Dân đỏ mắt mong chờ
Theo ghi nhận thực tế của PV Tiền Phong những ngày đầu tháng 12, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 ở tỉnh Hà Nam vẫn trong trạng thái “ngủ say”. Xung quanh Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là khu nhà ở liền kề đang tấp nập xây dựng, hoàn thiện. Các khu đô thị Nam Châu Giang, River Silk City, các lô đất trên đường Lê Đức Thọ, đường Lê Duẩn… đều có nhà đang được xây dựng. “Nhiều khách sạn cũng vừa hoàn thiện để đón bệnh nhân từ bệnh viện, nhưng cả năm vẫn chưa thấy bệnh viện đi vào hoạt động”, nhân viên một khách sạn cạnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 nói.
Theo phản ánh của người dân, gần đây, hầu như không có hoạt động xây dựng ở cả 2 dự án bệnh viện. “Cứ bảo vài tháng khai trương, mà mấy năm rồi không thấy hoạt động”, một người dân ở gần khu vực xây dựng bệnh viện nói.
Theo quan sát của PV, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã cơ bản hoàn thành, còn hạng mục nhà chính vẫn đang thi công, có cẩu tháp, nhưng hầu như không có công nhân. Bên ngoài có 1 bảo vệ túc trực. Cách đó vài trăm mét là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (xã Liêm Tuyền, Phủ Lý, Hà Nam), trước cổng bệnh viện là bảng thông báo khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tạm thời ngừng hoạt động từ ngày 30/3/2020. Nhân viên bảo vệ ở đây cho biết, giờ muốn khám chỉ có thể lên cơ sở 1 tại Hà Nội, sau đợt dịch, khoa Khám bệnh nghỉ tạm thời, chưa có thông báo bao giờ hoạt động lại. “Ở đây chỉ có 5 bảo vệ thay ca nhau trông”, nhân viên bảo vệ nói.
Bà Đỗ Thị Nhung (50 tuổi, ở Vụ Bản, Nam Định) kể rằng, cuối năm 2018, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tổ chức khám từ thiện cho hơn 500 bệnh nhân. Thời điểm đó, ai cũng phấn khởi vì bệnh viện lớn đi vào hoạt động, giúp gia đình chăm sóc người nhà thuận lợi hơn, từ đây bắt xe về Nam Định cũng rất tiện. Tuy nhiên, sau lần khám đó, bệnh viện dừng tới tận cuối tháng 3/2019 mới hoạt động lại, gặp dịch COVID-19 lại tiếp tục dừng.
Nguyên nhân chậm tiến độ
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói rằng, Ban quản lý dự án y tế trọng điểm (Bộ Y tế) vẫn chưa bàn giao cơ sở 2 cho bệnh viện, do đó chưa có thông tin gì để phản ánh với báo chí. Khi được bàn giao, bệnh viện sẽ có phương án cụ thể về nhân lực đảm bảo khám chữa bệnh tại cơ sở 2.
Trước đó, tại Kết luận kiểm tra, Bộ KH&ĐT chỉ ra nguyên nhân khiến 2 dự án bệnh viện lớn có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng chậm tiến độ 3 năm so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các dự án được quản lý không theo loại hợp đồng đã được quy định (không theo hình thức tổng thầu EPC và cũng không theo mô hình truyền thống), gây nên nhiều khó khăn cho việc tổ chức quản lý, điều hành dự án. Các gói thầu được ký hợp đồng là dạng hợp đồng khung, nội dung chi tiết được triển khai theo các phụ lục và giá chi tiết hợp đồng được xác định sau khi có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về công tác đấu thầu của 2 dự án, Bộ KH&ĐT cho biết, từ năm 2014 - 2016 đã hoàn thành đấu thầu toàn bộ hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị xây dựng công trình của 2 dự án theo hình thức gói thầu hỗn hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức đấu thầu gói thầu hỗn hợp thiết kế và thi công, căn cứ mời thầu là tổng mức đầu tư nên nhiều nội dung còn sơ lược, chưa chi tiết, nhất là khối lượng xây dựng, điều kiện hợp đồng, mẫu hợp đồng dẫn đến khó khăn khi mời thầu, ký kết hợp đồng cũng như thực hiện hợp đồng.
Cuối tháng đưa 2 phòng khám vào hoạt động?Chiều 14/12, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Dự kiến, cuối tháng 12 này, hai phòng khám đa khoa thuộc cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai sẽ đi vào hoạt động, chậm nhất là tháng 1/2021. Hiện có hơn 40 trang thiết bị chuẩn bị sẵn sàng để lắp đặt, bàn giao ngay sau khi khu khám bệnh cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai hoạt động trở lại. Còn Bệnh viện Việt Đức sẽ cố gắng đấu thầu sớm, nhưng nếu chưa xong, chúng tôi sẽ yêu cầu chuyển thiết bị xuống để lắp đặt phục vụ người bệnh”. Hai phòng khám sẽ được lắp đặt đầy đủ thiết bị hoàn chỉnh, bao gồm các máy xét nghiệm, máy chụp X-quang, máy chụp cộng hưởng từ siêu âm... Khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay dẫn đến việc hai dự án này chậm tiến độ là việc thanh toán cho nhà thầu vẫn còn rất chậm, ông Sơn nói. Nếu thanh toán xong kinh phí thì thời gian hoàn thiện công trình theo các nhà thầu đưa ra là 3-6 tháng. Do đó, trước thời gian này, cả hai bệnh viện cơ sở 2 đều chưa thể hoạt động tất cả các khoa phòng. Thái Hà |
-
Hà Nam kêu gọi đầu tư dự án BT gần 300 tỉ
CafeLand - UBND TP. Hà Nam vừa có quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án: Đầu tư xây tuyến đường kết nối đường vành đai 4 (đường trục kinh tế phía Nam kết nối QL38 của TP. Hà Nội) với đường vành đai 5 (theo quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội) trên địa bàn tỉnh Hà Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT).
-
Hà Nam vừa có điều chỉnh gì tại dự án khu đô thị hơn 1.500 tỷ đồng?
Khu đô thị mới kết hợp chỉnh trang khu dân cư phía Đông Nam tổ dân phố Đôn Lương, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên có quy mô diện tích hơn 42ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng vừa được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư....
-
Hà Nam sắp có khu nhà ở hơn 400 tỷ đồng
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, trong đó 282 tỷ đồng dành cho công trình thương mại dịch vụ, 98 tỷ đồng cho nhà ở thương mại và 20 tỷ đồng cho hạ tầng.
-
Hà Nam có khu công nghệ cao hơn 663 tỷ đồng
Khu công nghệ cao Hà Nam được thành lập với diện tích hơn 663ha. Đây là nơi thu hút công nghệ cao trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện tử - bán dẫn, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới....