ của ông P., ngày 27-1-2011 UBND quận đã cho phép ông được chuyển mục đích SDĐ từ đất vườn lên đất thổ cư.
Tiếp đó, ngày 30-1-2011, Chi cục Thuế quận 2 cũng đã ra thông báo nộp lệ phí trước bạ và tiền SDĐ với khu đất chuyển mục đích.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2015 ông P. mới thực hiện nghĩa vụ tài chính mà trước đó không hề làm thủ tục ghi nợ.
Năm 2012, theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị 1/2000 của quận đã được TP phê duyệt, khu đất của ông P. nằm trong quy hoạch mặt nước cảnh quan. Vì thế, ngày 30-6-2016, UBND quận đã thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 1461 cho phép ông được chuyển mục đích.
Lưu ý nghĩa vụ tài chính để không bị thiệtThông thường, những trường hợp xin chuyển mục đích SDĐ thì khi có thông báo thuế, người dân cần thực hiện nghĩa vụ tài chính ngay. Hơn nữa, trong thông báo nộp tiền SDĐ cũng có nêu thời hạn nộp không quá 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo. Nếu quá thời hạn nộp thì người dân phải đóng phạt chậm nộp. Vì thế, để không bị mất tiền phạt hoặc rơi vào trường hợp tương tự như ông P. thì người dân nên nộp đúng hạn. Nếu người dân nào thuộc đối tượng được ghi nợ tiền SDĐ thì nên thực hiện thủ tục theo quy định để đảm bảo quyền lợi của mình. Ông NGUYỄN HỮU THỌ, Trưởng phòng TN&MT quận 2 |
Đến nay khu đất của ông P. vẫn nằm trong quy hoạch nên quận không thể giải quyết cho ông chuyển đổi mục đích SDĐ được.
“Quận đã nhiều lần tiếp, giải thích và trả lời bằng văn bản cho ông P. nhưng ông không chấp nhận. Vụ việc của ông, nếu lúc mới có thông báo nghĩa vụ tài chính ông thực hiện hoặc làm thủ tục ghi nợ thì quận đã giải quyết cho ông ngay. Tuy nhiên, do hiện tại khu đất đang nằm trong quy hoạch nên quận không thể chuyển mục đích SDĐ được. Quận đã hướng dẫn ông liên hệ cơ quan thuế để được hoàn lại tiền và liên hệ Phòng TN&MT quận nhận lại giấy chứng nhận nhưng ông chưa thực hiện.
Đồng thời, quận cũng đã gửi công văn đến Chi cục Thuế quận 2 và kho bạc nhà nước đề nghị hai cơ quan này hỗ trợ hoàn lại tiền thuế cho ông P. Theo yêu cầu chuyển mục đích SDĐ của ông, quận sẽ thực hiện khi khu đất của ông không còn nằm trong quy hoạch” - ông Thọ cho biết thêm.
-
Phải trả lại tiền cọc vì đất đã bị quy hoạch vẫn đem bán
Theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, nguyên đơn phải trả lại tiền cọc hơn 5,6 tỉ đồng vì tại thời điểm nhận cọc thì toàn bộ diện tích đất đều đã quy hoạch cho mục đích công cộng.