CafeLand - Sáng 13-8, thường trực HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Ít dự án được gia hạn

Tại phiên giải trình, hàng loạt câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã được đặt ra cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội Nguyễn Trọng Đông xoay quanh việc chậm trễ đưa dự án vào triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Đại biểu (ĐB) Hồ Vân Nga (tổ ĐB Quốc Oai) đề nghị cho biết, đến nay đã có bao nhiêu dự án được thành phố quyết định gia hạn theo quy định của Luật Đất đai năm 2013? Đối với những dự án chậm hơn 5 -10 năm, trong khi luật Đất đai quy định gia hạn 24 tháng, sở có biện pháp gì để tham mưu UBND TP?

Về vấn đề này, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội cho biết, các dự án trên địa bàn thành phố được giao đất, cho thuê đất cơ bản được triển khai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những dự án chậm tiến độ, thậm chí vi phạm Luật Đất đai.

Nguyên nhân chậm tiến độ, theo ông Đông, là do có sự thay đổi chính sách nên các dự án chậm giải phóng mắt bằng (GPMB). Chủ đầu tư không quyết liệt chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các sở ngành để tháo gỡ các chính sách GPMB, tập trung nguồn lực thời gian GPMB các dự án.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn các đại biểu HĐND.

Thứ hai, do giai đoạn 2012-2015, thị trường bất động sản trầm lắng nên khó kêu gọi đầu tư cũng như giải ngân để ngân hàng cho vay.

Thứ ba, về quy hoạch, sau khi sáp nhập thủ đô, Chính phủ chỉ đạo thành phố lập quy hoạch chung xây dựng thủ đô, sau đó triển khai quy hoạch này thì thành phố tổ chức lập quy hoạch phân khu. Quá trình rà soát có trên 240 dự án phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu.

Thứ tư, liên quan đến Luật Đê điều quy định không xây dựng nhà cao tầng trong khu nội đô cũng một phần ảnh hưởng đến các dự án đã đầu tư trước đây.

Về nguyên nhân chủ quan, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, các dự án trên địa bàn sau khi được phê duyệt giao đất, các ngành một số nơi chưa phối hợp hậu kiểm chặt chẽ và chưa quyết liệt xử lý.

Đối với việc gia hạn dự án chậm tiến độ, ông Đông cho biết đến nay không nhiều dự án được gia hạn, việc xin gia hạn chủ yếu là thực hiện điều chỉnh quy hoạch sau đó điều chỉnh hướng đầu tư.

Cũng theo ông Đông, sở gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi đối với Luật đất đai 2013 vì nếu không bồi thường tiền GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giải quyết công ăn việc làm của người lao động sẽ gặp sự chống đối quyết liệt của chủ đầu tư. Do đó, sở phải giải quyết rất thận trọng, chứ không phải là không xử lý.

“Hiện tại, những dự án chậm 5 - 10 sẽ không gia hạn nữa, bởi vì quá hạn 24 tháng. Do vậy trong thời gian tới sở sẽ xem xét, xử lý không chấp nhận gia hạn đối với những dự án 5-10 năm. Trừ những lý do bất khả kháng theo luật còn những dự án cố tình sẽ tiến hành thu hồi”, ông Đông nói.

Đã kiến nghị thu hồi đất, xử lý phạt 21 dự án

Cụ thể hơn, ĐB Trần Thế Cương đặt vấn đề dự án trường THPT Dân lập Trần Quang Khải (xã Yên Ninh, huyện Thanh Trì) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng đến nay chưa triển khai. Ông đề nghị Sở TNMT cho biết nguyên nhân và cho biết có thu hồi dự án này hay không?

Một dự án chậm triển khai khác là Trung tâm bồi dưỡng đào tạo GTVT tỉnh Hà Tây (huyện Thanh Oai) cũng đang “đắp chiếu”, đề nghị Sở cho biết kế hoạch cụ thể về việc thu hồi dự án này và tiến độ thời gian thực hiện?

Dự án Usilk City - khu đô thị Văn Khê mở rộng

ĐB Nguyễn Minh Tuân (tổ ĐB Tây Hồ) băn khoăn về dự án đầu tư xây dựng khai thác bể bơi của Trung tâm thể thao quận Tây Hồ đã được gia hạn từ 1-7-2014, sử dụng thêm 24 tháng, đến nay đã 48 tháng. “Khó khăn gì khiến chúng ta không thực hiện được các quy định của pháp luật, và kế hoạch biện pháp tiếp theo để giải quyết vấn đề này?", ĐB Tuân hỏi.

Trước các câu hỏi của các ĐB, Giám đốc Sở TN-MT cho biết dự án chưa được nhà nước giao đất. Vì thế, sở kiến nghị với Sở Kế hoạch và Đầu tư thời gian tới, trong quá trình rà soát các dự án, nếu dự án chưa được giao đất thì thu hồi giấy chứng nhận.

Còn đối với trung tâm đào tạo ở tỉnh Hà Tây, sở sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra trong quý 3 này và trình kết quả với UBND TP. Với dự án ở quận Tây Hồ đã được gia hạn từ năm 2014, sở sẽ cho thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo xử lý kiên quyết.

Theo ông Đông, hiện sở đã thực hiện thanh tra, kiểm tra với 215 dự án. Qua thanh tra, đã có 64 dự án được khắc phục, 21 dự án bị kiến nghị thu hồi đất và xử lý phạt, 11 dự án vướng mắc do quy hoạch GPMB, 30 dự án thanh tra chính phủ và các ngành thanh kiểm tra, 84 dự án đang kiểm tra. Các dự án ở Hoài Đức cũng nằm trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Hiện, sở đang tiếp tục phối hợp với thành phố xử lý vi phạm.

Đối với những đơn vị đã xử lý vi phạm và có kết luận của thanh tra, sở đã thực hiện công bố các đơn vị này trên cổng thông tin điện tử của Sở và của Bộ TNMT.

Liên quan đến mức xử phạt, ĐB Duy Hoàng Dương chất vấn, rằng mức xử phạt 8,1 tỉ đồng đối với 256 nhà đầu tư và 243 tổ chức sử dụng đất hiện nay đã đủ sức răn đe hay chưa? Liệu có cần thiết ban hành nghị quyết xử phạt gấp đôi đối với các đơn vị vi phạm về đất đai?

Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Luật Đất đai năm 2013 và các quy định của Chính phủ quy định mức xử phạt cao nhất đối với một sự án là 1 tỉ đồng. Với tình hình hiện nay, mức này chưa đủ sức răn đe, nên sắp tới sở sẽ cùng các ngành nghiên cứu dự thảo quy định, báo cáo UBND TP, HĐND TP để nâng mức xử phạt theo quy định của Luật Thủ đô lên gấp đôi.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.