Tại Đại hội lần thứ III Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cuối tuần qua, các đại biểu đã chỉ ra hai "rào cản" đối với sự phát triển của thị trường bất động sản hiện nay là thiếu vốn và thiếu chính sách phù hợp.

Hai rào cản thị trường bất động sản

Hiện tại, cả nhà phát triển dự án, nhà đầu tư và người tiêu dùng đều thiếu vốn, thiếu tiền

Thiếu vốn

Theo bà Nguyễn Thị Loan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, tình hình thị trường bất động sản hiện không khả quan là do Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng, tỷ lệ tín dụng cho khu vực phi sản xuất phải giảm xuống 22% vào cuối tháng 6 và giảm còn 16% vào cuối năm nay. Đây là một trong những lý do quan trọng làm giảm nguồn tiền trên thị trường. Chính vì vậy, dự báo thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm khó có khả năng khởi sắc.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trường Bộ Xây dựng cho rằng, với thị trường tiền tệ - tín dụng, thị trường bất động sản là đầu ra lớn nhất, vì vậy những biến động của thị trường bất động sản lập tức tác động trực tiếp tới thị trường tiền tệ - tín dụng. Ngược lại, đối với thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ - tín dụng là nguồn cung vốn chủ yếu cho hoạt động đầu tư tạo lập bất động sản, cho nên những biến động của thị trường tiền tệ - tín dụng, lập tức tác động mạnh tới thị trường bất động sản.

"Không chỉ nhà đầu tư bất động sản khó triển khai dự án, mà ngay cả người có nhu cầu mua cũng khó thực hiện được mong muốn. Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không chỉ bị sức ép từ cả hai phía vốn đầu vào và tiêu thụ hàng hóa đầu ra, mà còn chịu thêm áp lực về thời hạn giải chấp các khoản vay đến hạn", ông Nam nói và khuyến nghị: "Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nên điều chỉnh cơ cấu kinh doanh, hướng mạnh vào phân khúc thị trường có khả năng thanh khoản cao là nhà ở có diện tích vừa phải, giá từ 500 triệu đồng đến trên dưới 1 tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường liên doanh liên kết để đầu tư dứt điểm từng phần của dự án để sớm thu hồi vốn, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, vật liệu mới để giảm chi phí đầu tư…".

Bà Loan cho rằng, nếu chủ đầu tư đưa ra thị trường những dự án tốt, có vị trí đắc địa, đáp ứng nhu cầu ở thực sự của người dân, giá cạnh tranh, thì những người có khả năng về tài chính sẽ mua để ở.

Theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Thủ Đức, giải pháp tạo nguồn vốn lành mạnh và lâu dài cho thị trường là làm sao để có nhiều dòng vốn cùng tham gia thị trường. Hạn chế vốn ngắn hạn, nhưng tạo cơ chế chính sách để các nguồn vốn trung và dài hạn tham gia thị trường ngày càng nhiều và ổn định. Chứng khoán hóa nguồn vốn cho bất động sản là một giải pháp thích hợp trong vấn đề này.

Thiếu chính sách phù hợp

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhìn nhận, cơ cấu hàng hoá của thị trường bất động sản còn thiếu cân đối. Theo thống kê, tỷ trọng nhà ở chung cư mới chỉ chiếm khoảng 4% tổng số nhà ở đô thị của cả nước. Bên cạnh đó, do sự đầu tư ồ ạt vào phân khúc nhà cao cấp thời gian trước đây, thị trường căn hộ cao cấp đang rơi vào tình trạng bão hoà, trong khi thị trường thiếu những gói sản phẩm phù hợp cho nhóm đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt là thiếu loại hình nhà ở cho thuê (loại hình nhà ở cho thuê hiện chỉ chiếm 6,5% tổng số nhà ở cả nước).

Ngoài ra, tiến độ triển khai các dự án bất động sản còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Mặc dù cơ chế chính sách đã được tháo gỡ, thủ tục hành chính được đơn giản hoá và công khai, nhưng tốc độ triển khai các dự án bất động sản vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Việc chậm triển khai các công trình hạ tầng xã hội, cung cấp dịch vụ trong các dự án đô thị mới, cũng như việc lựa chọn địa điểm để phát triển dự án chưa phù hợp cũng khiến người dân không mặn mà đến ở và hình thành đô thị như mong muốn.

Để xảy ra những hiện tượng trên là do trong một thời gian dài thị trường thiếu những chính sách phù hợp. Nhằm chấn chỉnh thị trường bất động sản, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, cần xem xét áp dụng một số biện pháp như: kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản; phát triển đa dạng cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở từ khâu quy hoạch cho đến chấp thuận chủ trương đầu tư và quản lý đầu tư theo quy hoạch; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án; tập trung nguồn lực đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm…

"Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như xử lý các vi phạm trong đầu tư và kinh doanh bất động sản, đảm bảo yêu cầu về tính minh bạch của thị trường để người dân tin tưởng và ủng hộ các nỗ lực quản lý thị trường", ông Quân nói.

Theo Minh Nhật (ĐTCK - Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.