Khu tái định cư Đồng Tàu, quận Hoàng Mai. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, trong dự thảo chương trình chưa chú ý đến phát triển nhà cho thuê đối với các đối tượng là công nhân của các khu công nghiệp, là sinh viên các trường đại học (đều là con em nông dân rất khó khăn về kinh tế), và nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Các chủ đầu tư bất động sản trong 10 năm qua chỉ chú trọng đến phát triển nhà ở thương mại cao cấp để bán kiếm lời. Do đó, tuy tính bình quân diện tích nhà ở của Hà Nội có tăng lên, nhưng tỷ lệ người sống trong nhà tạm bợ, hay với diện tích tối thiểu không giảm bớt, khoảng cách chênh lệch về diện tích nhà ở giữa người giàu và người nghèo của Hà Nội ngày càng lớn.
Còn TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Tp.Hà Nội cho rằng, tỷ lệ người thuê nhà ở các nước trên thế giới là rất lớn (nếu không muốn nói là chủ yếu), số có nhà riêng chiếm rất ít. Cụ thể, tỷ lệ nhà ở thuê bình quân của các nước EU khoảng 26% tổng quỹ nhà (riêng nước Đức tới hơn 50%) trong khi Việt Nam theo thống kê chỉ hơn 4%. Do đó, cần khuyến khích các loại hình nhà ở cho thuê và đây là hướng nên có giải pháp ưu tiên để kêu gọi đầu tư.
Tuy nhiên, ông Nghiêm phản đối việc dự thảo đề xuất không phát triển nhà ở thương mại đến năm 2015. Bất động sản tồn kho nhiều, nhưng cấu trúc chỉ dành cho tầng lớp thu nhập cao. Theo đó, nên xem xét rà soát để phát triển nhưng có trọng điểm ở những khu đô thị vệ tinh, khu sinh thái.
Đồng tình với quan điểm phát triển nhà cho thuê cho các đối tượng thu nhập thấp, ông Đào Văn Bầu, nguyên phó Giám đốc Sở địa chính nhà đất Hà Nội cho rằng, Nhà nước nên nghiên cứu giá thuê nhà sao cho phù hợp với điều kiện của các đối tượng này. Cơ quan quản lý nhà sẽ được nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của người dân, đồng thời giảm chi phí của nhà nước, có rất nhiều hình thức cho thuê - trả dần.
Trước ý kiến phản biện của các đại biểu, ông Vũ Văn Phấn, phó Vụ trưởng Vụ quản lý nhà ở - Bộ Xây dựng (đơn vị tham mưu chương trình dự thảo của Hà Nội) khẳng định, Bộ Xây dựng đã cùng UBND thành phố phối hợp chặt chẽ xây dựng chương trình, bám vào các chủ trương, chính sách nhà nước của Bộ, ngành, Trung ương. Các lưu ý của các đại biểu về căn cứ Luật Thủ đô, các quyết định của Thủ tướng chính phủ, Bộ Xây dựng đã được Ban soạn thảo cân nhắc. Hà Nội là 1 trong 5 địa phương đang triển khai sớm nhất chương trình phát triển nhà ở.