Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Quyết định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn trong năm 2021 với hệ số K cao nhất ở mức 2,15 làm căn cứ tính: Thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá; thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố.
Hệ số K năm 2021 của Hà Nội có hiệu lực từ ngày 5/2
Theo Quyết định trên, hệ số điều chỉnh giá đất mà Hà Nội áp dụng từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021 cụ thể: Đối với các thửa đất tại 04 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng có hệ số K = 2,15. Đối với các thửa đất tại 03 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ có hệ số K = 1,95. Đối với các thửa đất tại các quận còn lại có hệ số K = 1,80.
Đối với thửa đất tại các xã khu vực giáp ranh quận; thị trấn thuộc các huyện (trừ thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, ứng Hòa, Phúc Thọ); các phường thuộc thị xã Sơn Tây có hệ số K = 1,45. Đối với các thửa đất tại các xã còn lại thuộc các huyện; các xã của thị xã Sơn Tây; thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, ứng Hòa, Phúc Thọ: Hệ số K = 1,25. Quyết định số 01/2021/QD-UBND của UBND thành phố Hà Nội có hiệu lực từ ngày 5/2/2021.
Được biết, hệ số K được ban hành này sẽ căn cứ dựa trên Bảng giá đất đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn áp dụng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024.
Liên quan đến việc các địa phương ban hành và áp dụng hệ số K hàng năm để làm căn cứ tính tính giá đất thực tế được các chuyên gia nhận định là giải pháp cần thiết để tính giá đất sát với giá thị trường, đảm bảo nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước.
Việc giá chung cư tại Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung tăng cao thời gian qua được cho là một phần đến từ việc hệ số K kéo tăng tiền sử dụng đất
Tuy nhiên, việc điều chỉnh hệ số K hàng năm trong bối cảnh một dự án bất động sản có khi phải mất lâu hơn hơn thời gian một năm để lo xong các thủ tục pháp lý dẫn đến việc doanh nghiệp bị “vỡ” phương án cân đối tài chính khi xây dựng dự toán đầu tư cho dự án do giá đất bị thay đổi và thường là tăng lên.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Constrexim cho biết tiền sử dụng đất hiện nay các địa phương không chỉ áp theo đơn giá hàng năm đã công bố mà áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để tính giá đất. Khi đó, sự biến động của giá đất thực tế có thể làm vỡ kế hoạch kinh doanh ban đầu do doanh nghiệp không biết được giá đất khi hoàn thiện thủ tục chủ trương đầu tư.
Đối với việc các địa phương áp dụng hệ số K trong việc tính giá đất khi các doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP.Invest nêu quan điểm cho rằng việc áp hệ số K cao sẽ làm gia tăng giá vốn đầu vào của dự án do làm tăng tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp.
"Việc số tiền sử dụng đất phải nộp, một cấu phần quan trọng quyết định giá bán của sản phẩm tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá bán của các sản phẩm bất động sản tăng cao như thực tế thị trường trong thời gian qua" - ông Hiệp nhận định.
Từ phân tích đó, ông Hiệp cho rằng, trong chiến lược phát triển nhà ở phân khúc vừa túi tiền hay nhà ở bình dân thì để thu hút được doanh nghiệp tham gia vào thì giá đất là việc cần tính toán cho phù hợp, nếu không miễn thì việc áp hệ số K cũng phải phù hợp để giảm chi phí đầu vào, kéo giảm giá bán đầu ra.
-
Từ 1/3/2021, thanh toán nợ tiền sử dụng đất theo giá đất năm 2021
CafeLand – Cục Thuế Hà Nội vừa hướng dẫn thu tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 của Chính phủ sửa đổi điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.