09/06/2017 1:59 PM
Trong bối cảnh gia tăng các hoạt động khai thác cát và biến động của giá cát như hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần phải sử dụng công cụ thuế, phí môi trường một cách hiệu quả để hạn chế việc sử dụng cát cho san nền.
Sử dụng cho san nền 80%
Không thể phủ nhận, việc khai thác cát bữa bãi thời gian qua cũng như biến động của giá cát trong thời gian gần đây, có lỗi một phần ở nhận thức. Ai cũng biết cát là tài nguyên hữu hạn, thế nhưng việc tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên như thế nào thì chưa đưa ra được giải pháp kịp thời, phù hợp.
Chính vì vậy, trong việc sử dụng cát làm vật liệu san nền, làm đường… chúng ta hầu như chưa nhắc đến câu chuyện phải tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí hay phải sử dụng không đúng mục đích. Một trong những nguyên nhân ai cũng dễ nhận ra là vì giá cát quá rẻ, việc sử dụng cát cho các mục đích đều đạt hiệu quả mong muốn, đơn giản trong thi công, không gây tốn kém như các loại vật liệu khác.
Cần hạn chế sử dụng cát cho san nền.
Thời gian gần đây, giá cát tăng chung chứ không chỉ có riêng cát dành cho công trình xây dựng. Cát có mấy loại, cát nạo vét ở sông thường lẫn bùn sét nhiều chủ yếu dùng cho san lấp đường (cát ở những vùng như Đồng bằng sông Cửu Long). Một số loại cát khác khai thác gần khu vực cửa biển vì lẫn nước mặn cũng chỉ dùng để san lấp. Cát khai thác ở nước ngọt (miền Bắc), hay khai thác vùng thượng nguồn, giáp Campuchia là loại cát sạch, thường dùng trong các công trình xây dựng: đổ bê tông, xây tô…
Theo các chuyên gia, có đến 80% tổng số lượng cát hiện nay dùng cho công tác san lấp mặt bằng, đường xá giao thông, chỉ có khoảng 20% còn lại dùng cho các công trình xây dựng như đổ bê tông, xây tô. Như vậy, bài toán đặt ra nhắm đến việc hạn chế sử dụng cát trong san lấp mặt bằng, làm đường giao thông. Hay nói cách khác, chỉ nên sử dụng cát cho sản xuất bê tông và xây tô, còn san nền cần phải sử dụng loại vật liệu khác thay thế.
Điều tiết bằng thuế
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế, Ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9205:2012 cát nghiền cho bê tông và vữa. Viện Vật liệu Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên từ vài năm nay.
Bên cạnh đó, Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng to, xỉ, thạch cao của các nhà máy thủy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 cũng sẽ góp phần giải quyết vấn đề cung cấp vật liệu thay thế vật liệu san lấp truyền thống, trong đó sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than làm vật liệu san lấp cho công trình dân dụng, công nghiệp. Chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong san lấp cho công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và Tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật thi công nghiệm thu tro, xỉ, nhiệt điện làm vật liệu móng đường và đắp nền đường, dự kiến ban hành trong năm 2017 và 2018.
Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, lâu dài đối với các cơ quan quản lý nhà nước để hạn chế việc sử dụng cát, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế trong san lấp mặt bằng, làm đường giao thông, là sử dụng công cụ thuế, phí, lệ phí. Bởi, cho dù có đưa ra bao nhiêu vật liệu thay thế, nhưng một khi giá cát quá rẻ và việc khai thác cát quá dễ, lợi nhuận cao, thì cũng sẽ không xử lý triệt để được vấn đề.
Thuế tài nguyên môi trường và Thuế bảo vệ môi trường đối với các loại cát hiện nay quá thấp. Phí bảo vệ môi trường đối với cát vàng hiện nay từ 3.000-5.000 đồng/m3, cát trắng từ 5.000-7.000 đồng/m3. Mức thuế suất thuế tài nguyên đối với cát là 15%. Mức thuế đối với cát giữa hai thời điểm gần đây có tăng nhưng cũng không đáng kế. Phí bảo vệ môi trường đối với cát tăng khoảng 1.000 đồng/m3, mức thuế suất thuế tài nguyên tăng 4%/m3 so với trước.
Trong tương lai không xa, dòng sông Mekong bị chặn bởi nhiêu đập thủy điện từ đầu nguồn sẽ ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, cho nên không chỉ phù sa mà cát, sỏi từ lòng sông này (đang chiếm khối lượng lớn) đều đối mặt với nguy cơ bị cạn kiệt. Trong khi đó, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện tồn dư, không sử dụng lại đang có khối lượng rất lớn, cần các Bộ, ngành cùng vào cuộc nghiên cứu, tìm kiếm phương án xử lý, tiêu thụ.
Thanh Nga (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.