Cuối cùng những đồn đoán, nghi ngờ và suy diễn cùng những lời phủ nhận, biện minh cũng sắp kết thúc khi mà NHNN đã nhất trí về chủ trương cho Ngân hàng Habubank sáp nhập vào SHB.

Màn kịch: chối quanh và làm giá


Một cái kết đã được nhiều người dự đoán cho dù các bên liên quan ra sức phủ nhận có thể khiến giá hai cổ phiếu HBB và SHB vốn nóng bỏng trong thời gian vừa qua sẽ ổn định trở lại và vận động theo xu hướng chung của TTC K. Nhưng diễn biến như những màn kịch hay đã khiến không ít người có trí tưởng tượng phong phú đang vẽ ra thêm các kịch bản mới để hâm nóng hai cổ phiếu này.


Theo đó, cách đây ít ngày, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản nhất trí chủ trương cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).


Đây là văn bản mang tính chất bày tỏ ý kiến nhất trí về mặt chủ trương của một trong những cơ quan quản lý về vấn đề này, và không có nghĩa là văn bản chấp thuận cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước.


Với những nhà đầu tư lão luyện thì động thái này hoàn toàn không có gì bất ngờ, nhưng rõ ràng đối với những người chân ướt chân ráo bước vào TTCK hoặc những người lờ mờ về thị trường tài chính Việt Nam thì quả đây là một sự bất thường.


Habubank sáp nhập vào SHB: Sẽ còn nhiều cơn sóng?

Nó bất thường ở chỗ mới chỉ hồi giữa tháng 3/2012 các bên liên quan đã đồng loạt phủ nhận tin đồn rùm beng giữa SHB và Habubank, thì chỉ sau chưa đến 3 tuần sự việc lại diễn ra đúng như những gì mà một số báo chí và giới đầu tư đề cập.


Trong văn bản phúc đáp lại UBCK, đã Habubank khẳng định thông tin "SHB mua lại Habubank hay HBB sáp nhập và SHB" là chưa chính xác và không có cơ sở, làm ảnh hưởng tới uy tín và hoạt động bình thường của Habubank, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống NHTM và làm nhiễu thông tin trên TTCK. SHB cũng không hề nhắc đến Habubank trong công văn gửi UBCK và cho rằng đơn vị này luôn tuân thủ đầy đủ các quy định về công bố thông tin. Còn trước đó, chiều 13/3 NHNN cũng đã khẳng định thông tin SHB mua Habubank là không chính xác.


Trong công văn của mình, HBB đã làm một công việc là lên tiếng về tin đồn nhưng cách dùng từ "không chính xác và không có cơ sở" có thể khiến người đọc hiểu là: Thứ nhất, "không chính xác" không có nghĩa là không có, có thể là có nhưng mà chưa chuẩn. Thứ hai, "không có cơ sở" là chưa có bằng chứng cụ thể.


Còn về phần giải trình của mình, SHB hoàn toàn không đi vào vấn đề cụ thể. SHB không hề nhắc đến Habubank và cho biết ngân hàng đang trong quá trình tìm kiếm một vài đối tác để nhận sáp nhập vào SHB nhằm nâng cao tiềm lực, mở rộng quy mô, hướng đến trở thành một trong những ngân hàng hiện đại hàng đầu của Việt Nam và khu vực.


Cho tới thời điểm này, mọi việc đã khá rõ ràng khi NHNN nhất trí về chủ trương sáp nhập và yêu cầu hai bên cần tiến hành các thủ tục cần thiết để tiến tới việc sáp nhập thành công như: Tuân thủ Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/2/2010 của Thống đốc NHNN về việc sáp nhập ngân hàng; đồng thời, có trách nhiệm xây dựng phương án khả thi để báo cáo với NHNN.


Trước đó, cũng có một số diễn biến khá khác thường đối với hai ngân hàng này mà khiến giá cổ phiếu biến động mạnh như: kết quả kinh doanh thua lỗ quý IV/2011 hy hữu của HBB (chi phí trong kỳ tăng vọt trong khi các yếu tố khác ổn định); SHB ngày 2/3 được giao tăng tín dụng 17% năm 2012.


Việc thâu tóm, mua bán hay sáp nhập đều là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến túi tiền của mọi cổ đông. Cùng với xu hướng chung của TTCK, tin đồn sáp nhập vào SHB đã khiến cổ phiếu HBB khi đó đã được gần 100%. Thời điểm này, khi sự việc đã rõ ràng hơn, dường như các đội lái đang tìm những kịch bản mới để kéo các cổ phiếu lên và dìm cổ phiếu xuống để dễ bề kiếm lời?


Cơ hội và những cảnh báo


Không biến động tăng dữ dội như khi mới có tin đồn, cổ phiếu HBB của Habubank sáng 4/4 đón nhận thông tin chính thức từ NHNN nhưng chỉ tăng mạnh vào đầu phiên sau đó trở về trạng thái cân bằng hơn.


Nhiều người cho rằng, thông tin đã ra thì HBB và SHB không còn "vị" gì, thậm chí còn vẽ ra các kịch bản tệ hại. Trong khi đó, cũng có không ít người cho rằng hai cổ phiếu này, đặc biệt HBB sẽ còn tăng mạnh mẽ và chèo lái sự sôi động trên sàn chứng khoán HNX.


Các vấn đề được giới đầu tư mổ xẻ kỹ lưỡng nhất (mà theo đó có thể có những kế hoạch được các đại gia vạch ra để định hướng thị trường) là: Sáp nhập có thành công? có yếu tố ngoại xuất hiện không? Tỷ lệ sáp nhập là bao nhiêu? Vấn đề quy mô, tăng trưởng tín dụng sau sáp nhập, giải quyết nợ xấu...?


Habubank sáp nhập vào SHB: Sẽ còn nhiều cơn sóng?

Nổi bật nhất trên TTCK sáng 4/4 là tâm lý hào hứng và cổ vũ cho sự tăng giá của cả hai cổ phiếu HBB và SHB. Theo đó, sáp nhập chắc chắn sẽ thành công và khi đó vốn điều lệ của thực thể mới SHB+HBB sẽ tăng vọt, ngang ngửa với các ngân hàng cổ phần hàng đầu.


Theo nhiều nhà đầu tư, ngay kể cả hiện tại chưa sáp nhập HBB vẫn là một ngân hàng cổ phần không đến nỗi tệ. Hiện tại HBB được phân vào nhóm 3 với tăng trưởng tín dụng 8% trong năm 2012. Đây là một ngân hàng có lịch sử hoạt động lâu đời tại phía Bắc.


Thậm chí, theo một số người còn cho rằng, HBB vẫn thuộc loại rất hấp dẫn cho dù nợ xấu cao. Điều này được lý giải là bởi HBB chuyên cho vay tiền mua nhà. Khi thị trường bất động sản ấm lên thì nợ xấu sẽ được cải thiện rất nhanh, trái lại HBB sẽ ôm một mớ đất với giá bèo.


Với việc SHB được phân vào nhóm 1 và HBB nhóm 3, theo một số nhà đầu tư, khi HBB sáp nhập vào SHB thì tệ nhất cũng được hưởng nhóm 2 với tăng trưởng tín dụng 15%, còn không thì tự nhiên được hưởng lây chế độ của ngân hàng nhóm 1, với tăng trưởng tín dụng 17%.


Hơn thế, trong trường hợp cổ đông không đồng ý HBB sáp nhập với SHB thì kịch bản này vẫn được coi là tích cực. Theo đó, hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và đại gia trong nước đang thèm khát đầu tư vào ngân hàng. Do vậy, HBB sáp nhập vào SHB chưa chắc cổ phiếu đã tăng nhiều bằng không sáp nhập?


Ở chiều ngược lại, không ít nhà đầu tư cho rằng từ nay cho tới khi sáp nhập, giá cổ phiếu SHB sẽ giảm dần, trong khi HBB khó tăng nữa và cả hai sẽ đi theo nhịp của thị trường, không còn nóng nổi bật như trong thời gian vừa qua.


Lý giải về nhận định này, một số nhà đầu tư cho biết, bản thân SHB hiện tại có quy mô và quản trị cũng không hẳn tốt. Nếu phải mang trên vai HBB với quản trị được coi là kém hơn và nợ xấu nhiều, khó thu hồi thì không biết thực thể mới sẽ như thế nào.


Bên cạnh đó, vấn đề HĐQT mới với lo ngại về sự chia cắt, bè phái cũng được đặt ra. Thực tế, phương án sáp nhập mới chỉ dừng ở mức thỏa thuận giữa hai bên và có sự ủng hộ của NHNN. Để có thể thành hiện thực, hai bên cần phải xin ý kiến đại hội, cũng như xây dựng đề án khả thi để NHNN duyệt.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh