2 năm vẫn chưa khởi công được vì thủ tục
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng chính các thủ tục hành chính nhiêu khê và tốn nhiều thời gian để hoàn thành là rào cản rất lớn để các doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội. Câu chuyện này không mới nhưng gốc rễ vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa tường tận.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty địa ốc Hoàng Quân, cho biết doanh nghiệp này hiện đã triển khai 18 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 3 dự án nhà ở công nhân với khoảng 16.500 căn nhà ở xã hội và 4.500 căn nhà ở công nhân. Riêng TP.HCM đang triển khai 5 dự án, trong đó có 2 dự án đã đi vào hoạt động. Qua thực tiễn hoạt động, ông Tuấn cho rằng trở ngại chính mà doanh nghiệp ông gặp phải đó chính là vấn đề thủ tục.
Hoàng Quân có 2 dự án nhà ở xã hội ở An Phú Tây (Bình Chánh) và ở Bình Trưng Tây (quận 2) đã có đầy đủ đất đai và thủ tục nhưng 2 năm nay vẫn chưa khởi công được vì thủ tục hành chính. “Với tốc độ thực hiện như hiện nay thì quy trình hoàn tất thủ tục đầu tư một dự án phải mất đến 2 năm chứ không thể thực hiện trong vòng 6 tháng như nhiều người vẫn nói”, ông Tuấn cho biết.
Tương tự, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, cái khó nhất của việc làm nhà giá rẻ là thủ tục hành chính. “Chúng tôi xin giấy phép làm nhà ở xã hội từ tháng 7/2016 đến nay vẫn chưa được duyệt. Đã có quyết định giao đất, đóng tiền sử dụng đất nhưng UBND TP.HCM lại hỏi bồi thường giải tỏa xong chưa”, ông Nghĩa nói và cho biết thêm, việc mất quá nhiều năm chỉ để hoàn thành thủ tục cho một dự án nhà giá rẻ khiến cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp không còn.
Để làm nhà giá rẻ tại TP.HCM không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cần có sự liên kết của các bên tham gia thị trường. Ảnh: Nguyễn Văn
Chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể
Ông Vũ Xuân Quang, chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, đơn vị chuyên nhà ở xã hội cho biết, chính sách chung của Chính phủ đã và rất ưu đãi, vấn đề còn lại là các bộ, UBND Thành phố và các cơ quan ban ngành cần sớm ban hành những thông tư hướng dẫn, các cơ chế chính sách rõ ràng hơn cũng như tiêu chuẩn quy phạm cho nhà xã hội.
Hiện nay, quy định mỗi địa phương dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhưng phân bổ như thế nào, giá giao đất ra sao chưa quy định. Quy chuẩn xây dựng nhà xã hội cũng chưa rõ ràng, cụ thể. Doanh nghiệp đang áp dụng theo suy luận chứ không phải văn bản chính thức.
Theo vị này, giá bán nhà ở xã hội phải được thẩm định và được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định giá đất đầu vào để làm nhà ở xã hội khi đưa vào giá bán chưa có hướng dẫn và chưa xác định được ngay trước khi dự kiến triển khai dự án. “Đây vẫn là ẩn số và rủi ro rất lớn cho các doanh nghiệp đang tham gia phát triển nhà ở xã hội”, ông Quang nói.
Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ quy hoạch, giảm lãi vay
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, để làm nhà giá rẻ tại TP.HCM không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cần có sự liên kết của các bên tham gia thị trường. Sở dĩ Bình Dương làm được nhà giá rẻ 100 triệu đồng là dựa trên những lợi thế có sẵn về quỹ đất và hạ tầng, chính 2 yếu tố này kéo chi phí ban đầu xuống thấp.
Ông Nguyễn Văn Đực, Tổng giám đốc Công ty Đất Lành cho rằng có thể làm nhà ở với giá 200 – 300 triệu đồng ở vùng ven nếu thành phố hỗ trợ về quy hoạch và giảm lãi vay ngân hàng.
Trong khi đó, ông Trương Anh Tuấn kiến nghị thành phố cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp một cách minh bạch và công khai để có thể liên kết trong chuỗi liên kết như xi măng, thép, gạch để có thể giảm chi phí đầu vào.
Bên cạnh đó cần có sự minh bạch trong việc đấu thầu, đấu giá cũng như hợp tác quỹ đất của thành phố để chọn ra nhà đầu tư tốt. Mặt khác cần có cơ chế để doanh nghiệp làm nhà ở xã hội với quy mô lớn để vừa giải quyết được bài toán về nhà ở xã hội vừa đảm bảo đầy đủ tiện ích cho người ở và giảm giá thành căn hộ.
Bà Phạm Thị Kim Xuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đệ Tam – doanh nghiệp đã làm dự án nhà ở xã hội tại Đồng Nai cho biết, làm nhà cho người nghèo phải tính từng li từng tí, từng m2 gạch và từng diện tích nhỏ.
“Phải gần 2 năm chúng tôi mới đưa ra được mô hình có thể tiết kiệm được tất cả mọi thứ về mặt chi phí và thiết kế xây dựng để làm ra được căn hộ có giá khoảng 200 triệu đồng với diện tích từ 30-35m2, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu 2 phòng ngủ, có lô gia để đảm bảo nhu cầu sinh sống thoải mái cho 4 người”, bà Xuân nói.
Tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho biết lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẽ cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện cơ chế chính sách. "Tôi đề nghị các doanh nghiệp, chính quyền thành phố, sở ngành phải ngồi trực tiếp để bàn cho ra vấn đề. Phải làm sao cho thủ tục hành chính tối đa không quá 6 tháng để dự án được triển khai. Cả chính quyền và doanh nghiệp cùng quyết tâm thì nhà ở xã hội sẽ thành công", Bí thư Thăng nói. |
-
Bí thư Thăng: Nhà giá rẻ của TP.HCM phải từ 40-60m2
CafeLand - Đó là ý kiến của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng tại Hội thảo nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ TP.HCM do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức sáng nay (27/02).
-
Tập đoàn Tuần Châu đề xuất xây siêu dự án 15.000 ha tại Củ Chi
CafeLand - Theo thông tin từ Hiệp hội bất động sản, ngày 24/1 Văn phòng Thành ủy đã có văn bản thông báo kết luận của Bí thư Đinh La Thăng tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố với Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh.