Làm sao hỗ trợ vốn tốt cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô- NHNN đang đứng trước áp lực từ nhiều phía
Hạ trần lãi suất - được, mất và gánh nặng của NHNNTrước diễn biến lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt trong những tháng gần đây, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hạ mặt bằng lãi suất. Việc đầu tiên là nhắm tới hạ trần lãi suất huy động dự kiến từ 14%/năm xuống còn 12%/năm, trên cơ sở dự báo rằng lạm phát năm 2012 chỉ ở dưới mức 10%/năm.

Vấn đề là hạ vào thời điểm nào không phải là câu hỏi dễ trả lời.


Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức khẳng định hiện tại chưa có chủ trương hạ trần lãi suất huy động. Thông điệp từ NHNN là tiếp tục theo dõi biến động của lạm phát, kinh tế để có quyết định lãi suất phù hợp, không vội vàng.


Xung quanh vấn đề này, hiện còn có nhiều ý kiến trái chiều.


Ủng hộ đề xuất hạ trần lãi suất, T.S Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, lạm phát trong thời gian vài tháng trở lại đây đã có dấu hiệu hạ nhiệt nên hạ trần lãi suất huy động là hợp lý. Theo ông Kiêm, đích mà chúng ta cần đạt được lúc này là việc làm và thu nhập cho người lao động. Đã đến lúc nên sớm giảm lãi suất huy động để tiến tới giảm lãi suất cho vay, vì với lãi suất cao như hiện nay thì sản xuất sẽ co cụm, hàng hoá khan hiếm, DN không thể làm ăn có lãi.


Được biết, đã có tới 48.700 doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc phá sản do phải chịu "tác dụng phụ" của chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao. Nhiều ý kiến cho rằng, con số sẽ không không dừng lại ở đó. Và, có vẻ như sự chịu đựng của hệ thống doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trước lãi suất vay vốn quá cao thời gian qua đã tới ngưỡng. Hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, đang lên tiếng kêu cứu rằng ngay cả vốn vay với lãi suất cao vẫn rất khó khăn, hầu như tất cả các ngân hàng đều không muốn cho vay.


Đồng tình quan điểm này, T.S Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ tạo nên những hiệu ứng tốt cho nền kinh tế. Doanh nghiệp tiệp cận vốn chi phí thấp, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.


Ngoài ra, theo T.S Trần Hoàng Ngân việc hạ lãi suất huy động sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn từ huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Đây là yếu tố giúp thị trường chứng khoán phát triển, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.


Quan điểm của ông Ngân là “lãi suất giảm càng sớm càng tốt”.


Bên cạnh các ý kiến ủng hộ hạ trần lãi suất thì cũng nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng hạ lãi suất huy động chưa chắc đã đem lại lợi ích như mong muốn.


Tại hội thảo “Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2012: Đâu là cơ hội”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế cao cấp khẳng định quan điểm: việc mở rộng tiền tệ và tín dụng hiện nay là chưa thích hợp. Việt Nam nên duy trì chính sách tiền tệ, tín dụng thắt chặt.


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, khó khăn là cơ hội để cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp. Thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, tài nguyên ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp phải thích nghi với xu thế này. Điều chỉnh sản phẩm, thị trường phù hợp với điều kiện mới. Doanh nghiệp nên áp dụng công nghệ thông tin để cắt giảm chi phí hành chính.


Ngoài ra, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên thảo luận tình hình thẳng thắn với toàn thể đội ngũ quản lý, thông báo đến từng người lao động để tranh thủ sự thông cảm, đồng thuận, phát huy sáng kiến, giải pháp. “Chấp nhận phẫu thuật, chịu đau để mạnh hơn”- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.


TS Phan Minh Ngọc (Khoa kinh tế Đại học Kyushu, Nhật Bản) cho rằng, trong bối cảnh nhiều bất trắc như hiện nay, dự báo về lạm phát dưới mức 10%/năm và kèm đó là động thái hạ lãi suất huy động xem ra là hơi lạc quan và quá sớm.


Trong bài viết với nhan đề “Quá sớm để hạ lãi suất huy động” mới đây, TS Phan Minh Ngọc phân tích: “Trong hoàn cảnh hiện tại với áp lực lạm phát còn lớn và kỳ vọng lạm phát còn cao, hành động hạ trần lãi suất huy động quá sớm - thực chất là một cách san sẻ cưỡng bức gánh nặng thua lỗ, khó khăn của giới doanh nghiệp và ngân hàng lên vai người gửi tiền - sẽ làm trầm trọng thêm làn sóng rút tiền gửi ở ngân hàng đầu tư vào những tài sản bảo toàn giá trị. Mục tiêu lạm phát dưới 10%/năm càng trở nên mong manh.


Không phải vô cớ mà Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới phát biểu hôm 3/12 vừa rồi rằng: "Lúc này vẫn còn quá sớm để Chính phủ Việt Nam đảm bảo sự tự tin với mục tiêu đưa lạm phát 2012 xuống một con số. Do đó, Chính phủ cần cẩn trọng xem xét kỳ vọng của mình có đạt được hay không".


Nhiều ý kiến cho rằng, với trần lãi suất hiện tại việc huy động vốn đã khó khăn, nếu hạ trần lãi suất thì các ngân hàng nhỏ không còn khả năng cạnh tranh huy động với các ngân hàng lớn. Như vậy thanh khoản ở những ngân hàng này sẽ càng khó khăn hơn nữa.


Hơn nữa lạm phát mặc dù có dấu hiệu giảm dần theo các tháng gần đây nhưng chưa thể hiện xu hướng bền vững, nếu như hạ lãi suất huy động sớm sẽ đưa ra “tín hiệu nới lỏng tiền tệ” không chính xác tới thị trường. Tại hội nghị các nhà tài trợ vốn cho Việt Nam, đại diện của WB cho rằng sự ổn định thời gian qua là “mong manh và các chính sách nới lỏng quá sớm sẽ khiến nền kinh tế quay trở lại tình trạng bất ổn”.


Như vậy, rõ ràng, NHNN đang đứng trước áp lực từ nhiều phía. Bất kể chính sách nào cũng có những tác dụng phụ buộc phải đánh đổi.


Duy trì lãi suất cao kiềm chế lạm phát, kiểm soát chặt chẽ tín dụng với lĩnh vực phi sản xuất là các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô.


Hạ trần lãi suất huy động hay chưa là quyết định khó khăn của NHNN hiện nay, làm sao vừa để hỗ trợ vốn tốt cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát 2012 dưới 10%.


Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố đang tính toán thời điểm và mức giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp ngóng chờ nhất hiện nay.

Theo Nhân Trí (VOV News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh