Chưa bao giờ, hiện tượng đòi tiền góp vốn xây dựng chung cư trở thành “phong trào” như hiện nay. Rất nhiều chủ dự án bán nhà trên giấy, thu nhiều tỷ đồng nhưng không triển khai thực hiện.

Bài 1: Điêu đứng vì tiền đã nộp, nhà không xây

Ngày 18/11, khách hàng mua nhà dự án BrightCity (Hoài Đức, Hà Nội) đã chăng băng rôn, khẩu hiệu đòi tiền, đòi nhà tại diện tích đất được dành cho dự án này. Ngày 21/11, khách hàng lại tìm đến trụ sở doanh nghiệp đầu tư gặp người ký hợp đồng để đấu tranh đòi quyền lợi. Trước đó, hàng chục khách hàng của dự án CT1 Vân Canh, Hesco Văn Quán… cũng biểu tình với hình thức trên.

Chưa bao giờ, hiện tượng đòi tiền góp vốn xây dựng chung cư trở thành “phong trào” như hiện nay. Rất nhiều chủ dự án bán nhà trên giấy, thu nhiều tỷ đồng nhưng không triển khai thực hiện.

Nguy cơ mua nhà trên giấy

Anh Nguyễn Văn Quân có hộ khẩu thường trú tại xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang luôn canh cánh bên lòng với khoản tiền mua nhà đang có nguy cơ biến thành… mây khói.

Xuất thân trong gia đình nghèo, sau nhiều năm vừa học và làm, khi lập gia đình anh Quân vẫn phải thuê nhà sống tại Hà Nội. Mức thu nhập của hai vợ chồng 14 triệu đồng một tháng chỉ vừa đủ chi tiêu. Bởi vậy, năm 2009 khi sinh con, vợ anh phải ôm con về quê nương tựa vào ông bà. Mong muốn có căn nhà chung cư để ổn định cuộc sống, gia đình đã dồn toàn bộ tiền tiết kiệm là 380 triệu đồng và vay mượn thêm người thân 330 triệu đồng.

Khách hàng dự án BrightCity kêu cứu.

Anh Sơn dùng số tiền 710 triệu đồng ký hợp đồng vay vốn với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Thái Sơn (gọi tắt là Công ty Thái Sơn - đơn vị thành viên của Công ty CP Bất động sản AZ – AZ land), kèm theo quyền mua căn hộ 03, tháp A3, tầng 8, diện tích 100m2 tại dự án AZ CT2 Vân Canh. Mức giá anh Quân mua căn hộ này là 12 triệu đồng/m2 (360 triệu đồng theo hợp đồng) và tiền chênh là 350 triệu đồng. Việc mua bán được thực hiện vào tháng 7/2010, người đại diện ký bên B là ông Bùi Viết Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn.

Sau khi ký hợp đồng 9 tháng, dự án CT2 Vân Canh vẫn chưa triển khai (và đến nay cũng chưa triển khai), anh Quân liên tục đến Công ty Thái Sơn để hỏi về dự án. Đại diện Công ty AZ land đã tư vấn cho anh Quân thanh lý hợp đồng trên và chuyển sang đặt cọc đảm bảo ký Hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án BrighCity tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long - cũng trực thuộc AZ land). Tuy nhiên, để được chuyển sang dự án mới, anh Quân không những không được bù đắp lãi suất từ số tiền đầu tư ban đầu mà còn phải chịu thiệt hại 50 triệu đồng. Đổi lại, công ty này hứa sẽ cho mua nhà ở dự án này thấp hơn giá thị trường. Ngày 19/4/2012, anh Quân ký với Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long hợp đồng đặt cọc mua bán căn hộ của dự án BrighCity.

Ngày 19/10/2012 hết hạn đặt cọc, anh Quân yêu cầu công ty ký hợp đồng mua bán nhưng không được. Nghi ngờ tính khả thi của dự án, anh Quân yêu cầu công ty thanh lý hợp đồng và cũng không được đáp ứng.

Vậy là, số tiền 710 triệu đồng gom góp, vay mượn của anh Quân với hy vọng có nhà ở bỗng dưng như bị bốc hơi theo thời gian. Tới thời điểm này, không chỉ dự án BrighCity không triển khai xây dựng mà Dự án CT1 Vân Canh cũng để cỏ dại mọc cao lút đầu người. Còn gia đình anh thì vẫn mỗi người một nơi vì không có chỗ ở.

Chủ đầu tư “nuốt” cam kết

Gia đình ông Mai Quốc Huy ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng như ngồi trên đống lửa khi đưa số tiền hơn 6 tỷ đồng rót vào dự án BrightCity. Ông Huy cùng các em trong gia đình góp vốn mua một sàn gồm 12 căn hộ tầng 18 nhà B1 AZ Thăng Long. Tổng diện tích sàn là 968m2, giá thể hiện trên hợp đồng là 16 triệu đồng/m2, giá thu ngoài là 1,8 triệu đồng/m2. Tháng 12/2010, gia đình ông Huy đặt cọc ban đầu để xây dựng nền móng tòa nhà với tổng số tiền 6.388.800.000 đồng (30% giá trị căn hộ).

Sau thời gian 1 năm đặt cọc ban đầu và gia hạn 6 tháng, Công ty Thăng Long không làm đúng thỏa thuận như hợp đồng đã ký giữa hai bên nên gia đình đã đề nghị công ty cùng bàn bạc thanh lý hợp đồng. Theo phản ánh của ông Huy, nhiều lần tìm đến trụ sở công ty ông đều không gặp được người đứng đầu, cụ thể là ông Bùi Viết Sơn, Tổng Giám đốc AZ land, người ký tên trong hợp đồng đặt cọc góp vốn xây nhà của ông - “ông Sơn đã cố tình tránh mặt chúng tôi”.

Trả lời về yêu cầu thanh lý hợp đồng của khách hàng, ông Bùi Viết Sơn Tổng Giám đốc Azland đã ký văn bản giải thích lý do không muốn khách hàng thanh lý hợp đồng rằng: “Nếu quý khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng và các khoản tiền theo quy định của hợp đồng lúc này (tháng 11/2012) thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho công ty về tài chính, thậm chí có thể khiến cho công ty lâm vào tình trạng phá sản… Do vậy, yêu cầu của các khách hàng, chúng tôi chưa thể nào đáp ứng được trong lúc này”.

Ông Huy tâm sự: “Khi đặt tiền mua nhà, chúng tôi phải huy động tiền bạc của anh em, họ hàng người thân và ngoài ra phải vay tiền của ngân hàng, trả lãi hằng tháng”. Suốt gần 2 năm trời, cả dự án chỉ động đậy một chút phần móng rồi ngừng lại. Chẳng biết 3 năm hay 7 năm nữa dự án sẽ tiếp tục triển khai và bàn giao nhà. Bởi vậy, với số tiền quá lớn nộp vào dự án, cả gia đình ông Huy không thể ngồi yên được. Trước mắt, họ muốn công ty phải cùng ngồi thỏa thuận và trả trước cho các gia đình góp vốn số tiền lãi hằng tháng. Công ty muốn khách hàng chia sẻ khó khăn, nhưng vấn đề là số tiền khách hàng đầu tư vào một thời gian dài, thiệt hại của họ thì ai gánh chịu thay?

Trước đó, tại buổi làm việc với phóng viên Báo CAND vào tháng 9/2010 về dự án CT1 Vân Canh, đại diện Công ty AZ land đã giải thích lý do chậm triển khai dự án là do khó khăn về tài chính và cam kết sẽ tiến hành xây dựng vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, công trường xây dựng vẫn là một bãi cỏ hoang.

Cũng giống như ông Huy, anh Quân, rất nhiều khách hàng khác của dự án BrighCity, CT1 Vân Canh không thể chấp nhận sự thật trên. Họ cho rằng Công ty AZ land không đủ năng lực như vẫn lập dự án và thu tiền của khách hàng. Bởi vậy, sau nhiều lần không đòi được tiền, không gặp được người đứng đầu công ty, các khách hàng đã liên lạc với nhau cùng gửi đơn tố cáo tới cơ quan Công an.

Tiền bạc, sức lực, trí lực của các khách hàng mua nhà trên giấy đã bị các doanh nghiệp lợi dụng. Ai sẽ gánh chịu cho họ những thiệt thòi và rủi ro khi bỏ ra cả cơ nghiệp để mua nhà trên giấy? Luật sư Dương Thị Ngọc, Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội cho biết, theo Nghị định 02/2006/NĐ-CP ban hành quy chế khu đô thị mới thì việc sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai đầu tư để huy động, chiếm dụng vốn của người mua nhà dưới mọi hình thức là không được phép.

Theo Việt Hà (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.