22/03/2020 8:00 PM
Do không được quản lý, giám sát chặt, chỉ sau một thời gian, một số công trình nghệ thuật công cộng ở Hà Nội trở nên nhếch nhác, gây lãng phí...

Con đường gốm sứ - công trình nghệ thuật được khánh thành đúng dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng

Xuống cấp, nhếch nhác

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện nhiều dự án nghệ thuật công cộng. Nổi bật như: Con đường gốm sứ, phố bích họa Phùng Hưng và mới đây nhất là dự án cải tạo, biến rác thải thành 16 tác phẩm nghệ thuật tại con đường ven đê sông Hồng thuộc phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).

Ghi nhận của PV Báo Giao thông vào trung tuần tháng 3/2020, các công trình trên khá nhếch nhác, rác thải tràn đường. Tình trạng người dân mang đồ ra phơi khá lộn xộn. Thậm chí, chợ cóc ngang nhiên lấn chiếm hoạt động. Một số công trình đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Đơn cử dự án con đường gốm sứ - công trình nghệ thuật được khánh thành đúng dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới (gần 4km) đang trong cảnh “mang con bỏ chợ”.

Có mặt tại công trình này vào sáng 14/3, PV chứng kiến một con đường nhếch nhác với hàng loạt các mảng đen kịt bám dính trên các bức tranh gốm tại các vị trí: Đối diện số 989, 733, 683, 371 phố Hồng Hà, khu vực đầu cổng chợ đầu mối Long Biên. Một số vị trí đầu các tuyến phố: Hàm Tử Quan, Cầu Đất (quận Hoàn Kiếm) còn xuất hiện những mảng gốm lắp ghép bong tróc, vỡ vụn. Không gian công trình mang giá trị văn hóa này còn tồn tại những vết loang lổ, bốc mùi hôi hám bởi hành động phóng uế bừa bãi của một bộ phận người dân thiếu ý thức và những xe thu gom rác, nhất là đoạn đường từ ngã ba Cầu Đất - Trần Khánh Dư đến gầm cầu Long Biên.

“Chứng kiến công trình xuống cấp, chúng tôi rất xót xa. Tuy nhiên, cả chục năm qua, số lần tôi thấy cơ quan chức năng xử lý các hành vi xâm phạm đến con đường gốm sứ chỉ trên đầu ngón tay”, chị Lưu Hiền, một người dân sống ven đường Trần Khánh Dư nói.

Tương tự công trình trang trí nắp cống trên phố Tràng Tiền được nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, những bức tranh vẽ đầy thiện chí này chỉ còn lại những vệt màu loang lổ.

Ngoài các công trình trên, hiện trên nhiều bức tường ở Hà Nội cũng xuất hiện những nét vẽ nguệch ngoạc, xiêu vẹo với đủ màu sắc và hình thù, ký tự, chữ viết kỳ dị, phản cảm, thậm chí cả những bức tranh bạc màu.

Tìm hiểu của PV, hiện chỉ có các tác phẩm nghệ thuật ở phố Phùng Hưng được tổ chức, quản lý chặt chẽ. Ở đây được đầu tư một hệ thống camera giám sát 24/24h. Nhờ đó, hơn 2 năm qua, chất lượng công trình được giữ nguyên trạng, không bị xuống cấp.

Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để vi phạm tái diễn

KTS. Trần Huy Ánh, thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc VN cho rằng, Hà Nội đang có nhiều dự án vẽ tranh công cộng rất đẹp, tạo dấu ấn riêng biệt. Nhưng sau một thời gian, cũng là những bức tranh đó nhưng lại mang vẻ lem nhem, xấu xí. Điều đó thể hiện công tác quản lý yếu, thiếu chặt chẽ. “Việc vẽ tranh tạo cảnh quan đô thị rất cần được gìn giữ, những người vi phạm cần phải xử lý nghiêm”, KTS. Ánh bày tỏ.

Ông Đào Quang Tâm, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho hay, với mỗi dự án nghệ thuật trên địa bàn quận sau khi hoàn thiện đều được bàn giao cho phường, ban quản lý của phường chịu trách nhiệm quản lý. Theo ông Tâm, việc dự án nghệ thuật bị xuống cấp có nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân quản lý lỏng lẻo. “Chúng tôi đã yêu cầu cầu các phường có các dự án công cộng phải quản lý bằng nhiều giải pháp như: Lắp đặt camera, tuần tra kiểm soát để gìn giữ tạo cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp”, ông Tâm khẳng định.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trương Minh Tiến, nguyên PGĐ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho rằng, nguyên nhân xuống cấp của các công trình nghệ thuật công cộng một phần do Hà Nội khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Cộng với thời tiết thường xuyên bão, gió lớn, khiến những công trình ngoài trời nhanh chóng bị hư hại. Phần khác là do ý thức người dân chưa cao, công tác quản lý còn thiếu sát sao, quyết liệt. “Thời gian tới, UBND TP Hà Nội cần ban hành quyết định giao các quận có nhiệm vụ quản lý để phát huy giá trị các công trình nghệ thuật công cộng. Các quận phải giao nhiệm vụ cụ thể cho chủ tịch các phường và có chế tài xử lý người đứng đầu nếu để vi phạm tái diễn”, ông Tiến đề xuất.

Ý thức về không gian công cộng chưa cao

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, hiện nay dù chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam được nâng cao hơn, nhưng văn hóa phố thị, ý thức về không gian công cộng trong một bộ phận người dân chưa cao. Điều đó dẫn tới những hành vi coi thường giá trị và sẵn sàng làm tổn hại các công trình nghệ thuật vì sự ích kỷ cá nhân.

“Bên cạnh các biện pháp mang tính ràng buộc pháp lý, việc lồng ghép các hoạt động bảo vệ công trình nghệ thuật công cộng vào hoạt động chung của cư dân là cần thiết. Đó có thể là một cuộc thi chỉnh trang khu phố, một chương trình tổ chức không gian nghệ thuật cộng đồng (như phố bích họa Phùng Hưng)... nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giá trị tác phẩm nghệ thuật đối với mỹ quan đô thị, từ đó tạo sự tự giác trong nhân dân để bảo vệ cuộc sống văn minh hơn thay vì bắt buộc, cưỡng ép”, ông Vĩ đề xuất.

Nam Khánh - Lê Tươi (Báo Giao thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.