30/10/2017 11:06 AM
Để bảo vệ quyền lợi cho mình, các hộ dân đã gửi đơn khiếu nại kéo dài từ đó đến nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật.
Các hộ dân sinh sống lâu năm tại khu Ao cửa sông, tổ dân phố 11, đường Thanh Bình, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội tá hỏa khi nhận được quyết định thu hồi đất của UBND quận Hà Đông, nhưng đơn giá bồi thường lại quá “bèo” khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Mỗ Lao.
Người dân bức xúc vì giá bồi thường quá “bèo bọt”.
Bồi thường hay lấy không?
Đơn kêu cứu của bà Bùi Như Phong trình bày: Đất của gia đình bà có nguồn gốc mua lại của bà Nguyễn Thị Hải Yến từ năm 2003 với diện tích 365m2. Năm 2004, gia đình bà xây dựng nhà ở kiên cố diện tích sàn trên 60m2.
Năm 2005, gia đình bà mua thêm căn nhà và đất rộng 52m2 của một chủ bên cạnh. Cuối năm 2005, bà Phong nhượng lại 52m2 đất này cho gia đình bà Bùi Thu Giang và ở ổn định cùng với 8 nhân khẩu, không tranh chấp, có sổ tạm trú dài hạn (KT3), thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ.
Năm 2006, UBND quận Hà Đông thực hiện Dự án xây dựng KĐT mới Mỗ Lao (Dự án).
Ngày 20/6/2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số 1081/QĐ-UBND thu hồi 602.997,8m2 đất thuộc địa bàn phường Văn Mỗ, giao cho Ban Quản lí Dự án KĐT Mỗ Lao để thực hiện Dự án.
Trong suốt quá trình này, 5 hộ dân không nhận được văn bản về việc bị thu hồi đất thực hiện Dự án.
Đến ngày 7/12/2012 các gia đình bất ngờ nhận được các quyết định thu hồi đất. Đến ngày 30/6/2014, UBND quận Hà Đông tiếp tục ban hành Quyết định 5539/QĐ-UBND cưỡng chế thi hành Quyết định thu hồi đất để GPMB thực hiện Dự án, khiến các hộ dân luôn sống trong tình trạng lo lắng.
Được biết, hộ ông Đinh Khắc Hiếu được hỗ trợ 80% tài sản, các hộ còn lại chỉ được hỗ trợ 10% chi phí phá dỡ. Theo phương án phê duyệt, hộ bà Phong và bà Giang được 23,9 triệu đồng, hộ bà Nguyễn Thị Hoa được 143 triệu đồng, hộ ông Phạm Ngọc Châu được 7 triệu đồng, hộ ông Lê Văn Khang được 17 triệu đồng. “Đây là cái giá quá “bèo bọt” cho 775m2 đất của các gia đình chúng tôi”, các hộ dân cho biết.
Để bảo vệ quyền lợi cho mình, các hộ dân đã gửi đơn khiếu nại kéo dài từ đó đến nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật.
Đất được khai hoang từ năm 1990
Trình bày với PLVN, ông Nguyễn Văn Đông cho biết, khu đất này trước đây do Cty Lâm sản Tây Bắc sử dụng lấy đất làm gạch, sau đó phá sản để đất hoang hóa chỉ còn lại hố, thùng đấu sâu từ 3,5 đến 4 mét.
Năm 1990, ông Đông cùng mẹ là cụ Đinh Thị Hòe ra phát cây cối, lấp hố đấu làm nhà tạm để ở ven bờ Sông Nhuệ và khu đất phía trong, nay là số 447 đường Thanh Bình, có sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Đến năm 1997, Nhà nước xây dựng trạm bơm tiêu nước, cụ Hòe và ông Đông trả lại một phần đất ven sông, tiếp tục san lấp, đổ đất vào khu hố đấu, tạo lập thành mặt bằng như hiện nay.
Năm 1998, ông Đông nhượng lại toàn bộ khu đất cho vợ chồng người anh rể là ông Lê Văn Khang, bà Nguyễn Thị Hòa sử dụng.
Gia đình ông Khang đã thực hiện đăng kí tạm trú và nộp thuế từ đó đến nay và SDĐ ổn định; đồng thời xây 3 gian nhà cấp 4, không có tranh chấp, được nhiều người ở cùng thời kì xác nhận, trong đó ông Đỗ Ngọc Ban - nguyên lãnh đạo Tổng kho Lâm sản Hà Đông, thuộc Cty Lâm sản Tây Bắc thời kì 1988-1999.
Khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai 2003 quy định, hộ gia đình, cá nhân không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 (Điều 50), nhưng đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền SDĐ và không phải nộp tiền SDĐ.
Quy định này được cụ thể hóa tại khoản 1, Điều 3 Nghị định số 84/2007/NĐ- CP, với tiêu chí sử dụng đất liên tục cho một mục đích chính nhất định, kể từ khi bắt đầu SDĐ đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền SDĐ hoặc có quyết định thu hồi đất.
Hoặc trường hợp đất được sử dụng liên tục mà có sự thay đổi về người SDĐ nhưng không phát sinh tranh chấp. Việc xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định căn cứ vào thời gian, mục đích sử dụng ghi trên một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP.
Khoản 4 điều này quy định, trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 2, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm và mục đích SDĐ, trên cơ sở thu thập ý kiến của những người từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu SDĐ với người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư.
Các hộ dân khẳng định, đất của họ đang sử dụng ổn định, không nằm trong quy hoạch của Dự án, bằng chứng là ngày 28/7/2006, trong quá trình thực hiện Dự án, UBND TX Hà Đông (cũ) có Văn bản số 605 gửi UBND phường Văn Mỗ (cũ) đôn đốc việc kiểm đếm, có nêu cụ thể 6 khu vực chưa thực hiện kê khai, kiểm đếm, nhưng hoàn toàn không nhắc tới 5 hộ khu vực Ao cửa sông…
Từ các phân tích trên thấy rằng, các hộ dân thỏa mãn điều kiện được đền bù, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng quận Hà Đông không thực hiện việc thu thập ý kiến cộng đồng dân cư, mà chỉ căn cứ vào hồ sơ địa chính để phê duyệt phương án hỗ trợ cho các hộ dân là trái quy định của pháp luật.
Tuấn Ngọc (Pháp Luật Plus)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.