Theo cơ quan điều tra, đó là vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Theo báo cáo trình Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hồi tháng 4, Ban thường vụ Đảng ủy PVN giai đoạn 2009-2015 thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên dẫn đến nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, khó thu hồi với tổng số tiền rất lớn.
Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ 2009 - 2011, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những sai phạm của PVN trong giai đoạn này.
Theo đó, từ 2008-2011, PVN đã 3 lần thông qua góp vốn vào Oceanbank với tổng số tiền lên tới 800 tỷ đồng. Năm 2008, khi OceanBank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, PVN đã góp 400 tỷ đồng (tương ứng 20% cổ phần). Đến năm 2010, OceanBank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng, năm 2011 lên 4.000 tỷ, PVN góp thêm tương ứng 400 tỷ đồng nhằm giữ được tỉ lệ 20% cổ phần.
Đến ngày 31/3/2014, OceanBank có nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, lỗ ròng hơn 10.000 tỷ đồng và âm vốn 249% vốn chủ sở hữu. Tháng 5/2015, OceanBank đã bị NHNN mua lại với giá “0 đồng” đồng nghĩa 800 tỷ đồng cổ phần của PVN tại đây đã mất trắng.
Được biết, sau khi mua lại, Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng này bán cổ phần của OceanBank tại một số doanh nghiệp, thu hồi những khoản đầu tư không hiệu quả, bổ sung nguồn vốn đầu tư sinh lời cho ngân hàng trong bối cảnh hoạt động của OceanBank đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 21/11, tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) OceanBank đã đấu giá 4 triệu cổ phần tại CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PV-SSG), chủ đầu tư dự án Mỹ Đình Pearl với giá đấu thành công bình quân là 10.640 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 42,56 tỷ đồng. OceanBank chính thức rút khỏi Mỹ Đình Pearl.
Phối cảnh dự án dự án Mỹ Đình Pearl
Dự án Mỹ Đình Pearl, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có tổng diện tích 38.099 m2, gồm 2 tháp cao 38 tầng với 984 căn hộ. Đây là tổ hợp khách sạn, văn phòng và căn hộ.
Thực tế, dự án Mỹ Đình Pearl từ năm 2010 đến năm 2014 đã không phát sinh doanh thu. Tới năm 2015, PV-SSG mới ghi nhận khoản doanh thu 2 tỷ đồng đến từ dự án Golf Mỹ Đình Pearl và cho thuê mặt bằng.
Trước đó, vào tháng 3/2017, PVN cũng bán đấu giá toàn bộ 2,4 triệu cổ phần (tỷ lệ 4,8% vốn) tại PV-SSG mà PVN đang nắm giữ với giá khởi điểm 10.080 đồng/cổ phần cũng do nguyên nhân là tình hình kinh doanh của PV-SGG nhiều năm qua cũng kém hiệu quả.
PV-SSG được thành lập năm 2010 trên cơ sở hợp tác giữa PVN và Tập đoàn SSG, với năm cổ đông sáng lập và vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Các cổ đông của PV-SSG bao gồm PVN chiếm 6%, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) chiếm 25%, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) chiếm 10%, OceanBank chiếm 10%.
Vụ án thứ hai được nêu ra là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC)- công ty con của PVN liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào hồi tháng 4, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong việc ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ, chỉ định nhiều gói thầu không đảm bảo quy định của pháp luật...
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký hợp đồng EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tuy mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỷ đồng cho Ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Qua đó, cho PVC tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11/10/2011) là hơn 51,7 tỷ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi.
Đến thời điểm tháng 6/2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính tổng công ty đã ký với các nhà thầu phụ cho công trình này đã vượt giá trị hợp đồng EPC ký.