Vào ngày 7/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc chấn chỉnh thực hiện quy định mức lãi suất huy động bằng VNĐ và USD của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, xung quanh tín hiệu này đã có rất nhiều phản ứng trái chiều từ các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp,…
Ngay sau khi thực hiện trần lãi suất huy động 14%/năm theo quy định của cơ quan nhà nước, các Ngân hàng thương mại có vẻ như bắt đầu e ngại hơn khi những chế tài rõ ràng được tân Thống đốc tuyên bố với thái độ quyết liệt.
Theo các chuyên gia, việc giữ trần lãi suất 14% là rất cần thiết vào thời điểm này. Bởi duy trì trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ 14%/năm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17 - 19% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng là tổ chức và dân cư. Thông qua đó, việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay sẽ giúp các doanh nghiệp vốn đang chịu ảnh hưởng nặng của chính sách thắt chặt tiền tệ từ đầu năm, giảm bớt chi phí tài chính và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng sản xuất đình đốn.
Tuy nhiên, giới trong ngành tỏ ra khá lo lắng khi mức trần lãi suất tiền gửi được áp dụng, độ hấp dẫn vào kênh này chắc chắc sẽ giảm nhiều. Nếu như trước đây, với số tiền vài tỷ đồng khách hàng có thể thương lượng với Ngân hàng với mức huy động 16%, thậm chí 17% thì giờ đây họ chỉ nhận tiền lãi như khoảng tiền gửi vài trăm triệu đồng vào khoảng hơn 13%, miễn thương lượng và không có quà khuyến mãi. Vì vậy, giới trong ngành nhìn nhận rằng thời gian tới thị trường sẽ đón nhận lượng tiền lớn rút ra khỏi kênh đầu tư này.
Về phía doanh nghiệp, một số quan điểm cho rằng, dù cho việc giảm lãi suất được thực hiện nhưng việc tiếp cận vốn vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không hề dễ dàng do các ngân hàng thương mại sẽ tìm cách “lách” để gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Giả sử Ngân hàng Nhà nước “ép một cách cứng rắn” các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất 17%-19% thì các doanh nghiệp không hề có lợi bởi khi đó các ngân hàng thương mại sẽ tạo ra các phụ phí để thu nhập thêm. Đó là chưa kể đến việc thực tế thời gian qua, khi chính sách thắt chặt tiền tệ áp dụng, hầu hết các khoản vay tại ngân hàng chỉ dựa trên quan hệ cá nhân, quan hệ giữa doanh nghiệp lớn với ngân hàng,… Còn số phận những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận với các khoản vay, buộc họ phải đi vay chợ đen.
Ngay sau
khi thực hiện trần lãi suất huy động 14%/năm nhiều khách hàng đã bắt đầu để mắt tới các kênh đầu tư khác. Ảnh: Nguồn internet
Nhiều kênh hưởng lợi
Mặc dù xung quanh vấn đề chấn chỉnh thực hiện quy định mức lãi suất huy động về mức 14% tạo ra nhiều nhiều quan điểm trái ngược nhau nhưng lại nhen nhóm niềm tin dòng tiền sẽ đỗ vào các kênh đầu tư còn lại khi đã loại bỏ một đối thủ khá nặng cân.
Nếu như trước đây, việc gửi tiền ngân hàng được xem là một biện pháp sinh lãi khiêm tốn và là nơi trú ẩn an toàn đối với nhiều nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi thì giờ đây kênh đầu tư này bị “rớt hạng” bởi không còn đủ hấp dẫn. Thay vào đó nhà đầu tư sẽ để mắt hơn các kênh đầu tư còn lại.
Những người kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, định hướng giảm lãi suất cho vay có nhiều tác dụng tích cực. Trực tiếp nhất là giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, tăng khả năng vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, thị trường chứng khoán cũng sẽ gián tiếp được hưởng lợi. Tâm lý nhà đầu tư đã bớt bi quan hơn do kinh tế vĩ mô xuất hiện vài dấu hiệu tích cực, như lạm phát đang hạ nhiệt và với việc lãi suất giảm, nhà đầu tư kỳ vọng dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ trở nên tốt hơn.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng kỳ vọng là phần áp lực được giảm bớt cho doanh nghiệp, giúp giá thành, giá bán giảm, từ đó góp phần giúp việc tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn. Tuy nhiên để thị trường tiếp tục tăng điểm cần phải có một dòng tiền bền vững hơn.
Trong khi đó, nhóm kinh doanh bất động sản lý giải, nếu định hướng hỗ trợ trên biểu hiện tác dụng tích cực, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 2 quý cuối năm sẽ tốt lên. Vì vậy, không chỉ riêng chứng khoán mà bất động sản cũng được hưởng lợi tương tự. Bởi việc yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động tiền đồng 14%/năm, dòng tiền gửi tiết kiệm chắc chắn sẽ dao động do lãi suất bị thu hẹp và người dân sẽ xem xét lại việc lựa chọn kênh đầu tư.
Hiện tại, giá bất động sản đã giảm mạnh so với trước đây và đang hướng vào những người có nhu cầu thực thực sự. Thêm vào đó, nhiều chủ đầu tư địa ốc đã bắt đầu quan tâm hơn đối với khách hàng của mình bằng việc khuyến mãi, hỗ trợ vay vốn, kéo dài thời hạn thanh toán,… đã tạo sự hấp dẫn hơn cho người mua.
Đối với thị trường vàng, giới trong ngành cho rằng, việc lãi suất tiết kiệm tăng hay giảm vài phần trăm cũng không ảnh hưởng nhiều mà chủ yếu dòng tiền vào thị trường này phụ thuộc nhiều vào biến động của giá vàng thế giới và trong giai đoạn hiện tại chủ yếu là dòng tiền đầu cơ.
Còn đối với ngoại tệ, do Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tuân thủ chặt trần lãi suất huy động USD (2%/năm đối với cá nhân) nên tạo ra một khoảng chênh lệch lãi suất tương đối lớn giữa USD và VNĐ. Do vậy, dòng tiền vào kênh này chỉ có thể tăng do nhà đầu tư mong chờ vào thay đổi tỷ giá.
Theo dự báo, tỷ giá sẽ là vấn đề của các tháng cuối năm do các khoản vay ngoại tệ đáo hạn, xa hơn là sức ép từ cán cân thanh toán và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) suy giảm.
Theo nhiều chuyên gia, thời điểm này đang là giai đoạn khó khăn chung của mọi nền kinh tế, các doanh nghiệp cần phải xác định tự đương đầu với khó khăn bằng việc tìm những giải pháp để vượt khó như: Tiết kiệm chi tiêu, thu hẹp sản xuất, cơ cấu lĩnh vực đầu tư,… thay vì trông chờ vào lãi suất giảm.
Bởi dẫu biết rằng, hạ lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua cơn khó khăn nhưng cần phải hiểu lãi suất không phụ thuộc vào ngân hàng, doanh nghiệp, nhà nước… mà phụ thuộc vào bối cảnh của nền kinh tế.