07/06/2017 1:35 PM
Việc các địa phương ra tay chặn nạn khai thác cát lậu hoành hành đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cát cho các công trình xây dựng lâu nay xài cát “ngoài luồng”, khiến giá cát bị đẩy lên. Giải pháp nào để không thiếu cát?
Công trình thi công Trường THCS Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre bị chậm tiến độ 1 tháng do không có cát lấp để tiếp tục các hạng mục tiếp theo - Ảnh: Mậu Trường
Theo nhiều người, về lâu dài, các nhà khoa học, Nhà nước tính toán đến việc nghiên cứu vật liệu xây dựng thay cát.
Cần tìm vật liệu thay thế cát
Trao đổi về hướng xử lý tình trạng giá cát tăng cao, ông Nguyễn Văn Thăm, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, cho biết sở đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh Bạc Liêu có ý kiến với Bộ Xây dựng để trình Chính phủ một số vấn đề.
Một là cho phép điều chỉnh đơn giá đối với các hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định.
Hai là chỉ đạo các địa phương có nguồn tài nguyên cát được cấp phép khai thác cát để bù lại lượng cát thiếu hụt trên thị trường, với điều kiện xác định được việc cấp phép đó không ảnh hưởng môi trường và không gây ra sạt lở.
Ba là chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu tìm vật liệu thay thế cát tự nhiên vì hiện nay nhiều nhà khoa học, viện, trường đã manh nha về việc này nhưng chưa đại trà trên thực tế.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Long An cũng cho biết sở đang tìm cách xoay xở các loại vật liệu thay thế cát ở các công trình giao thông, như có thể thay thế bằng đất sét. Nhưng vì nguồn đất sét nằm ở xa, việc vận chuyển để các công trình giao thông có nguồn vật liệu đủ và kịp thời để thi công cũng đang cần tính toán thêm.
Sử dụng cát nhân tạo là biện pháp hữu hiệu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Bá Việt - phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho rằng sử dụng nguồn cát nhân tạo là biện pháp hữu hiệu, lâu dài nhằm giải quyết vấn nạn thiếu hụt cát tự nhiên như hiện nay.
TS Việt cho biết các công trình xây dựng ở VN chủ yếu sử dụng cát vàng ở sông, suối chứ không phải cát ở trên núi hay cát nhân tạo. Trước đây nhiều doanh nghiệp của VN đã nhập cát từ Campuchia nhưng đến thời điểm hiện tại nước bạn cũng đã cấm khai thác cát tự nhiên.
Lãnh đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng phía Nam cho hay tình hình cát xây dựng đang nóng, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng loại đá nghiền hay còn gọi đá mi (kích thước 1-5mm) sàng sạch để đổ bêtông thay thế cho cát.
Ở phía Nam, đá nghiền được lấy từ các mỏ đá như Kiên Giang, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Các nước tiên tiến trên thế giới đa số dùng cát nhân tạo nghiền từ đá.
Ông Phạm Văn Bắc - vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết sản phẩm thay thế cát ngoài đá thì cát làm vật liệu san lấp trước đây, xỉ, phế thải cũng được nhiều doanh nghiệp xây dựng sử dụng. Ví dụ như thủy điện Sơn La thay thế 90% cát nhân tạo cho cát tự nhiên.
Ông Bắc cho rằng nguồn cát tự nhiên của VN chỉ là hữu hạn vì chủ yếu khai thác ở các dòng sông, nhưng nay nhiều đập thủy điện ngăn dòng chảy cũng đã làm sản lượng cát bồi đắp ít đi.
Theo ông Bắc, giải pháp tức thời trước việc thiếu hụt cát tự nhiên cần phải mạnh tay khuyến khích, ưu đãi giá thành hơn nữa trong việc sử dụng cát thay thế, đồng thời tăng cường quản lý về khai thác cát tự nhiên đúng so với quy định, đề án phê duyệt.
Cần phải tìm thêm nguồn vật liệu trong lấp trũng, tôn nền các công trình xây dựng, trong đó đặc biệt là ở ĐBSCL.
Sử dụng cát lãng phí
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các công ty xây dựng.
* Phó tổng giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM:
Đúng ra phải khuyến cáo nhiều năm trước
Từ trước đến nay, các nhà thầu hợp đồng với công ty cung cấp cát thường không ký hợp đồng dài hạn, cũng ít ràng buộc về nguồn cung cấp cát (buộc phải khai thác hợp pháp hay xuất xứ cát thuộc nguồn nào...).
Nhưng hai bên đều ngầm hiểu với nhau rằng nguồn cát từ những chỗ khai thác cát lậu, trái phép trên các sông rạch từ miền Tây đến miền Trung.
Đến khi cát khan hiếm, nhiều nhà thầu, chủ đầu tư phải tự chạy tìm nguồn cát để kịp tiến độ công trình chứ không thể “thúc thủ”. Chúng tôi còn khắc phục bằng cách giảm lượng cát, tăng lượng đá mi trong khâu trộn bêtông.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tính đến chuyện san lấp mặt bằng các công trình bằng đất để giảm lượng cát sử dụng trong công trình, giảm giá thành sản phẩm.
Theo tôi, đáng ra những biện pháp này phải được các nhà đầu tư tính toán và Nhà nước khuyến cáo từ nhiều năm trước chứ không phải đến bây giờ mới thực hiện. Đúng là lâu nay ngành xây dựng sử dụng cát khá lãng phí vì nguồn cung cấp cát quá dồi dào từ những nguồn cát lậu, cát trái phép.
* Ông Trần Văn Châu (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Chợ Lớn):
Quản lý chặt 
việc khai thác cát
Giá cát tăng làm ảnh hưởng lớn đến ngành xây dựng. Tuy nhiên, tôi ủng hộ chính sách của Nhà nước là phải quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, không cho khai thác lậu, núp bóng nạo vét như lâu nay vì việc này làm ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở, mất diện tích đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến người dân sống hai bên bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Về lâu dài, tôi nghĩ các nhà khoa học, Nhà nước tính toán đến việc nghiên cứu vật liệu xây dựng thay cát.
* Đại diện Công ty TNHH DV-TM-VLXD Bình Dương (tỉnh Bình Dương):
Giá cao nhưng cần 
bao nhiêu cũng có
Cát chỗ nào cũng tăng giá chứ không riêng gì cát của Công ty Bình Dương. Đây là tình hình chung khi Nhà nước siết lại việc quản lý khai thác cát. Đối với các công ty kinh doanh vật liệu xây dựng như chúng tôi, nhà cung cấp cát báo giá tăng, mình muốn lấy thì chấp nhận giá, họ giao hàng, không chấp nhận giá thì thôi.
Nếu mình chịu giá cao thì cần khối lượng cát bao nhiêu nhà cung cấp cũng có, nếu trễ cũng chỉ một ngày sau sẽ được bù chứ không bị đứt hàng.
D.N.HÀ ghi
Đề nghị Bộ Công an phối hợp xử lý 
nạn khai thác cát lậu
Đó là nội dung trong văn bản báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về thực hiện phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi trên địa bàn Đồng Nai do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh vừa ký.
UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với lực lượng công an các địa phương đấu tranh, xử lý nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn giáp ranh giữa Đồng Nai và các tỉnh thành khác.
Đồng thời, Đồng Nai cũng đề nghị Bộ GTVT dừng cấp phép mới cho các dự án nạo vét có tận thu khoáng sản trên sông.
A Lộc
Tuổi trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.