CafeLand - Điểm sáng trong lĩnh vực bán lẻ hiện nay là cơ hội cho thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà. Song, thị trường Hà Nội đang ghi nhận một thực tế là: không có dự án mới trong quý đầu tiên, lượng khách sụt giảm mạnh, bán lẻ mặt phố chứng kiến sự đóng cửa trên diện rộng… Những diễn biến này cho thấy sự gián đoạn của thị trường bán lẻ trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tác động chưa từng có

Đó là đánh giá của bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao mảng dịch vụ cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, khi nhận định về thị trường bán lẻ quý 1-2020.

Cụ thể, thị trường bán lẻ Hà Nội không có dự án mới trong quý đầu tiên, nguồn cung ở mức khoảng 1,6 triệu đồng/m2, ổn định theo quý và tăng 13% theo năm. Giá thuê trung bình ở tầng trệt giảm 2% và công suất thuê giảm 1 điểm phần trăm theo quý, ổn định theo năm.

Đáng chú ý, các dự án ngoài trung tâm chứng kiến sự suy giảm mạnh hơn về cả giá thuê lẫn công suất thuê. Diện tích cho thuê thêm cao nhất được ghi nhận tại phân khúc trung tâm bách hóa và khu vực khác do công suất cải thiện tại dự án Aeon Mall Hà Đông mới ra mắt gần đây.

Theo bà Trang, các điểm bán lẻ đã vắng khách hơn từ tháng 2 nhưng đến giữa tháng 3, khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội được công bố thì lượng khách sụt giảm mạnh. Sự nghi ngại lây nhiễm đã dẫn đến việc đóng cửa tạm thời của các nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí và trung tâm thể thao.

Một cuộc khảo sát khách thuê của Savills gần đây cho thấy, có đến 55% nhà bán lẻ chứng kiến doanh thu giảm trên 50% so với quý trước. Hầu hết các ngành hàng đều đã bị ảnh hưởng tiêu cực; riêng siêu thị ghi nhận tăng trưởng lên đến 20%. Trong ngắn hạn, diện tích trống của các trung tâm sẽ tiếp tục tăng đáng kể.

Bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao mảng dịch vụ cho thuê thương mại của Savills Hà Nội.

Bán lẻ mặt phố đóng cửa trên diện rộng

Bà Trang cho biết, công suất của trung tâm mua sắm vẫn ở mức cao do các thương hiệu nổi tiếng được trang bị tốt hơn để ứng phó, cũng như lo ngại mất tiền cọc hoặc rủi ro về pháp lý.

Trong khi đó, bán lẻ mặt phố chứng kiến sự đóng cửa trên diện rộng do các doanh nghiệp nhỏ nhạy cảm hơn với biến động kinh tế. Các thương hiệu có các cửa hàng ở cả trung tâm mua sắm và mặt phố thường ngừng hoạt động các cửa hàng mặt phố trước tiên.

Các thương hiệu bán lẻ lớn nhỏ trên phố với doanh thu giảm khoảng 50% bị ảnh hưởng nặng nề do giá thuê có thể chiếm lên đến 50% tổng chi phí hoạt động.

Các khách thuê đã đề xuất với chủ nhà về việc miễn giá thuê cho trong thời gian cách ly trong tháng 4 và giảm 20-50% giá thuê trong 3 đến 12 tháng tới. Nhiều người đang tiếp tục đàm phán để được giảm sâu hơn về giá thuê và các chi phí kinh doanh khác; một số khác đã quyết định không gia hạn hợp đồng thuê.

Trong bối cảnh đó, các chủ nhà đã cân nhắc điều chỉnh ngắn hạn về chính sách thuê nhằm hỗ trợ những khách thuê đang gặp khó khăn bao gồm giảm giá thuê, miễn tiền thuê theo giai đoạn, gia hạn thời điểm thanh toán giá thuê, hoặc chuyển sang hình thức trả giá thuê theo tháng.

Yêu cầu hỗ trợ của từng khách thuê riêng biệt đã được xử lý trong hai tháng vừa qua. Các khách thuê mới còn trong giai đoạn xem xét mặt bằng đang đàm phán lại giá thuê hoặc hoãn việc ký kết các hợp đồng mới.

“Trong khảo sát khách thuê của chúng tôi, có 57% lượng người tham gia mong muốn chủ nhà giảm 40-50% giá thuê và 31% yêu cầu miễn tiền thuê. Khảo sát chủ nhà lại cho thấy có sự miễn cưỡng đối với việc giảm giá thuê quá nhiều, phần lớn sẽ chỉ hạ lên đến 30%”, bà Trang cho biết.

Bán lẻ mặt phố đóng cửa trên diện rộng.

Thương mại điện tử được đẩy mạnh

Mặc dù chịu tác động đáng kể từ dịch bệnh, nhưng lĩnh vực bán lẻ đang được hưởng một số lợi thế nhất định để có thể khôi phục kinh doanh trong thời gian tới.

Doanh thu bán lẻ trong quý 1 đạt 87,6 nghìn tỉ đồng, tương đương 3,8 tỉ USD, duy trì mức tăng trưởng cao 9,3% theo năm.

Covid-19 đang thúc đẩy thương mại điện tử và tấn công bán lẻ truyền thống. Khảo sát của Savills chỉ ra 28% các nhà bán lẻ đang kết hợp cả hai kênh trực tiếp và trực tuyến và 28% chỉ hoạt động trực tuyến.

Doanh thu từ thương mại điện tử của nhiều cửa hàng có thể tăng lên đến 30%. Thương mại điện tử được nâng cao nhờ 68% dân số sử dụng internet. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 75% vào năm 2020, theo “Kế hoạch về Phát triển Thương mại Điện tử của Hà Nội năm 2020”.

Cũng theo đại diện Savills, lượng doanh nghiệp trong ngành ẩm thực tham gia các ứng dụng giao hàng tăng mạnh, coi là một sáng tạo nhằm duy trì hoạt động. Các thương hiệu trung và cao cấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng đã nhanh chóng đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nhà. Các thương hiệu bình dân đối mặt với ít thay đổi hơn do phần lớn đã ưu tiên hoạt động trực tuyến để tiết kiệm chi phí.

Quản lý cấp cao của Savills cho rằng, việc tích trữ dẫn đến số lượng các chuyến mua sắm giảm xuống, các cửa hàng mặt phố và cửa hàng tiện lợi trở nên kém được ưa chuộng hơn so với các mô hình bán lẻ quy mô lớn như đại siêu thị, siêu thị và siêu thị mini với nguồn cung sản phẩm lớn hơn, mức giá rẻ hơn, cộng thêm dịch vụ giao hàng tận nhà.

“Covid-19 đã mang lại cơ hội cho thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sẽ phải đối mặt với những thách thức từ việc người lao động bị cách ly và hạn chế trong mạng lưới giao thông. Trong trung hạn và dài hạn, thương mại điện tử và giao hàng tận nhà dự kiến sẽ phát triển mạnh do cảm tính và hành vi của người tiêu dùng được tái định hình trong giai đoạn xảy ra dịch”, bà Trang nhận định.

Theo dự báo của Savills, đến năm 2021, 19 dự án với khoảng 195.000 m2 sẽ gia nhập thị trường. Các dự án đáng chú ý bao gồm Vincom Mega Mall Smart City, Vincom Mega Mall Ocean Park và Hinode City.

Phần lớn nguồn cung trong tương lai nằm ở khu vực phía tây (43%) và khu vực nội thành (28%). Với nguồn cung ngày càng mở rộng ra ngoài trung tâm, giá thuê bình quân thị trường dự kiến sẽ giảm. Các dự án được lên kế hoạch đi vào hoạt động trong năm 2020 có thể sẽ xem xét trì hoãn ngày ra mắt.

Khảo sát của Savills cho thấy 61% khách thuê khá tích cực về khả năng phục hồi nếu đại dịch kết thúc trong quý 2. Nếu dịch tiếp diễn, 86% khẳng định thời gian phục hồi ít nhất sẽ là 6 tháng.

Theo bà Trang, các nghành hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí, trung tâm giáo dục và thể thao được dự đoán sẽ phục hồi đầu tiên do người tiêu dùng nhanh chóng trở lại nếp sống bình thường sau thời gian thực hiện cách ly xã hội. Các ngành hàng như thời trang và mỹ phẩm hoặc đồ nội thất, gia dụng và điện tử sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.