22/10/2017 9:53 AM
Từ lọc dầu, các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, tiếp theo là thép và sắp tới có thể là nhiệt điện, điện khí, Quảng Ngãi đang đi đúng theo đường ray được xác định ban đầu: hình thành một đô thị công nghiệp.

Đi lên từ thế mạnh hạ tầng

Sau khi được gắn với những thăng trầm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu kinh tế(KKT) Dung Quất đã có những chuyển động nhanh chóng và trong một thời gian dài đã trở thành một những hình mẫu thu hút đầu tư.

Dẫu vậy, các nhà đầu tư đã từng đặt chân đến đây, cũng thừa nhận, KKT Dung Quất có hạ tầng kỹ thuật khá tốt. Trong đó, đặc biệt là hệ thống giao thông với các trục xương sống kết nối các phân khu, hệ thống cảng nước biển sâu đáp ứng cho tàu tải trọng lớn...

Bên cạnh lọc dầu, ngành công nghiệp Quảng Ngãi gần đây đã được ghi nhận từ các sản phẩm nồi hơi, siêu cẩu trục, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt mang thương hiệu “made in Quảng Ngãi”

Cũng dễ hiểu, khi mới thành lập, khu kinh tế này trực tiếp do Chính phủ quản lý. Ngoài hạ tầng được đầu tư bài bản ngay từ đầu, thì cơ chế linh hoạt và cực kỳ thông thoáng so với các KKT cùng thời điểm đã trở thành lực hấp dẫn và níu chân được các nhà đầu tư.

Theo tính toán của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện tại 133 km đường giao thông nội bộ, cầu cảng, hệ thống thoát nước, các khu dân cư, khu tái định cư, các trạm xử lý nước thải tập trung, khu xử lý chất thải rắn, cây xanh cảnh quan... đáp ứng kịp thời cho tình hình đầu tư phát triển KKT Dung Quất. Tổng vốn nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng gần 5.000 tỷ đồng và 3.850.000 USD.

Chính từ lợi thế hạ tầng, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam và được nâng cấp từ mức 6,5 tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm, nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất và thực hiện chủ trương xây dựng thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, tương lai có thể là trung tâm điện khí khi dự án mỏ khí Cá Voi Xanh được đưa vào khai thác.

“Hấp lực từ lọc dầu” có lẽ là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất của Quảng Ngãi những năm đầu thế kỷ XXI và giờ đây, hấp lực đó đã thể hiện được sức lan toản với những dự án công nghiệp giàu tiềm năng bứt phá. Đó là Dự án Công nghiệp nặng Doosan Vina chuyên sản xuất thiết bị lò hơi, cẩu trục siêu trường siêu trọng, là Dự án Thép Hòa Phát - Dung Quất, Dự án Nhiệt điện của Tập đoàn Sembcorp, hay Dự án Sản xuất và lắp ráp ô tô mà Tập đoàn Mitsubishi Motors (Nhật Bản)... đang ấp ủ.

Phối hợp chặt chẽ để tận dụng thời cơ

Để giữ chân nhà đầu tư, ngoài việc tạo ấn tượng tốt, thân thiện, cởi mở và đồng hành cùng nhà đầu tư, ngoài việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Quảng Ngãi còn chỉ đạo các ban, ngành của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có liên quan tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho dự án.

Đối với Dự án Nhiệt điện - điện khí của Tập đoàn Exxon Mobil dự kiến triển khai tại KKT Dung Quất, ông Lê Hàn Phong, Phó trưởng ban Ban Quản lý KKT và các KCN Quảng Ngãi cho biết, các sở, ngành, địa phương đã trở thành chiếc cầu nối giữa Exxon Mobil với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Với Tập đoàn Sembcorp, sự hỗ trợ chính là việc kết nối với đơn vị tư vấn trong điều chỉnh tổng mặt bằng và cung cấp số liệu liên quan để lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các nhà máy điện khí tại Dung Quất.

Ngoài hỗ trợ kết nối, tỉnh Quảng Ngãi tập trung giải phóng mặt bằng cho Dự án. Đến thời điểm hiện tại, mặt bằng để triển khai Dự án đã có 25/54,7 ha đất sạch cho nhà máy điện; phần diện tích còn lại của nhà máy điện (29,4 ha) và 6 ha cho Khu vận hành và nghỉ ca dự kiến sẽ được bàn giao trong năm 2019.

Về phía mình, Tập đoàn Semcorp đã dự thảo Biên bản ghi nhớ (trên cơ sở chỉnh sửa lại Bản ghi nhớ đã ký ngày 12/1/2012 để thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện than) để thực hiện Dự án Nhà máy điện khí Dung Quất. Nếu không có những diễn biến bất ngờ, sau khi thảo luận thống nhất, hai bên sẽ tiến hành ký vào ngày 11/11/2017 tại Đà Nẵng nhân sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Với Dự án Thép Hòa Phát - Dung Quất, từ tháng 2/2017, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập tổ liên ngành hỗ trợ thủ tục trong quá trình triển khai. Đáng chú ý, người phụ trách tổ này là Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh. Có nghĩa là, mọi ách tắc sẽ được Phó chủ tịch tỉnh giải quyết ngay, trường hợp vượt thẩm quyền mới phải báo cáo Chủ tịch tỉnh và Thường vụ Tỉnh ủy.

Rõ ràng, Dung Quất đang đứng trước những cơ hội vàng để trở thành trung tâm công nghiệp, vì vậy, không còn cách nào khác là tiếp tục mạnh mẽ hơn việc cải thiện môi trường đầu tư và đầu tư hạ tầng đồng bộ có tính đến liên kết vùng.

Để thực hiện chiến lược này, Quảng Ngãi đang tích cực triển khai và phối hợp xây dựng tuyến giao thông từ Quảng Ngãi đi sân bay Chu Lai (Quảng Nam); Đẩy mạnh xây dựng tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh khớp nối với tuyến Tam Quan - Quy Nhơn của Bình Định và Tam Kỳ -Chu Lai của Quảng Nam; hoàn thành mặt bằng và quy hoạch lại các đô thị vệ tinh để tận dụng cơ hội của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cũng như Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây 2...

Quảng Ngãi đặt kế hoạch đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GRDP tỉnh chiếm 60 - 61%, trong đó, chỉ riêng công nghiệp là 57%. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu này, có khá nhiều yếu tố phụ thuộc các dự án công nghiệp đầu tư vào KKT Dung Quất. Vì vậy, chỉ tiêu thu hút đầu tư vào Dung Quất từ 2,5 - 3,5 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2020 đã được tỉnh Quảng Ngãi đặt ra và chỉ đạo các ban, ngành chức năng liên quan thực hiện hoàn thành chỉ tiêu quan trọng này. Cùng với Dung Quất, các khu công nghiệp của tỉnh cũng phải thu hút đầu tư được ở mức 1.600 tỷ đồng và các cụm công nghiệp thu hút trên 550 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện đạt 80% trở lên.

Theo ông Đặng Văn Minh, muốn đạt được những chỉ tiêu quan trọng trên, Quảng Ngãi phải tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư.

Ý kiến nhà đầu tư

Quảng Ngãi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng tôi.

Bà Patty Graham, Tập đoàn Exxon Mobil

Chúng tôi dự kiến sẽ có một nhà máy đặt tại Dung Quất, Quảng Ngãi khi khai thác khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh. Quảng Ngãi đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và tập trung hỗ trợ Tập đoàn trong khảo sát, nghiên cứu thực hiện dự án. Sau khi ký Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng Bán khí Cá Voi Xanh với Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Exxon Mobil đã triển khai thiết kế sơ bộ và thiết kế tổng thể Dự án, với mục tiêu đạt dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023.

Môi trường đầu tư tại Quảng Ngãi đang “nóng” lên.

Ông Jung Yeon In, Tổng giám đốc Doosan Vina

Môi trường đầu tư tại Quảng Ngãi hiện đang “nóng” lên với những ký kết và thỏa thuận hợp tác hướng đến mục tiêu thu hút ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Bản thân tôi thấy Việt Nam sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi như vị trí đắc địa, nguồn nhân lực dồi dào; chính trị ổn định... Tôi luôn cho rằng, chặng đường phía trước của Quảng Ngãi và Việt Nam là một tương lai đầy hứa hẹn.

Quảng Ngãi nên khai thác nguồn năng lượng tái tạo.

Ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Tân

Khi các dự án thủy điện lớn đã được khai thác tối đa, các dự án nhiệt điện than phải đối mặt với áp lực về môi trường… việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời đang là hướng đi mới của Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tiềm năng về năng lượng mặt trời rất lớn, bởi vậy, Quảng Ngãi nên tiếp cận các nhà đầu tư tập trung khai thác nguồn năng lượng vô tận này.

Minh Khuê (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.