Ông Nguyễn Ngọc Biếm ở xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã đấu giá thành công một lô đất từ năm 2005 và được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, khi có ý định làm nhà thì ông mới biết mảnh đất của mình đã bị chính quyền cấp lại cho người khác.

Đất “chính chủ” bị xã cấp lại cho người khác

Vào năm 2005, ông Nguyễn Ngọc Biếm tham gia đấu giá thành công quyền sử dụng lô đất số 25 tại vùng Nương Hào thuộc xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh). Theo quy hoạch, mảnh đất của ông có một phía tiếp giáp quốc lộ 1A, còn một phía giáp đường liên thôn.

Sau khi đấu giá thành công, ông được UBND huyện Kỳ Anh cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 215238 với diện tích 160m2, mục đích sử dụng làm đất ở lâu dài.

Ông Nguyễn Ngọc Biếm bên mảnh đất bị cấp lại cho người khác.

Đến đầu năm 2018, khi ông có ý định xây cất nhà trên mảnh đất đấu giá này thì mới bàng hoàng phát hiện trên mảnh đất của mình đã mọc lên một ngôi nhà kiên cố từ lúc nào. Quá bức xúc, ông Biếm đã phản ánh lên chính quyền xã Kỳ Giang và huyện Kỳ Anh nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết.

Theo tìm hiểu của Infonet, vị trí đất vốn của ông Biếm, theo sơ đồ đã được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Đức Lập và bà Nguyễn Thị Lý, trú tại xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào năm 2010. Như vậy, chỉ sau 5 năm cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng cho ông Lập, chính quyền lại cấp cho một hộ dân khác mà chủ nhân sở hữu không hề hay biết.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Ngọc Biếm cấp năm 2005
trên sơ đồ thể hiện đất giáp hai mặt đường.

Một vấn đề đặt ra là vì sao đất vốn đã được ông Biếm đấu giá thành công, đã được cấp Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất, nhưng sau đó ông Lập lại “thế chỗ” và xây nhà trên đó?

Được biết, thời điểm năm 2010, lúc được cấp đất, ông Lập vốn đang giữ chức Trưởng công an xã Kỳ Giang. Theo hồ sơ, ông Lập được cấp đất làm nhà ở theo diện nguyện vọng của cá nhân.

Tuy nhiên, có một điều khá vô lý là ngày 10/4/2010, ông Nguyễn Đức Lập mới có đơn xin cấp đất, nhưng lại được ông Đinh Ngọc Viết, Chủ tịch UBND xã thời đó xác nhận và đề nghị huyện Kỳ Anh cấp đất vào ngày 5/4/2010?

Hơn nữa, ngay trong khu vực đất quy hoạch này, mỗi miếng đất đấu giá chỉ có diện tích 160m2, còn riêng ông Lập được cấp theo nguyện vọng cá nhân thì diện tích lên đến 250m2?

"Nếu xã giải trình không thỏa đáng sẽ yêu cầu thanh tra vào cuộc"

Trước những phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Biếm, ngày 4/6/2018, ông Nguyễn Tiến Nghị, Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang ký Thông báo số 25/TB-UBND để giải thích về vấn đề này.

Năm 2010 ông Nguyễn Đức Lập được cấp đất trùng với đất
ông Nguyễn Ngọc Biếm.

Theo thông báo trên, lô đất của ông Biếm nằm bên cạnh lô đất hiện tại theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn lô hiện tại trùng với sơ đồ của ông Biếm là đất ông Lập. Vì trong quá trình làm hồ sơ do thiếu kiểm tra nên cán bộ địa chính xã đã làm sai lệch về phần giáp ranh. Theo đó, đất của ông Biếm một phía không còn bám trục đường liên thôn, thay vào đó là đất ông Lập.

Theo ông Biếm điều này hết sức vô lý. “Bởi vì khi chính quyền tổ chức đấu giá quyền sử dựng đất, tôi đã cố tình đấu lô đất có hai mặt đường này. Tại thời điểm đấu giá, những lô đất một mặt đường có giá khởi điểm là 40 triệu đồng. Tuy nhiên, lô đất này do có hai mặt đường nên giá khởi điểm lên đến 48 triệu đồng. Chưa kể việc giáp hai mặt đường rất nhiều người tham gia đấu, để có nó tôi đã phải bỏ ra số tiền cao hơn nhiều so với giá khởi điểm”, ông Biếm bức xúc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Diễn, trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Kỳ Anh cho biết: “Hiện chúng tôi cũng đã nắm được sự việc, đang yêu cầu xã giải trình. Chúng tôi cũng đã yêu cầu xã cung cấp bản đồ quy hoạch khu vực Nương Hào này, tuy nhiên xã báo lên là bản đồ quy hoạch đã bị mất” .

Ông Diễn cho biết thêm, nếu xã không tìm được hồ sơ quy hoạch và có giải trình thỏa đáng thì huyện sẽ yêu cầu thanh tra vào cuộc để làm rõ vụ việc.

  • Hà Tĩnh: Lãng phí những công trình chục tỉ tại các khu tái định cư

    Hà Tĩnh: Lãng phí những công trình chục tỉ tại các khu tái định cư

    Các công trình trường học, trụ sở UBND xã, trạm y tế xây dựng tại một số khu tái định cư (TĐC) ở Hà Tĩnh để phục vụ cuộc sống người dân thuộc diện phải di dời. Thế nhưng, lộ trình và số hộ dân di dời thực tế không đúng theo kế hoạch khiến các công trình xây lên đã 5 - 7 năm nay mà vẫn bỏ hoang nên xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí hàng chục tỉ đồng tiền ngân sách.

Đình Chuân - Mai Nguyễn (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: Ha Tinh, so do