Cổ phiếu SMC bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát
Công ty CP Đầu tư thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) - một hãng thép 36 tuổi tại TP.HCM, vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) báo cáo khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10/4.
Lý do là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của SMC là số âm và lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ trong 2 năm gần nhất (2022-2023) là số âm.
SMC giải trình, báo cáo khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát
Trong văn bản, hãng thép này cho biết lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2024 không khả quan với việc thua lỗ hơn 82 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 178 tỷ đồng.
Theo SMC, trong suốt 9 tháng đầu năm 2024, công ty tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình hình và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh việc thanh lý tài sản và các khoản đầu tư tài chính, bám sát diễn biến tình hình vĩ mô và ngành thép để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời tích cực và quyết liệt xử lý các khoản nợ đọng.
Tuy nhiên, thị trường thép trong nước và ngoài nước còn quá nhiều khó khăn, giá thép và nhu cầu tiêu thụ thép liên tục giảm mạnh, trong nước ngành bất động sản chưa thực sự ổn định nên ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Theo đó, lũy kế trong 9 tháng đầu năm, SMC ghi nhận doanh thu giảm mạnh 36%, đạt 6.748 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ở mức 6,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 586 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 khả quan hơn, chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh tài chính và chuyển nhượng tài sản mang lại. Tuy nhiên, lỗ lũy kế tính đến cuối quý 3 vẫn ghi nhận gần 147 tỷ đồng (đầu năm là 169 tỷ đồng).
Về lộ trình khắc phục tình trạng thua lỗ, ban lãnh đạo SMC cho biết sẽ tiếp tục tích cực thực hiện các giải pháp về kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2024 để đem lại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và khắc phục việc âm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Vướng nợ xấu từ loạt chủ đầu tư
Tại thời điểm 30/9/2024, BCTC thể hiện SMC đã trích lập dự phòng gần 560 tỷ đồng cho hơn 1.290 tỷ đồng nợ xấu.
Danh sách nợ xấu hãng thép này xuất hiện nhiều cái tên doanh nghiệp Bất động sản quen thuộc như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (441 tỷ đồng), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỷ đồng), Công ty TNHH The Forest City (132 tỷ đồng) và các đối tượng khác phải thu 480 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng
Ngoài ra, danh sách nợ xấu dài hạn của SMC còn có CTCP Hữu Liên Á Châu (17 tỷ đồng) và các đối tượng khác phải thu 3,6 tỷ đồng.
Thời gian tới, nếu công nợ vẫn chưa thể thu hồi được, SMC phải tiếp tục trích lập dự phòng thêm theo quy định.
Ngoài khoản nợ xấu trên, SMC cũng cho Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) nợ 105 tỷ đồng và hạch toán nợ xấu. Hai bên đã ký thỏa thuận thực hiện việc hoán đổi công nợ sang cổ phiếu.
Báo cáo tài chính của SMC ghi nhận tại ngày 30/9, khoản đầu tư vào cổ phiếu HBC có giá gốc gần 105 tỷ đồng, nhưng công ty phải trích lập dự phòng hơn 24 tỷ đồng, tương đương mức lỗ 23%.
Tuy nhiên, vận đen chưa buông tha doanh nghiệp thép này. Sau khi hoàn tất hoán đổi nợ sang cổ phiếu HBC thì mới đây, cổ phiếu này bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp.
Hơn 347 triệu cổ phiếu Hòa Bình hiện đang giao dịch trên sàn UpCom thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ ngày 18/9, giá tham chiếu 5.700 đồng/cổ phiếu.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của SMC đạt 5.075 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi ngắn hạn ghi nhận 158 tỷ đồng, hàng tồn kho ở mức 814 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản với hơn 1.400 tỷ đồng và hầu hết là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Tổng nợ phải trả của SMC tại thời điểm cuối quý 3 ở mức 4.271 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 2.400 tỷ đồng.
Năm 2024, SMC lên mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 13.500 tỷ và 80 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận năm.
-
Những chiếc vỏ container “made in Vietnam” tiêu tốn tới 2.200 tỷ đồng của ông chủ Hòa Phát
Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng vốn đầu tư tại dự án nhà máy sản xuất container Hòa Phát xấp xỉ 2.200 tỷ đồng, sau khi doanh nghiệp này rót thêm khoảng 300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay....
-
“Vua gỗ” một thời bị phong tỏa tài khoản ngân hàng, vừa góp vốn thành lập công ty sản xuất nội thất tại Bình Dương
Gỗ Trường Thành trước đó đã bị phong tỏa tài khoản ngân hàng do liên quan đến tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Doanh nghiệp này đã bị HoSE nhắc nhở vì chậm công bố thông tin trên.
-
Vừa báo lỗ hơn trăm tỷ, “ông lớn” thép Việt với gần 40 công ty con, công ty liên kết muốn thoái sạch vốn khỏi RedstarCera
VNSteel muốn bán toàn bộ 2,2 triệu cổ phiếu RedstarCera, tương ứng 20,05% vốn điều lệ với giá khởi điểm 57.358 đồng/cổ phiếu.