Ngay sau khi công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn, Tổng cục Thuế đã có chỉ thị yêu cầu các cục thuế địa phương đảm bảo trước 30-9-2015 thu được ít nhất 50% số nợ thuế của 600 doanh nghiệp này.

Cơ quan thuế sẽ phải “căng mình” để thu hồi nợ trong giai đoạn cuối năm (Ảnh minh họa)

“Đến thời điểm hiện nay, yêu cầu này vẫn rất khó thực hiện. Số nợ đã thu hồi so với tổng số nợ 11.200 tỷ đồng của 600 doanh nghiệp trên mới chiếm khoảng 19,6%”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí nhấn mạnh.

Trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế ở 63 tỉnh, số lượng doanh nghiệp nợ thuế lớn tại Hà Nội và TP.HCM chiếm 2/3. Trong đó, số nợ của 200 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là hơn 4.600 tỷ đồng và 200 doanh nghiệp tại TP.HCM là trên 3.500 tỷ đồng. Do đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị, địa phương đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM quyết liệt áp dụng các biện pháp thu nợ theo đúng quy trình quản lý để thu hồi những khoản nợ còn lại.

Từ phía địa phương, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, đến 31-8, cơ quan thuế đã thu được hơn 6.924 tỷ đồng tiền nợ thuế. Trong đó, 175/268 đơn vị nợ thuế và tiền sử dụng đất được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nộp số tiền hơn 1.104 tỷ đồng vào ngân sách. Chia sẻ về các giải pháp thu hồi nợ, bà Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TP Hà Nội) chỉ rõ: “Ngay từ đầu năm, cơ quan thuế đã chỉ đạo các phòng quản lý, các chi cục thuế rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng để có giải pháp thu nợ hiệu quả như động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền trả nợ thuế”.

Cơ quan thuế cũng đã kiên quyết cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với các trường hợp nợ thuế xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; những công ty đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển nhưng vẫn nợ thuế; các dự án được gia hạn nhưng quá hạn chưa nộp tiền sử dụng đất; các dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất.

“Các chi cục thuế quản lý thu tiền sử dụng đất của dự án cũng kiên quyết thực hiện biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản và có văn bản đề nghị thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo quy định”, bà Yến thông tin.

Đối với các công ty có số nợ lớn, chây ỳ không nộp tiền sử dụng đất, không thực hiện dự án theo tiến độ phê duyệt, cơ quan thuế đã báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét thu hồi đất và kiên quyết không giao thêm dự án mới. Theo Cục Thuế TP Hà Nội, thực tế cho thấy, việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ đọng thuế là giải pháp đúng đắn. Đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài danh sách chủ động nộp ngay số thuế còn nợ hoặc có liên hệ, đề xuất và cam kết được trả nợ theo tiến độ.

Anh Tú (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.