Việc công bố danh sách dừng hàng loạt các dự án để chờ quy hoạch mới đây đang thu hút sự chú ý của công luận, trong đó nổi lên nhất là tiêu chí được xác định làm căn cứ rà soát các dự án và về cách hành xử của cơ quan có thẩm quyền với các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này .

>> Số phận mong manh của các dự án

Doanh nghiệp mù mờ, thiếu thông tin

Trước khi Sở QHKT ra thông báo 16 dự án bị tạm dừng để chờ quy hoạch phân khu, UBND TP. Hà Nội cũng đã có thông báo về việc rà soát các đồ án, dự án trên địa bàn Hà Nội.


Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chủ đầu tư vẫn không nắm được Sở QHKT tiến hành rà soát các dự án dựa vào tiêu chí nào. Thông báo đăng trên trang web của Sở QHKT cũng nói là thực hiện chỉ đạo của TP.Hà Nội về việc rà soát các dự án, đồ án để đưa ra kết luận các dự án điều chỉnh, dự án tạm dừng, mà không hề đưa ra căn cứ cũng như bộ tiêu chí để khẳng định dự án nào dừng, dự án nào tiếp tục triển khai.

Một chủ đầu tư có dự án nằm trong danh sách 75 đồ án, dự án cần điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục được triển khai bức xúc cho biết, cho đến tận bây giờ ông cũng không rõ dự án của Cty ông bị dừng lại vì không đáp ứng được tiêu chí gì. Hiện cả doanh nghiệp ông đang thấp thỏm như cá nằm trên thớt vì cả ngàn tỉ đồng đã bỏ vào dự án, trong đó rất nhiều phần là vốn vay của ngân hàng.

Điều đáng ngạc nhiên là, trả lời báo giới cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, hiện Bộ Xây dựng cũng chưa có tiêu chí nào về việc rà soát các dự án, để trên cơ sở đó phân tích dự án nào đủ tiêu chuẩn để triển khai hoặc tạm dừng! Vậy cơ sở nào để xếp dự án này được “đi tiếp” và dự án kia phải dừng lại, vẫn hết sức mù mờ, mà chính các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp đến nay cũng không được nắm rõ.

Cách hành xử phản cảm

Thông báo trên website Sở QHKT và Sở Kế hoạch -Đầu tư về việc yêu cầu chủ đầu tư thuộc danh sách 75 đồ án, dự án loại 2 cần điều chỉnh quy hoạch “khẩn trương liên hệ” với Sở QHKT để được “hướng dẫn thực hiện điều chỉnh” trước ngày 30.10.2010. Sau thời hạn nêu trên, không liên hệ với Sở QHKT thì coi như không có nhu cầu triển khai dự án đã bị dư luận và các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng phản ứng mạnh mẽ.

Trả lời báo giới, ông Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - cho rằng, việc rà soát rồi đưa lên phương tiện thông tin đại chúng của một số sở, ngành của Hà Nội là cách làm gây phản cảm và tạo ra sự nghi ngờ trong công luận.

Theo ông Phạm Gia Yên, khi doanh nghiệp tiến hành làm dự án thì đã trải qua không ít các cuộc bảo vệ trước hội đồng liên ngành. Dự án được phê duyệt đều trên cơ sở thẩm định phê duyệt một cách chặt chẽ và các tài liệu đó phải được được lưu trữ tại các sở, ngành. Tài liệu này là cơ sở để thực hiện việc rà soát. Khi phát hiện những vấn đề bất cập so với tình hình quy hoạch hiện nay thì trách nhiệm các tổ chức, cá nhân rà soát phải mời chủ đầu tư thuyết phục, bàn cách tháo gỡ để có một dự án phát triển bền vững hơn phù hợp với tiến trình xây dựng Thủ đô mới. Làm như vậy thì việc rà soát mới có hiệu quả và không gây bức xúc cho các nhà đầu tư, hạn chế sự nghi ngờ trong công luận.

Ông Phạm Gia Yên cũng cho rằng, việc rà soát quy hoạch xây dựng là việc làm thường xuyên, hàng ngày của chính quyền các địa phương và của các cơ quan chuyên môn giúp việc nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh các chủ đầu tư thực hiện đúng như quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Chỉ nên đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khi các chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật xây dựng và buộc phải xử lý hoặc chủ đầu tư và các cấp chính quyền công khai minh bạch dự án theo quy định của pháp luật dưới các hình thức khác nhau. Việc đăng tải như cách làm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa rồi sẽ còn tiếp tục gây phản cảm cho công luận...

Như vậy, có thể thấy ở đây một câu chuyện là, khi Hà Tây, Hà Nội sáp nhập thì trước đó đã có hàng loạt dự án được Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Nhưng vấn đề đặt ra là cần có một quy hoạch chung, tổng thể thủ đô Hà Nội mở rộng. Chính vì vậy, việc rà soát các dự án để khớp nối các hệ thống hạ tầng giữa các khu đô thị với nhau và với hệ thống hạ tầng chung của toàn đô thị là hoàn toàn đúng đắn. Chính vì vậy, ngày 4.3.2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 260/ CT – TTg về việc rà soát các dự án hiện có để phù hợp với quy hoạch chung thủ đô mở rộng và không triển khai các dự án mới. Những dự án xét thấy phù hợp, không ảnh hưởng đến ý tưởng quy hoạch chung thì vẫn cho tiến hành bình thường.

Sẽ là rất bình thường nếu các cơ quan có thẩm quyền hành xử một cách công khai, minh bạch, đề ra các tiêu chí cụ thể để các chủ đầu tư biết và thực hiện; tránh tình trạng nay dừng, mai cho tiếp tục triển khai, ngày kia lại dừng, gây thiệt hại nặng nề và những hoang mang, lo lắng không đáng có cho doanh nghiệp và người dân. Và cũng làm được như vậy, mới bỏ được ấn tượng xấu về số phận mong manh của các dự án!

Thông tin về 16 dự án, đồ án tạm dừng tại Hà Nội là chưa có cơ sở

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nam sáng 9.11, nhân cuộc họp báo chuẩn bị Hội thảo quốc tế “Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản kinh nghiệm thế giới và lựa chọn cho VN” tổ chức tại HN.


Theo Thứ trưởng Nam: “Cho đến thời điểm này quy hoạch chung của thủ đô chưa được Thủ tướng phê duyệt.... do đó cơ sở pháp lý để rà soát, đối chiếu chưa có. Bộ Xây dựng chưa có ý kiến chính thức gì về việc này”. Thứ trưởng cũng cho biết ông có trao đổi với Chủ tịch UBND TPHN Nguyễn Thế Thảo cuối tuần trước, và được biết UBND TPHN cũng chưa có ý kiến cũng như chủ trương gì về việc này. Chủ tịch khẳng định đó là việc của Bộ Xây dựng. Thứ trưởng Nam cho biết: “Tôi đã cho thẩm tra các vụ của Bộ Xây dựng, cùng với thông tin trao đổi với đồng chí Chủ tịch UBND TPHN, tôi khẳng định hoàn toàn không có thông tin về việc dừng 16 dự án. Tôi cũng không biết thông tin này từ đâu ra nhưng chưa có cơ sở chính thức quyết định phê duyệt của Thủ tướng để chúng ta sắp xếp dự án này, dự án kia. Luật của mình cơ bản không có tính chất hồi tố. Những dự án nào đến giai đoạn đã được phê duyệt - đã được trao quyền, đã triển khai rồi thì phải cho qua, không thể moi chuyện cách đây 3 năm để đình lại”.


Thứ trưởng Nam cho biết, đây là thông tin ông chính thức trả lời báo giới để các DN và thị trường yên tâm, tránh làm xáo trộn thị trường với những thông tin không chính thức. Việc đăng công bố trên website cũng phải căn cứ vào quyết định hay văn bản, chỉ thị nào đó. Website đăng ý kiến của cá nhân thì cũng không có giá trị pháp lý.


Được biết, thời gian vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội công bố trên website của sở này danh sách 16 đồ án, dự án tạm dừng chờ quy hoạch phân khu. Thông tin trên đã làm cho một số DN cũng như nhà đầu tư bất động sản hoang mang, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS.

P.H.G



Cafeland.vn - Theo Nam Nguyễn (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland