22/01/2018 10:10 PM
Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế để thực hiện cải tạo từng khu tập thể riêng lẻ.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu vực tập trung và hơn 300 khu chung cư cũ ở các nơi riêng lẻ. Các chung cư này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đang trong tình trạng xuống cấp. Việc cải tạo, nâng cấp các khu chung cư đã được đặt ra từ lâu. Nhưng trong 10 năm nay, thành phố Hà Nội chỉ cải tạo được 14 chung cư cũ.

Quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan đến thỏa thuận đền bù, tái định cư giữa chủ dự án và người dân đang sinh sống tại các khu tập thể. Hầu hết những người dân sống trong những khu tập thể cũ nát, ẩm thấp này mong muốn được cải tạo lại và tái định cư tại chỗ.

“Gia đình tôi chờ dự án cải tạo lại khu tập thể này đã rất lâu rồi, khi thỏa thuận có những gia đình đòi hỏi hơi cao với mức giá chủ đầu tư đưa ra. Tuy vậy, tôi nghĩ là cần phải tạo điều kiện cho chủ đầu tư để họ làm lại khu chung cư mới” - bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở khu tập thể Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội nói.

Hơn 1.500 chung cư cũ của Hà Nội cần được cải tạo xây dựng mới (Ảnh: báo Xây dựng)

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cho biết, thành phố vừa thực hiện xong việc kiểm đếm hơn 1.500 chung cư cũ để phân loại theo từng cấp độ.

Trong 4 khu tập thể xuống cấp ở cấp độ D, cấp độ cực kỳ nguy hiểm có chung cư C8 Giảng Võ, Khu tập thể G6A Thành Công, chung cư Ngọc Khánh, chung cư của Bộ Tư pháp… Để đảm bảo an toàn cho người dân, thành phố đã tổ chức di dời khẩn cấp và bố trí tạm cư cho 50 hộ dân ở những chung cư này.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế để thực hiện cải tạo từng chung cư riêng lẻ, thay vì phải lập dự án cải tạo toàn khu như trước đây. Trong 28 chung cư cũ mà thành phố mời gọi doanh nghiệp cải tạo và xây dựng mới, đã có 18 nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội tập trung chủ yếu ở các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Đây là những quận có dân số cao gấp đôi so với dân số quy hoạch đã được phê duyệt. Trong khi đó, quy định của pháp luật là phải giữ mức dân số theo quy hoạch, thậm chí các quận nội thành còn phải giảm quy mô dân số. Đây là một khó khăn đối với các nhà đầu tư vì không tăng mật độ dân cư và hệ số sử dụng đất lên thì nhà đầu tư khó thu hồi vốn.

Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết: “Việc cải tạo chung cư cũ phải đạt được mục tiêu là đảm bảo quyền lợi chung của người dân, của Nhà nước và của doanh nghiệp. Nhà nước cũng phải tính phương án hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thu hồi vốn”.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, để công tác cải tạo chung cư cũ có hiệu quả hơn, Chính phủ cần đổi mới cơ chế chính sách với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện cải tạo chung cư cũ.

Đổi mới cơ chế, chính sách trong cải tạo chung cư cũ là vấn đề rất quan trọng, cần đưa vào Luật Nhà ở. Dành quỹ đất lân cận những khu nhà ở, chung cư cũ, đặc biệt là những khu đất do cơ quan, nhà máy có chủ trương di dời ra khỏi trung tâm xây dựng hạ tầng để nâng cao hệ số sử dụng đất của các khu chung cư cũ. Đồng thời, Nhà nước cũng phải dành Ngân sách thỏa đáng cho đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ.

Thành Trung (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.