Sự tham gia của giới đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính Việt Nam đang chuyển động theo hướng mới: không chỉ mua lại các dự án bất động sản, thâu tóm và đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) công ty niêm yết trên sàn và ngoài sàn, mà cả tìm mua các khoản nợ xấu.

“Việt Nam đã lên bậc trong mối quan tâm mua bán nợ xấu của giới tài chính quốc tế theo khảo sát của chúng tôi” - Debtwire viết trong báo cáo “Nợ xấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2011” (Asia-Pacific Distressed Debt Outlook 2011 - Debtwire) - “Nếu năm ngoái chỉ có 2% và 13% những tổ chức tham gia khảo sát cho rằng “có đáng kể cơ hội” và “nhiều cơ hội” trong giao dịch nợ xấu ở Việt Nam, thì năm nay con số tăng lên tương ứng là 5% và 21%”.


Trong một bảng phân loại khác của báo cáo nói trên, Việt Nam xếp hạng 5 trong tổng số 10 nền kinh tế trong khu vực (trên Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc) về khả năng tái cấu trúc và dàn xếp nợ xấu bất chấp sự thiếu vắng của quy định pháp lý tin cậy.


“Nếu năm ngoái chỉ có 2% và 13% những tổ chức tham gia khảo sát cho rằng “có đáng kể cơ hội” và “nhiều cơ hội” trong giao dịch nợ xấu ở Việt Nam, thì năm nay con số tăng lên tương ứng là 5% và 21%”.

Nhận định của Debtwire tỏ ra khá chính xác trong lĩnh vực ngân hàng. Trao đổi với TBKTSG mới đây, một ngân hàng cổ phần dồi dào nguồn vốn huy động, cho biết năm nay họ để dành hẳn một lượng vốn nhất định để mua lại các khoản nợ xấu. “Nói là xấu nhưng vẫn có khả năng đòi được, có thể đòi được toàn bộ, có thể một phần” - đại diện ngân hàng này nói. Ông kể mới đây đã mua lại một khoản nợ vài chục tỉ đồng của một ngân hàng nước ngoài với giá chỉ bằng một phần ba giá trị cho vay. Ngân hàng nước ngoài không thể kiên nhẫn, linh hoạt và tỉ mỉ thu hồi, bán tài sản thế chấp như ngân hàng nội.


Hiện nay một số ngân hàng yếu kém, không có vàng hay ngoại tệ thế chấp, đã buộc phải thế chấp hồ sơ tín dụng của khách hàng cho những ngân hàng khác để vay tiền đồng. Trong trường hợp đến hạn, khoản vay không trả được, ngân hàng cho vay sẽ chuyển hồ sơ tín dụng đó thành khách hàng của mình và dĩ nhiên có kèm chiết khấu. Việc thu nợ, đặc biệt với các dự án bất động sản, bao giờ cũng phức tạp, song xác suất thành công với những hồ sơ tín dụng có chiết khấu không phải không có.


Một số ngân hàng mạnh về mảng kinh doanh trái phiếu dự báo sắp tới mua bán lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ nhộn nhịp. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao, đang khó khăn trong triển khai dự án hoặc tiêu thụ sản phẩm, sẽ không thể trả nợ, hoặc chỉ trả được một phần. Các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán đã mua trái phiếu có thể sẽ phải rao bán. Không phải đơn vị hay người mua trái phiếu nào cũng rủng rỉnh tiền mặt để gia hạn hoặc đảo nợ trái phiếu.


Đối với giới đầu tư gián tiếp, nợ xấu có thể là các khoản giải ngân của các quỹ vào khối doanh nghiệp tư nhân (private equity), nơi một số công ty có khả năng gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Một số quỹ đã không thể đóng quỹ đúng hạn do không thể thanh lý mảng đầu tư này. Hiện tượng chuyển nhượng với giá hời toàn bộ danh mục đầu tư của một quỹ nước ngoài chuyên bỏ vốn vào Việt Nam cho đồng nghiệp ở bên ngoài Việt Nam đã từng xảy ra và có thể đó chưa phải là trường hợp cuối cùng.


Trong số các khoản nợ quốc tế của doanh nghiệp nội địa hiện nay, khoản nợ 600 triệu đô la Mỹ của Vinashin đang được giới mua bán nợ chú ý hơn cả. Chưa có một bằng chứng cụ thể để đánh giá tác động của nó đến việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp trong nước, do sau sự kiện Vinashin công khai tổng số nợ 86.000 tỉ đồng đến nay, chưa có tập đoàn, tổng công ty hay ngân hàng nào huy động vốn bên ngoài. Các dự định phát hành trái phiếu quốc tế của PetroVietnam, của tập đoàn Than - Khoáng sản, Điện lực đều đã tạm dừng lại. Một số ngân hàng như Vietinbank, BIDV xin Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu quốc tế, nhưng cũng chưa tiến hành. Hãn hữu chỉ có vài công ty tư nhân phát hành được trái phiếu quốc tế như Hoàng Anh Gia Lai (phát hành được 90 triệu đô la Mỹ), song lãi suất cao, tới gần 10%/năm (cộng cả chi phí cho tổ chức tư vấn phát hành).


Hàn thử biểu đặc trưng để đo lường việc mua bán nợ là giao dịch trái phiếu quốc tế do Chính phủ phát hành. Một tổ chức tài chính nước ngoài có thời điểm nắm giữ cả trăm triệu đô la Mỹ trái phiếu quốc tế của Việt Nam cho biết một số ngân hàng trong nước cũng tích cực tìm mua, nhưng không phải lúc nào cũng mua được. Trái phiếu Việt Nam giao dịch chủ yếu ở thị trường Singapore với khối lượng rất thấp.


Trong khi đó, gần đây thị trường ghi nhận một số trường hợp chào bán trái phiếu doanh nghiệp trong nước của Vinashin. Đây có lẽ là những món nợ ế ẩm nhất trên thị trường hiện nay, nhất là sau khi Vinashin thông báo xin hoãn trả nợ nhiều khoản trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, buộc các chủ sở hữu phải đồng loạt lên tiếng. Phó tổng giám đốc một ngân hàng “bật mí” Vinashin đã chịu trả lãi hàng năm cho số trái phiếu doanh nghiệp tiền đồng phát hành năm 2007 mà ngân hàng “trót” mua. Và thêm: “Nếu trái phiếu đồng nội tệ của Vinashin có giá 10.000 đồng trên mệnh giá 100.000 đồng, chắc chúng tôi liều mua”.


Thế mới biết nợ xấu cũng không kém phần hấp dẫn!

Theo Lưu Hảo (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh