10/12/2020 9:20 AM
Có tỉnh mất cân đối thu chi nghiêm trọng đến mức phải xin "tạm ứng" từ Trung ương, song cũng có nhiều địa phương vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai... để hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu ngân sách.

Theo bản Báo cáo Ngân sách nhà nước dành cho công dân, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 đạt khoảng 1,323 triệu tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán (tỷ lệ 12,5%).

Liên tiếp tại các báo cáo định kỳ về thu chi ngân sách của ngành tài chính, các số liệu thống kê đều cho thấy sự sụt giảm trong thu ngân sách so với cùng kỳ 2019.

Tại báo cáo mới nhất về tình hình công tác 11 tháng của Bộ Tài chính , lũy kế thu NSNN 11 tháng ước đạt 1.067 nghìn tỷ đồng, bằng 84,4% dự toán, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, ở báo cáo định kỳ của Tổng cục Thống kê (GSO), tổng thu (NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2020 ước đạt 1.186,3 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 78,4% dự toán năm.

Thống kê cập nhật sau đó từ Tổng cục Thuế , tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng do ngành thuế quản lý ước đạt 1.083.275 tỷ đồng, bằng 86,4% so với dự toán, bằng 95,9% so với cùng kỳ.

Covid-19, thiên tai, dịch bệnh là những "từ khóa" liên tục xuất hiện trong báo cáo của các bộ ngành, địa phương khi đề cập đến những khó khăn, thiệt hại và kết quả không khả quan trong báo cáo kinh tế-xã hội của mình.

Nhiều địa phương "cán đích" thu ngân sách sớm

Thông kê sơ bộ cho thấy, dù đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, lũ lụt, tác động của đại dịch Covid-19, nhưng đây là những địa phương đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, trong đó có thu ngân sách địa phương.

Cụ thể, theo báo cáo từ Sở Tài chính An Giang, sau 11 tháng, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đã đạt 6.772 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2019.

Với Thừa Thiên-Huế, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và thiên tai, nhưng thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước đạt 8.455 tỷ đồng, vượt 11,2% so với dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa là 7.992 tỷ đồng (chiếm 94,5% tổng thu ngân sách), vượt 12,8% so với dự toán, tăng 1%, do nguồn thu tiền sử dụng đất tăng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 415 tỷ đồng, bằng 84,3% dự toán, giảm 13,6%.

Một địa phương khác là Bà Rịa-Vũng Tàu, dù nguồn thu từ dầu khí sụt giảm, tuy nhiên, dự kiến tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 76.400 tỷ đồng, bằng 100,47% dự toán.

Hai thái cực của bức tranh ngân sách năm 2020 - Ảnh 1.

Theo báo cáo từ Cục thuế một số tỉnh như Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Bình Dương... chỉ tiêu thu ngân sách các địa phương này sau 11 tháng đều đã hoàn thành và vượt dự toán đề ra.

Cụ thể, theo Cục Thuế Đồng Nai, 11 tháng năm nay, đơn vị thu ngân sách nhà nước được 37.501 tỷ đồng, vượt 5% dự toán pháp lệnh và tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Thuế Đồng Nai cho biết thêm, căn cứ theo tình hình thực tế và với quyết tâm của đơn vị, số thu NSNN cả năm nay ước thực hiện được khoảng 40.103 tỷ đồng, vượt 13% dự toán pháp lệnh và tăng 4% so với cùng kỳ.

Báo cáo thu ngân sách của Cục Thuế Long An cho thấy, đến ngày 30/11, đơn vị thu được 13.394 tỷ đồng, đạt 102,4% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 101,5% dự toán tỉnh giao, bằng 102,7% so với cùng kỳ.

Đối với nhiệm vụ công tác thuế trong tháng nước rút, Cục Thuế Long An cho biết đã đặt mục tiêu phấn đấu đến 31/12/2020 hoàn thành dự toán thu cân đối Bộ Tài chính và UBND tỉnh giao. Chỉ tiêu dự toán ngân sách được giao năm 2020 của Long An là gần 15,7 nghìn tỷ đồng.

Về Bình Phước, lũy kế 11 tháng cơ quan Thuế tỉnh này thu được 7.642 tỷ đồng, đạt 126% dự toán Bộ Tài chính giao. Trong đó, có 11/17 khoản thu đạt từ 91% trở lên so với dự toán tỉnh giao đã được điều chỉnh.

Nếu loại trừ khoản thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và lợi nhuận sau thuế thì 11 tháng thu được 4.711 tỷ đồng, đạt 103% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 91% dự toán tỉnh giao và bằng 107% so cùng kỳ.

Với tỉnh Bình Dương, sau 11 tháng, số thu NSNN là 40.578 tỷ đồng, đạt 90,1% so dự toán năm Bộ Tài chính giao và đạt 90% so dự toán thông qua HĐND tỉnh, bằng 103,4% so cùng kỳ.

Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương Nguyễn Minh Tâm cho biết, với đà thuận lợi trên cùng nhiều giải pháp quyết liệt trong thời gian còn lại của năm 2020, đơn vị vẫn kiên trì bám sát mục tiêu phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính giao 45.051 tỷ đồng.

Có tỉnh mất cân đối thu chi nghiêm trọng

Tuy nhiên, trong giai đoạn nước rút cuối năm, như BizLIVE đã đề cập tại bản tin trước , lần đầu tiên Việt Nam có tỉnh mất cân đối thu chi nghiêm trọng, cụ thể là hụt thu ngân sách lớn trong 2 năm liên tiếp và phải đề nghị Bộ Tài chính tạm cấp để bù đắp.

"Hiện nay, Quảng Ngãi đã mất cân đối thu-chi rất lớn, để tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Ngãi đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi trong cân đối của địa phương năm 2020, nhất là chi cho con người, an sinh xã hội, UBND tỉnh Quảng Ngãi kính đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, xem xét tạm cấp 80% kinh phí hụt thu cân đối năm 2020 cho địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi năm 2020 là 2.667 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm kinh phí thực hiện cách chế độ chính sách do Trung ương ban hành", văn bản số 5722 của UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Tại bản báo cáo đánh giá tính hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách địa phương năm 2020, những thống kê về giá trị thực hiện và tỷ lệ hoàn thành dự toán ngân sách của địa phương này đã phần nào phản ánh lý do Quảng Ngãi lâm vào cảnh mất cân đối thu chi.

Cụ thể, thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn trong năm 2020 ước đạt 15.250 tỷ đồng, ứng với 82,2% dự toán được HĐND tỉnh giao; chỉ bằng 72,8% so với cùng kỳ 2019.

Thu nội địa cả năm đạt 10.250 tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán HĐND tỉnh, 58% so với thực hiện 2019.

Đáng chú ý, khoản thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất ước đạt 4.150 tỷ đồng, bằng 58,4% dự toán và chỉ bẳng 41,1% so với mức thực hiện cùng kỳ 2019.

Hai thái cực của bức tranh ngân sách năm 2020 - Ảnh 2.

Trái ngược giữa "hai đầu tàu"

Theo thông tin mới công bố tai kỳ họp HĐND TP.Hà Nội, thu ngân sách của thủ đô năm 2020 ước đạt gần 280.000 tỷ đồng, đạt 100,2% so với kế hoạch và tăng hơn 30.000 tỷ so với số thu ngân sách thực hiện của 2019.

Trái ngược với Hà Nội, ước tính thu ngân sách của TP.HCM hết năm 2020 đạt 355.813 tỷ đồng, đạt 87,7% so với dự toán năm 2020, ứng với 86,73% so với cùng kỳ năm 2019.

Mới một năm trước đó, TP.HCM lập kỷ lục khi thu ngân sách đạt 409.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những khó khăn do Covid-19 đem tới thì theo lãnh đạo TP.HCM, tỷ lệ điều tiết, giữ lại ngân sách địa phương quá thấp (18%) chính là lực cản cho sự phát triển của thành phố này khi "đầu tàu" phía Nam không còn nhiều nguồn lực để đầu tư cho phát triển.

Một ví dụ để dễ so sánh, dự toán thu ngân sách hàng năm của TP.HCM cao gấp khoảng 1,5 lần so với dự toán thu ngân sách của Hà Nội, gấp 6,2 lần so với Hải Phòng, gấp 14,58 lần so với Đà Nẵng và gấp hơn 35 lần so với Cần Thơ. Trong khi đó, tỷ lệ điều tiết giữ lại của TP.HCM là thấp nhất trong 16 tỉnh thành có điều tiết về trung ương.

Một thông tin đáng chú ý khác, Đà Nẵng - "thành phố đáng sống" trực thuộc Trung ương, "thủ phủ" du lịch của miền Trung, địa phương từng 5 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lần đầu tiên trong lịch sử có mức tăng trưởng âm 9,77% và thu ngân sách thì dự kiến chỉ đạt khoảng 60%.

Là địa phương mà nguồn thu từ du lịch chiếm tỷ trọng lớn, việc giãn cách xã hội khi có dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng Covid thứ 2 xuất phát từ chính Đà Nẵng đã khiến tình hình kinh tế-xã hội của thành phố bị tác động nặng nề.

Điển hình, số lượt khách cơ sở lưu trú của Đà Nẵng phục vụ năm 2020 ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, đạt giảm tới 62,6% so với năm 2019. Trong đó khách quốc tế giảm 69,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng, đạt 52,6% kế hoạch, giảm 40,7%.

Theo Nghị quyết số 87/2019/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, có 16 địa phương tiếp tục có trách nhiệm điều tiết ngân sách giữ lại và phân bổ về trung ương với tỷ lệ giữ lại từ 18% (TP.HCM) tới 98% (Hải Dương).

Cụ thể, 16 địa phương có tỷ lệ điều tiết giữ lại lần lượt là TPHCM (18%), Hà Nội (35%), Bình Dương (36%), Đồng Nai (47%), Vĩnh Phúc (53%), Bà Rịa-Vũng Tàu (64%), Quảng Ninh (65%), Đà Nẵng (68%), Khánh Hoà (72%), Hải Phòng (78%), Bắc Ninh (83%), Quảng Ngãi (88%), Quảng Nam (90%), Cần Thơ (91%), Hưng Yên (93%), Hải Dương (98%).

Đây là những địa phương có số thu ngân sách hàng năm lớn, "có của ăn của để" hàng năm. Tính riêng 16 tỉnh, thành phố này chiếm tới hơn 80% số thu ngân sách hàng năm của 63 tỉnh thành. Trong đó, chỉ Hà Nội và TP.HCM đã có tỷ lệ gần 50%.

Các tỉnh còn lại có tỷ lệ giữ lại là 100%.

Tuấn Việt (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.