Nhiều máy móc đã được tập trung để triển khai thi công dự án dù nhà máy mới trong giai đoạn... xin chủ trương.
Ngang nhiên thi công dù chưa được cấp phép
Dự án nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đầu tư xây dựng tại Cụm công nghiệp Cổng Khánh 2 (nằm bên đường tránh thị xã Hồng Lĩnh, thuộc TDP8 phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh).
Dự kiến, nhà máy có công suất 50 triệu lít/năm, được xây dựng trên diện tích 30 ha với tổng vốn đầu tư gần 1.120 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất. Khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động. Theo kế hoạch vào tháng 3/2020, nhà máy sẽ sản xuất mẻ bia đầu tiên.
Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa có bất kỳ một hồ sơ pháp lý nào của cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhưng chủ đầu tư đã tập trung máy móc, hình thành lán trại, triển khai thi công một cách rầm rộ.
Đặc biệt, ở phía trong sát chân núi Hồng Lĩnh, một diện tích cả ngàn m2 được đào sâu xuống khoảng 3m. Mặt nền đã được láng xi măng, đang được doanh nghiệp tiến hành đan thép để đổ bê tông làm đế lò hơi.
Trước sự việc trên, ngày 10/7/2019, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có văn bản số 141/PTQĐ-QLQĐ đề nghị chấm dứt các hoạt động trái phép trên đất.
Khu vực diện tích rất lớn đã được nhà máy này tiến hành đổ đất san gạt mặt bằng.
Văn bản chỉ rõ: “Khu đất của Công ty Cổ phần xây dựng đường bộ số 1 Hà Tĩnh (khu chế biến đá) tại phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh được UBND tỉnh thu hồi, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Tĩnh quản lý tại Quyết định số 877/QĐ-UBND ngày 3/4/2018.
Ngày 9/7/2019, qua kiểm tra hiện trường khu đất, Trung tâm Phát triển quãy đất Hà Tĩnh thấy trên khu đất hiện có 3 máy đào đang san gạt mặt bằng và 2 lán trại tạm (thùng container) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn.
Khu đất này hiện đang giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Tĩnh quản lý, chưa giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn. Vì vậy, đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn chấm dứt các hoạt động nói trên, đổng thời di chuyển các máy móc, thiết bị ra khỏi khu đất”.
Tiếp đó, ngày 18/7/2019, Thanh tra Sở Xây dựng có văn bản số 30/BB-VPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với Công ty CP Thương mại dịch vụ Nga Sơn, thuộc tập đoàn Hoành Sơn.
Văn bản ghi rõ: “Tại thời điểm kiểm tra đã lắp đặt nhà điều hành, lán trại, tập kết các thiết bị máy móc và đang thực hiện thi công san gạt nền. Kết quả như sau:
Tổ chức thi công khi chưa đủ điều kiện khởi công; chưa xuất trình các hồ sơ liên quan đến quá trình thi công xây dựng, không có giấy phép xây dựng. Thanh tra Sở yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm nói trên”.
Buông lỏng quản lý hay bao che doanh nghiệp?
Ngày 23/9/2019, UBND phường Đậu Liêu đã lập biên bản đối với ông Nguyễn Cẩm Kỳ và ông Đặng Hồng Phương, hai người đang điều khiển máy xúc và máy ủi phục vụ công việc san gạt mặt bằng nhưng không xuất trình được giấy phép liên quan.
Cẩu thép chở vào khu đất phục vụ công trình.
“Tại khu vực kiểm tra, diện tích san gạt mặt bằng khoảng 1.000m2, và tiến hành xúc đất với số lượng khoảng 1.500m3”, biên bản viết.
Phản ánh với PV Infonet, ông Nguyễn Xuân H., trú TDP4 phường Nam Hồng bức xúc: “Một công trình với quy mô lớn, được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đang trong giai đoạn xây dựng hồ sơ, chưa có hợp đồng thuê đất, chưa được giao đất thực địa, chưa cấp phép xây dựng mà đã thi công rầm rộ. Phải chăng đây là một doanh nghiệp lớn, có mối quan hệ rộng nên coi trời bằng vung, bất chấp luật pháp?”.
Còn ông Bùi Mạnh T., trú TDP8 phường Đậu Liêu khẳng định: “Mặc dù UBND phường đã tiến hành lập biên bản đình chỉ, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã vào cuộc đề nghị chủ đầu tư dừng tất cả mọi hoạt động để hoàn thành thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phớt lờ trước sự bất lực của các cơ quan chức năng”.
“Có thể thấy rằng, một là sự buông lỏng trong quản lý nhà nước của chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, hai là sự bao che, chống lưng của một số cán bộ có thẩm quyền đối với doanh nghiệp?”, ông T, nhấn mạnh.
Ông Bùi Chiến Thắng, Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu cho biết, hiện phường chưa nhận được bất kỳ văn bản nào do cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Phường đã hai lần lập biên bản đình chỉ các hoạt động trái phép nói trên.
Một cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị thị xã Hồng Lĩnh thẳng thắn: “Tất cả các công trình dù to hay nhỏ, dù của tư nhân hay nhà nước, khi triển khai trên địa bàn thì phải chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực đầu tư xây dựng. Phải có hồ sơ thiết kế, quy hoạch, giấy phép được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được thi công”.
Trao đổi với PV Infonet, ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Mấy tháng trước danh nghiệp có tiến hành san gạt, cất bốc mộ, nên Ủy ban thị xã đã có văn bản phê bình và cấm. Khi chưa có quyết định của tỉnh thì tuyệt đối không được triển khai, kể cả được sự thỏa thuận của các hộ dân”.
Khoảng 20 nhân công đang tiến hành đan thép để đổ đế lò hơi.
“Đây là một dự án có thể đem lại hiệu quả rất lớn cho địa phương. Ba tháng trước, khi trình dự án nhà máy bia thì do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Tuy nhiên, để thành lập cụm công nghiệp trong đó có nhà máy bia thì lại do Sở Công thương chủ trì, thông qua và được các sở, ngành đồng ý”, ông Tuấn nói thêm.
Cũng theo ông Tuấn, cách đây 2 tuần, Ban cán sự UBND thị xã Hồng Lĩnh họp rồi trình Thường vụ Tỉnh ủy. Sau đó, Thường trực họp rồi báo cáo Thường vụ nhất trí chủ trương thực hiện dự án. Khi nhất trí rồi, Ủy ban về thực hiện thì lại giao cho các sở trình lại, và đặt ra vấn đề thẩm quyền ai ký. Cụm Công nghiệp thì Phó chủ tịch ký, còn liên quan đến nhà máy bia thì Chủ tịch ký.
“Đành rằng, chính quyền phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên phải tuân thủ quy định của pháp luật, nếu sai là phải xử lý”, ông Tuấn nói.
PV Infonet đặt vấn đề, sau khi UBND thị xã Hồng Lĩnh có văn bản cấm thì doanh nghiệp có chấp hành không? Ông Tuấn cho rằng, họ (doanh nghiệp) đã ngừng ngay sau đó.
Tuy nhiên, khi PV cho xem những hình ảnh về hiện trường với khoảng 20 nhân công đang tiến hành đan thép để đổ bê tông làm đế lò hơi, thì ông Tuấn tỏ vẻ... ngạc nhiên và rút máy điện thoại gọi cho doanh nghiệp, yêu cầu chấm dứt, chờ hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trao đổi với chúng tôi về việc này, một luật sư ở Hà Tĩnh cho hay: Lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh trả lời như thế là không thuyết phục. Bởi lẽ, các sở, ngành của tỉnh phụ trách chuyên môn theo từng lĩnh vực, còn địa phương phải quản lí tổng thể.
"Với những gì đang diễn ra, dư luận sẽ cho rằng chính quyền thị xã Hồng Lĩnh đã buông lỏng quản lý và "đổ vấy" cho các cơ quan ở tỉnh kéo dài thời gian phê duyệt hồ sơ nên địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp "cầm đèn chạy trước ô tô", vị luật sư này nói.
-
Hà Tĩnh sắp khởi công tuyến đường gần 1.500 tỷ đồng giao quốc lộ 15B
Dự kiến cuối năm nay, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng sẽ khởi công, tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng ven biển cho khu vực huyện Thanh Hà nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung....
-
Hà Tĩnh phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh hơn 2.000 ha
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tỷ lệ 1/2.000.
-
Hà Tĩnh: Quy hoạch phân khu đô thị Kỳ Nam gần 1.800 ha với tính chất là khu vực dân cư đô thị văn minh, hiện đại
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tỷ lệ 1/2.000.