Hàng nghìn căn hộ tái định cư vẫn đang chờ có người dọn tới ở
Hơn 2.000 căn hộ bỏ không
Trả lời câu hỏi của Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) về tình trạng bỏ trống 2.056 căn hộ tái định cư (TĐC), UBND TP Hà Nội cho biết, có rất nhiều lý do dẫn tới thực trạng này.
Theo tổng hợp mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, TP hiện đã hoàn thành 149 tòa nhà chung cư với 12.109 căn hộ phục vụ TĐC. Hiện nay, TP đang tiếp tục triển khai 53 dự án với quy mô 14.310 căn hộ TĐC. Tuy nhiên, số căn hộ đã có người sử dụng chỉ đạt 10.465 căn hộ. Theo Sở Xây dựng, số căn hộ còn lại, TP đã bố trí cho các dự án trên địa bàn, trong đó, ưu tiên bố trí cho các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều không dùng hết số căn hộ này.
Đơn cử, dự án đường vành đai I (Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái) - 150 căn hộ tại khu Nam Trung Yên; dự án Cầu Nhật Tân - 500 căn tại nhà CT13-CT14 Nam Thăng Long, quận Tây Hồ mới bố trí cho dân vào ở 290 căn; dự án đường vành đai I (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) - 400 căn hộ, quận Đống Đa mới bố trí cho 50 hộ gia đình nhận nhà; dự án đường vành đai II, đoạn Cầu Nhận Tân - nút giao Cầu Giấy - 150 căn tại nhà CT13-CT14 Nam Thăng Long, quận Tây Hồ mới đang tổ chức cho các hộ bắt thăm, chưa có người ở; dự án đường 2,5 quận Hoàng Mai - 426 căn hộ, mới cho dân vào ở 300 căn. Như vậy, trên lý thuyết, dù quỹ nhà TĐC cơ bản đã dùng hết nhưng thực tế đưa vào sử dụng lại rất thấp vì GPMB ách tắc.
Theo giải trình của UBND TP Hà Nội, quy định tại Nghị định 197/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ, trước khi tiến hành GPMB, phải công bố công khai quỹ nhà TĐC và giá bán nhà TĐC cho các hộ dân. Do vậy, với các dự án lớn, việc chuẩn bị đủ quỹ nhà TĐC để công bố công khai trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là một khó khăn lớn đối với Hà Nội. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện GPMB của một số dự án trọng điểm còn chậm so với kế hoạch nên rất nhiều căn hộ TĐC đã giới thiệu cho các chủ đầu tư nhưng không được đưa vào khai thác sử dụng.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, các quận huyện, chủ đầu tư đăng ký nhu cầu sử dụng quỹ nhà TĐC rất lớn, mỗi năm trung bình khoảng 3.000 đến 4.000 căn hộ. Tuy nhiên, qua theo dõi, các dự án của thành phố mỗi năm chỉ sử dụng từ 1.000 đến 2.000 căn hộ, dẫn đến các căn hộ bố trí theo kế hoạch nhưng sử dụng không hiệu quả. Số lượng căn hộ bỏ trống, luôn trong tình trạng phải chờ người đến ở thường lên tới hàng nghìn căn.
Phải thay đổi cách điều hành
Về hướng giải quyết tình trạng nhà bỏ không, rất lãng phí, UBND TP cho biết, TP đã yêu cầu Ban Chỉ đạo GPMB rà soát tiến độ thực hiện GPMB của các dự án để cân đối bố trí quỹ nhà cho phù hợp, tránh hiện tượng nơi đã được bố trí quỹ nhà TĐC nhưng chưa sử dụng, nơi thiếu quỹ nhà TĐC để bố trí.
TP cũng chỉ đạo điều hành linh hoạt đối với quỹ nhà ở TĐC đã hoàn thành. Các dự án sau 12 tháng đã được bố trí quỹ nhà mà chưa sử dụng thì TP sẽ xem xét điều chuyển cho dự án khác. TP cũng sẽ rà soát, xem xét điều chỉnh chính sách TĐC, theo hướng bồi thường giá đất cho người bị thu hồi đất sát với giá thị trường, các hộ dân cũng mua nhà TĐC sát với giá thị trường. Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện để người dân chủ động lựa chọn mua nhà thuộc quỹ nhà TĐC do nhà nước xây dựng hoặc mua nhà ở kinh doanh tại các dự án trên địa bàn.
Mới đây, trong nhóm giải pháp nhằm cứu thị trường bất động sản, Chính phủ đã đưa ra phương án cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà TĐC, nhà ở xã hội để bán, cho thuê đối với người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức... đang có nhu cầu và phù hợp quy hoạch. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, một số doanh nghiệp đã có sẵn quỹ nhà cũng đang “chào hàng” TP. Tuy vậy, muốn mua được nhà cũng phải có quy chế chứ không thể nói mua là có thể giao dịch ngay.
Đây cũng là một lối thoát cho nỗi lo thiếu hụt nghiêm trọng nhà TĐC ở Hà Nội. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề vẫn là công tác điều hành. Nếu vẫn còn những chủ đầu tư chỉ biết “ôm” vào hàng trăm căn hộ rồi... để không từ năm này qua năm khác thì tình trạng nhà TĐC bỏ trống ở Hà Nội chưa thể chấm dứt.